"Mừng quá, hôm nay số lượng người dương tính đã giảm rồi, giảm rồi!", BS Bùi Dương Khang nói với đồng nghiệp bằng giọng đầy phấn khởi.
Hơn 120 giãn cách với nhiều cấp độ, chiến dịch tiêm vaccine rộng khắp đã khiến cho địa bàn quận Bình Tân, nơi anh công tác, "hạ nhiệt" đáng kể.
Anh bắt đầu tham gia vào các công tác y tế tại Trung tâm y tế quận Bình Tân, khoa xét nghiệm vào những ngày đầu tháng 7.
Vào giai đoạn căng thẳng nhất, BS Khang và các đồng đội phải lấy mẫu sáng lẫn chiều, có những hôm đến 9 -10 giờ đêm mới xong vì lượng công việc rất nhiều. "Do đặc thù dân cư đông nên tốc độ lây nhiễm rất cao nên bắt buộc chúng tôi phải hoạt động nhiều hơn để kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng", BS Khang nói.
Đi qua bao mất mát, đau thương, những ngày làm việc không mỏi mệt, BS Khang đã được chứng kiện quận Bình Tân "hạ nhiệt".
Anh hào hứng kể: "Ngày trước, quận Bình Tân khi mình lấy mẫu test nhanh thì áp lực rất nhiều, không khí của đội lúc nào cũng nặng nề khi mà tỉ lệ dương tính rất cao còn bây giờ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Công việc của mình ở cộng đồng cũng được giảm tải. Mình chỉ mong một ngày được... thất nghiệp mà thôi".
Chiều chiều, về lại nơi tập kết của đội, các bạn sẽ lại quây quần bên nhau nghe tiếng tin báo ra từ điện thoại: "Số lượng ca nhiễm Covid-19 và ca t.ử vong đều có xu hướng giảm, TP.HCM đã đi qua "đỉnh dịch".
Những đôi vai áo vốn đã bợt bạt vì mồ hôi, bỗng chốc run lên. "Hạnh phúc quá, vậy là sắp "bình thường mới" rồi", một tình nguyện viên nói lớn.
Ngày 1/10, TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép nhiều lĩnh vực hoạt động trở lại.
Cũng trong ngày này, số ca t.ử vong vì Covid-19 giảm xuống còn hai con số: 96 ca. Trước đó, ngày có số ca này cao nhất tại TP.HCM là 340 (ngày 23/8).
"Khu An Lạc, quận Bình Tân, vào giữa tháng 6 là một điểm cực “nóng” của dịch bệnh. Có thời điểm, đỉnh điểm tỉ lệ lấy mẫu cứ 100 người thì có 30 người dương tính. Nhưng đến hiện tại, 100 người chỉ còn vài người dương tính thôi, hiện vùng này cũng đã được chuyển từ đỏ sang xanh, đó cũng là những dấu hiệu rất tích cực", BS Khang nói thêm.
"ICU đã có giường trống rồi", BS Từ Lê Anh Thảo chỉ vào chiếc giường trống và nói. Đó là một khoảnh khắc cho thấy TP.HCM đã giảm đáng kể các ca nặng.
ICU của bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM là nơi tiếp nhận các ca mắc Covid-19 nặng.
Mỗi bệnh nhân ở ICU kéo dài ít nhất 2 tuần, thậm chí có những người hơn 2 tháng. Họ trải qua bao nhiêu biến cố: “cơn bão” cytokine có, bội nhiễm có, tràn khí màng phổi phải đặt dẫn lưu có, cai máy thất bại có, thậm chí phải nhồi tim, bóp bóng… Những ngày cao điểm, ở ICU không có một chiếc giường trống, ai cũng đi như chạy. Các nhân viên y tế trở thành người nhà của bệnh nhân, thay tã, truyền dịch thức ăn, hút đàm…
Vì thế, khi mỗi bệnh nhân rời khỏi ICU, các bác sĩ lại có thêm niềm tin, động lực để chiến đấu.
Khoảng thời gian đầu bước vào cuộc chiến ở ICU, BS Thanh Thảo không nhớ được mình đã khóc bao nhiêu lần. Cứ vài ngày, khoa lại có bệnh nhân bị Covid-19 mang đi. Trong những giây phút cuối, họ không có người nhà kề cận, cũng chẳng kịp nói những lời sau cuối. Đó là một cảm giác rất cô đơn.
“Ngày 12/09, cả nước có 11.116 ca khỏi Covid-19. Trong khoảng 2 tuần vừa rồi (30/8-12/9), khoa mình cai máy thành công và rút nội khí quản được 9 ca. Trong đó có 4 bệnh nhân đã xuất viện về nhà với gia đình, 5 bệnh nhân còn lại đang theo dõi, tập vật lí trị liệu để có thể cử động được tay chân và sinh hoạt lại bình thường. Cộng thêm 2 bệnh nhân cũ khác của khoa đã chuyển lên trại thường trước đó cũng được xuất viện.
Chỉ là những con số bé nhỏ so với hơn 11.000 ca kia nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn với nhân viên y tế chúng mình. Nếu F0 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ - trung bình xuất viện vui 1 thì bệnh nhân nặng - nguy kịch hồi phục sau thở máy vui tới 100 lận”, BS Thảo vui mừng cho biết.
"Xóm tui vui vỡ òa, muốn đốt pháo như ngày mùng một Tết vậy đó", Bảo Ân quận 10) cười nói.
Trong 120 ngày giãn cách, khu trọ nhỏ đã có không ít gia đình bị mắc Covid-19. Chẳng thể ra ngoài, cũng không chạm mặt nhau, mọi người chỉ lặng lẽ chia buồn, động viên, thúc giục nhau cố gắng tiếp, vậy thôi.
Một vài gia đình đã chọn cách đặt một chiếc rổ nhựa trước nhà để nhận lương thực, thực phẩm. Những ngày giãn cách, người ta nhìn nhau qua đôi mắt, bởi gương mặt đều bị che kín bằng khẩu trang.
Những tuần căng thẳng nhất của đợt dịch bệnh, vài gia đình đã có những bữa cơm không đủ thành viên...
"6 giờ chiều, nhà tui có thói quen cập nhật số ca nhiễm. Lúc hay tin từ ngày 1/10 sẽ bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Ai cũng vui mừng.
Những điều rất bình thường như đi làm, đi tập thể dục... cũng là mong ước của biết bao nhiêu người. Nhìn từng hàng rào phong tỏa được dỡ bỏ, con hẻm thoáng đãng, mọi người cũng tranh thủ ghi lại khoảnh khắc đó", Ân nói thêm.
Niềm hạnh phúc mang tên "bình thường mới" là gì?
Là đi đến một tiệm làm tóc quen, tỉa tót cho mái tóc gọn gàng hơn.
Là thong dong đi tập thể dục ngoài trời, hít thở bầu không khí trong lành.
Là ngắm nhìn Sài Gòn sau những ngày yên ắng, thấy xe cộ lượn khắp các con đường.
Là thấy từng sợi dây phong tỏa lần lượt được gỡ xuống, rào chắn được mang đi.
Là lúc biết hàng xóm, hay một người thân quen của mình nhận kết quả "âm tính".
Là được dắt con xe "ngủ yên" suốt mấy tháng trời ra tiệm gần nhà, thay nhớt, đổ xăng.
...
Đó là nhịp sống mang tên "bình thường mới". Và với nhiều cư dân Sài Gòn, đó là niềm hạnh phúc có thể gọi tên!