“Khắp phố phường tiếng ve kêu hè hè hè
Và trong những tán lá me kêu hè hè hè…”
Không phải nhạc Xuân, giai điệu trên mới là giai điệu được hát nhiều nhất trong những ngày nghỉ Tết này, chỉ vì một điều duy nhất, Tết quá nóng! Cái se se lạnh chiều 30, cơn mưa phùn đầu xuân ngày mồng Một được thay thế bằng những trận nắng vỡ đầu, nắng như mùa hè tháng 6, tháng 7. Người ta đua nhau than nóng trên mạng xã hội. Nắng nhiều chụp ảnh đẹp đấy nhưng nắng quá dễ khiến chúng ta cáu bẳn, mệt mỏi; đồ ăn thức uống cũng nhanh hỏng hơn nữa.
Và thêm một nỗi khổ kêu không ai thấu nữa là vì nghĩ Tết lạnh, ai cũng sắm rất nhiều quần áo ấm, từ đồ len cho tới đồ dạ, từ áo khoác cho tới áo len… Thê thảm nhất là cánh sinh viên, những người sống ở thành phố, vali về quê ăn Tết chất cực nhiều đồ mùa đông, thậm chí còn bỏ bớt quà cáp lại để chất đồ ấm vì chúng cực chiếm diện tích. Ấy thế mà về Tết không được diện ngày nào, nay lên thành phố phải mang chúng theo, khổ không kể đâu cho hết!
Bách Nguyễn: “Mang đống quần áo ấm về quê, chưa mặc được cái nào, nay phải mang đi.”
Cô Ca: “Sáng nay xếp quần áo vô vali mà khóc ròng, hôm về đã chật vật lắm rồi.”
Tầm Phạm: “Thôi thì để lại ở nhà, bao giờ rét bảo ba mẹ gửi ra sau vậy, giờ mang hết quần áo ấm lên Hà Nội thì vali không còn chỗ mà chứa đồ ăn nữa.”
Thảo Linh: “Đi mua quần áo trước Tết 1 tháng, mấy hôm cận Tết nóng quá lại phải đi sắm lại từ đầu, khổ không biết than với ai.”
Thịnh: “Mấy cái áo ấm to đùng, cho vào vali chật chỗ nên đành mang lên người. Suốt chặng đường lên thành phố người như lò sưởi, mồ hôi toát ra ướt hết cả áo.”
Thùy Linh: “Đưa đồ ấm về và ngày ngày cầu mong có không khí lạnh để được mặc.”
Trịnh Trang: “Mang bánh kẹo hết chỗ rồi nên đành để quần áo ở lại.”
Trần Thị Hậu: “Mang về một vali và mặc được mỗi 2 cái.”
Lê Thị Vân: “Mình để hết ở quê, hè về lấy. Giờ mang bánh kẹo với bánh chưng lên ăn.”