Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Niềm vui lấp lánh của học trò vùng dịch

Tạm gác lại những âu lo về sách vở, máy tính, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM đã bước vào năm học mới với thật nhiều yêu thương.

 

Những ước mơ dang dở

Năm học mới sắp đến nhưng T.Thiện (ngụ quận 8, TP.HCM) vẫn không khỏi lo lắng. Hai tuần trước khi giãn cách, ba nuốt nước mắt gửi em sang nhà bà con. 

Gần hai tháng ba không có thu nhập, chiếc xe máy cà tàng ba dành đi bán đồ gia dụng cũng nằm chỏng chơ ngoài sân. Không có tiền, hai cha con rau cháo qua ngày nhưng rồi cũng đến lúc ba không thể trụ nổi nữa. Trước khi đưa em đi, ba dặn thật nhiều, nào là con phải ngoan nghe không, qua đó nhớ phụ việc nhà, nhớ dạ thưa cô chú.

Thiện gật đầu. 

Khu vực em sinh sống là vùng cam, chứng kiến nhiều người mất vì Covid-19, ba không khỏi lo lắng. Ngày nhập học cận kề, bạn bè nô nức chuẩn bị máy tính, bút thước để khởi động học kì mới, Thiện vẫn còn ở nhà. 

Một hôm, ba nhận được điện thoại của cô giáo. Cô nhắn em tiếp tục học kì bằng hình thức học trực tuyến. Ba ngậm ngùi nhẩm tính, nếu vét hết số tiền trong túi, ba cũng không thể mua được cho em bộ sách giáo khoa, huống chi là máy tính.

Thiện đành khép lại cánh cửa của năm học mới trước mắt. Ba ngậm ngùi: "Chắc phải để đến khi nào học ở trường, tui mới có thể cho nó theo đuổi con chữ". 

Niềm vui lấp lánh của học trò vùng dịch Ảnh 1

"Bao giờ con mới được học tiếp, hở ngoại?".

Câu nói của T.T (ngụ quận 10) làm ngoại không khỏi nghẹn ngào. Nhà nghèo, cả gia đình cũng chỉ liên lạc qua chiếc điện thoại bàn phím số sờn cũ của ngoại. 

Học trực tuyến với chiếc máy tính bảng mới, với các ứng dụng mà bạn bè đang bàn tán rôm rả là một ước mơ xa xỉ đối với em. Dịch bệnh khiến ai cũng quắt quay, gia đình em cũng thế. Năm học mới mở ra, lòng ngoại đầy âu lo, thấy thương quá đỗi cô cháu gái lớp 6 với ước mong tới trường.

Cũng giống như T., Thiện, nhiều học sinh trên địa bàn TP.HCM rơi vào tình trạng thiếu hụt thiết bị điện tử để tiếp cận hình thức học trực tuyến. Gia đình không có đường truyền Internet, phụ huynh không tìm được nơi mua đồ điện tử, học trò cũng loay hoay với việc chuẩn bị dụng cụ học tập…

Nhà trường đồng hành

Trao đổi với P.V, cô Nguyễn Yến (giáo viên trường THPT Mạc Đỉnh Chi, quận 6) cho biết nhà trường đang hỗ trợ bằng cách lập danh sách các em học sinh gặp khó khăn. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng thăm hỏi từng em đã có thiết bị học tập, kết nối mạng chưa… Nhà trường cũng đã phối hợp với nhà mạng Viettel để gửi thông tin hỗ trợ mua các thiết bị điện tử, gói cước sử dụng mạng với nhiều ưu đãi. Các cửa hàng online sẽ phụ trách việc giao tận nhà cho các em.

 

Viết tiếp ngày mai

Sách giáo khoa, tập trắng, máy tính bảng, bút thước… Tình nguyện viên Hải Nam (trực thuộc quận Đoàn 10) cẩn thận kiểm tra từng thứ một rồi cho vào túi xách. Xe máy của Nam len lỏi vào các con hẻm nhỏ rồi dừng trước căn chung cư cũ ở đường Tô Hiến Thành (quận 10).

Niềm vui lấp lánh của học trò vùng dịch Ảnh 2

Nhà của bé N. (lớp 6) nằm nép mình trong căn chung cư cũ kĩ, ẩm thấp. Ngôi nhà có tầng gác được dựng tạm bợ ngoài trời, được chống lên bằng các vách gỗ. Bà N. sống nương nhờ vào xe bánh mì. Dịch bệnh, bà không thể đi bán, chiếc xe cũng nằm chỏng chơ ngoài trời. Chú N. mắc bệnh nặng đang nằm thở oxy tại nhà. Hơn 2 tháng qua, cả nhà quay quắt vì dịch bệnh, nhận thực phẩm hỗ trợ từ chính quyền địa phương. 

Năm học mới mở ra, cô bé lớp 6 cũng ngổn ngang nỗi lo không có sách giáo khoa, không có máy tính bảng, gia đình cũng không ai có thể hướng dẫn em học tập.

Niềm vui lấp lánh của học trò vùng dịch Ảnh 3

Lúc Hải Nam đến, N. reo vui và vô cùng mừng rỡ. Chàng tình nguyện viên cẩn thận lắp đặt sim 4G vào máy tính bảng, hướng dẫn N. cách mở zoom, học trực tuyến. Quyển tập trắng còn thơm mùi giấy mới, bộ sách giáo khoa được đặt ngay ngắn trên bàn… là niềm vui của N. cả ngày hôm đó. 

Niềm vui lấp lánh của học trò vùng dịch Ảnh 4

N. cũng như hàng trăm em thiếu nhi trên địa bàn quận 10, TP.HCM là đối tượng được quận Đoàn giúp đỡ trong dịp đầu năm học mới.

Hiện tại, nhóm đang triển khai đội hình “gia sư áo xanh” gồm các bạn tình nguyện viên sẽ đến tận nhà để hướng dẫn các em học tập, tặng nhu yếu phẩm, máy tính bảng, sách vở… 

Hải Nam là một trong những tình nguyện viên của đội hình này. Theo chia sẻ của Nam, đa phần các bé đều có ba mẹ là người lao động, gặp khó khăn trong dịch bệnh và không thể hỗ trợ con học tập.

Không ít lần, cậu cảm thấy vô cùng xúc động trước tâm sự của những em nhỏ mà mình hướng dẫn học tập. Một em học sinh đã kể với Nam: “Lúc nghe cô thông báo học trực tuyến trở lại, em buồn lắm. Mẹ em không có điện thoại, em cũng không biết làm sao”. Hay đôi lúc, nhiều phụ huynh cũng nghẹn ngào: “Nhà khó khăn, chạy ăn còn chưa đủ nên không có chi phí mua máy tính cho con. Tôi cũng cố gắng đi vay mượn nhưng thực sự không biết mua ở đâu, các cửa hàng điện tử đều đã đóng cửa. Nếu để con bỏ dở việc học, không biết tương lai nó như thế nào”.

Theo số liệu thống kê tại TP.HCM, trong tổng số 700.000 học sinh trung học có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet. Ở bậc tiểu học, trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có 53.349 học sinh không đủ điều kiện học tập (19.669 học sinh không có thiết bị). 

Có lần, Nam thấy xúc động trước hình ảnh hai anh em bé T. (ngụ quận 10) ngồi chen chúc trên chiếc bàn nhỏ. Ngôi nhà nằm sâu con hẻm lụp xụp, ông của T. bị bệnh nặng vẫn đang nằm yên một chỗ. Cả nhà đều thất nghiệp trong mùa dịch, người làm công nhân bị nghỉ việc, người làm giúp việc nhưng không được nhận. Khi được trao chiếc máy tính bảng, bé T. mừng rỡ đón lấy. Ngoài ra, gia đình T. còn được tặng thêm dầu ăn, sữa, gạo, nước mắm, nước tương…

Chiếc máy tính đầu đời là món quà vô cùng quý giá đối với T. Nó giúp T. vơi bớt được phần nào âu lo của năm học mới, làm em có thêm niềm tin rằng khi em khó khăn, luôn có những bàn tay giang ra và đón lấy.

Nhiều em học sinh khối Tiểu học và THCS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận 10, không có điều kiện trang bị các thiết bị điện tử để tham gia học trực tuyến, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tính đến nay, quận Đoàn đã hỗ trợ được 100 em, ở 14 đơn vị phường.

Chúng tôi đang cố gắng quyên góp thêm các máy tính cũ, vệ sinh, tân trang… để các em có thể tái sử dụng. Đa phần, phụ huynh các em không rành về thiết bị điện tử, các em cũng lúng túng trong việc tải tài liệu, sử dụng các ứng dụng… Chúng tôi mong muốn được rút ngắn khoảng cách tiếp cận đó. Ngoài ra, đội ngũ tình nguyện viên là “gia sư áo xanh” cũng đang kết nối giúp đỡ học sinh học tập, bổ sung kiến thức, giao sách giao khoa…

Anh Nguyễn Kim Trung (Bí thư quận Đoàn 10, TP.HCM)

 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất