Tôi tin rằng con số nạn nhân còn nhiều hơn con số những cô gái hoàn toàn miễn nhiễm với những hành vi đó. Nhưng gần như tất cả đều chọn cách im lặng. Vì sao?
Vì môi trường mà chúng ta sống vẫn luôn tồn tại cái quan niệm ngàn xưa “Làm hoa cho người ta hái. Làm gái cho người ta trêu…”. Dù có thế nào, phần thiệt thòi vẫn cứ thuộc về phụ nữ.
Và vì vậy, cũng từng là nạn nhân, cũng từng im lặng, tôi đã theo dõi sự lên tiếng của cô sinh viên Hà Nội khi bị kẻ ép hôn trong thang máy với tất cả sự khâm phục.
Bên cạnh sự đoan chính là sự mạnh mẽ và tin tưởng vào luật pháp của cô. Cô gái rõ ràng đã thuộc một thế hệ rất khác tôi. Hành động của cô sẽ bảo vệ được các cô gái, sẽ cảnh tỉnh được những gã đàn ông, sẽ phá tan được những quan niệm, định kiến, tiền lệ…
Và rồi sự bất lực của cơ quan công quyền khi gã đàn ông kia không xuất hiện trong các buổi hẹn xin lỗi công khai, và rồi mức phạt 200.000 đồng đã biến tất cả thành một trò cười.
Trò cười cay đắng. Mỗi khi có một hành vi xâm hại xảy ra, sau những kinh hoàng, nạn nhân dũng cảm nhất sẽ phải lấy hết can đảm để đi tố cáo, và sau đó cô sẽ còn phải tiếp tục trân mình chịu đựng những câu hỏi bóc tách đến chân tơ kẽ tóc, sẽ còn bị yêu cầu phải chứng minh những tổn hại thân thể, sẽ còn phải chịu sự phán xét, có khi là quy lỗi từ những người xung quanh…
Cuộc tra tấn thứ hai này không kém phần đau đớn, không kém phần tổn thương.
Và bây giờ, khi đã có cô gái dũng cảm nhất lên tiếng, chúng tôi lại biết rằng những hành động thô bỉ kia được xếp vào hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” và có mức phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng.
Trong khi đó, những vết thương sâu kín, trong tình cảm, trong tâm hồn thì không ai, kể cả chính nạn nhân, có thể đong đếm và định giá được. Nỗi ám ảnh ghê sợ với những hành vi bản năng không biết sẽ còn kéo dài đến bao lâu. Những hệ lụy của vết thương trong cuộc đời không biết sẽ còn kéo theo những ai phải chịu đựng…
Trong khi đó, ngoài sự công phẫn thể hiện qua “trend 200k” trên mạng, không còn ai nữa lên tiếng bảo vệ cô gái dũng cảm nhất của chúng tôi. Cô lại đã cho biết rằng sẽ bỏ cuộc khiếu nại vì quá mệt mỏi và thất vọng. Các nạn nhân sau cô sẽ tiếp tục im lặng, như chúng tôi.
Trong khi đó, những người đàn ông đang nửa đùa nửa thật đếm những tờ 200.000 đồng trong ví mình. Có cả những người từng có hành vi bản năng xúc phạm, xâm hại người khác vẫn đường hoàng nói những lời đạo đức, tiếp tục mua những nụ hồng tặng người phụ nữ của mình. Hôm trước là ngày 8-3, sắp tới đây là 20-10…
Đó là niềm cay đắng!