Tưởng chừng như rơi vào cảnh thất nghiệp và phải trở về quê để tránh dịch, nhiều bạn trẻ làm ngành du lịch đã tự "chuyển mình" tìm kiếm những cơ hội mới. Với công việc trái ngành, họ phần nào trở nên lạc quan, chủ động hơn và không cảm thấy ‘bất lực’ trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề, nói đúng hơn là hoàn toàn tê liệt trước COVID-19. Với đặc thù di chuyển liên tục, cần nhiều năng lượng và sự trẻ trung, thế nên đa phần những người làm hướng dẫn viên du lịch hiện nay là các bạn trẻ. Nhiều bạn đã rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần vì không biết phải ứng phó thể nào trước thảm cảnh.
Loay hoay trong những hướng đi mới
Lê Quốc Sĩ là chàng trai sinh năm 1995, tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi ra trường, Quốc Sĩ đầu quân vào một công ty du lịch, cậu chuyển hẳn về Phú Quốc để làm việc. Công việc hằng ngày của cậu là đón tiếp và hướng dẫn những đoàn khách nước ngoài đến tham quan, du lịch tại Phú Quốc.
Với một người rất trẻ, đó là một công việc đáng mơ ước, thu nhập từ công việc này giúp cậu ấy có thể trang trải cuộc sống của mình trên đảo và gửi tiền phụ giúp gia đình.
Đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, từ Phú Quốc, cậu phải trở về Sài Gòn để làm công việc hành chính cho công ty. Không có thu nhập từ những đoàn khách du lịch, phải chi trả hàng loạt chi phí ở thành phố, Sĩ buộc phải tìm ra một hướng đi mới.
Cậu bạn nhớ lại những ngày còn ở quê, cậu đã rất yêu hoa. Từ những bó hoa cúc được mua ở những buổi chợ chờn vờn sương sớm, chậu soi nhái trong vườn nhà, cho đến những nhánh mai được cậu chăm chút dịp giáp Tết. Thế là, ý tưởng thành lập shop hoa ra đời.
Quốc Sĩ tâm sự: “Ban đầu, mình cũng có dự định bán hàng online như nhiều bạn khác, nhưng công việc đó cần một số vốn kha khá để có thể nhập hàng. Bản thân mình cũng không biết có thể bán được hàng hay không nên quyết định chọn một hướng đi khác với số đông. Ngay từ nhỏ, mình đã được lớn lên cùng đồng lúa, cùng những sắc hoa.
Mình từng dự định sau này khi tốt nghiệp đại học sẽ mở một cửa hàng hoa, nhưng rồi công việc cuốn mình đi. Lúc ở Phú Quốc, những khi rảnh rỗi, mình vẫn lên YouTube, xem những clip dạy cắm hoa, bó hoa… và mua hoa về thực hành. Mình nghĩ đây là thời điểm thích hợp để thực hiện dự định mình đã ấp ủ từ lâu”.
Mở một shop hoa online trong thời điểm dịch bệnh cũng thật sự là một quyết định liều lĩnh. Trong mùa dịch, mọi người hạn chế ra ngoài, tiếp xúc lẫn nhau, thì liệu nhu cầu về hoa có thật sự cần thiết?
“Ban đầu, mình cũng rất đắn đo về nhu cầu của khách hàng, nhưng chính trong mùa dịch này, mọi người hạn chế gặp nhau nên những dịp như sinh nhật, họ thường đặt hoa và sử dụng dịch vụ giao hàng rất nhiều. Chính vì thế, việc mở shop hoa online là đam mê nhưng cũng phần nào mang đến cho mình một nguồn thu nhập tương đối ổn định” - Sĩ bộc bạch.
Băn khoăn với nhiều lựa chọn
Chỉ mới sinh năm 1998, chuẩn bị tốt nghiệp đại học nhưng bạn Trần Tấn Đạt, sinh viên ngành Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã có kha khá kinh nghiệm trong việc làm hướng dẫn viên du lịch nhờ quá trình học việc và thực tập tại các công ty du lịch.
Trở thành hướng dẫn viên du lịch là ước mơ từ những năm học phổ thông của Tấn Đạt. Trong suốt quá trình học tập, cậu luôn năng nổ trong các hoạt động Đoàn – Hội, và cố gắng đạt được nhiều thành tích tốt trong học tập. Đối với sinh viên năm cuối của ngành Việt Nam học, khoảng thời gian học tại trường khá ít, các bạn chủ yếu sẽ đến thực tập tại các công ty du lịch để tích lũy kinh nghiệm để thuận tiện hơn cho công việc sau khi ra trường.
Đúng vào thời điểm đầu học kỳ mới, dịch bệnh xuất hiện, các công ty du lịch gần như đóng cửa đã tạo nên sự hoang mang cho Tấn Đạt và rất nhiều các bạn sinh viên. Bởi vì điều này dẫn đến việc các bạn không thể hoàn thành chương trình học để có thể tốt nghiệp đúng tiến độ.
Vốn xuất thân từ miền Tây, dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập và cuộc sống hiện tại của Tấn Đạt rất nhiều. Từ trước đến nay, ngoài việc học tập, cậu bạn còn làm công việc gia sư để bớt đi gánh nặng cho ba mẹ. Mùa dịch này, công việc làm ăn ở quê cũng gặp nhiều khó khăn, do gia đình trồng xoài xuất khẩu nhưng thời điểm đó, mọi cửa khẩu gần như đều đóng, dẫn đến xoài mất giá và không có thu nhập.
Nhiều khó khăn về tài chính liên tục xảy ra, nên Tấn Đạt phải tạm dừng những kế hoạch của mình để chuyển sang hướng khác và cậu trở thành một nhân viên chăm sóc khách hàng tại một ngân hàng.
Về sự thay đổi theo hướng trái ngành này, Tấn Đạt chia sẻ: “Mặc dù là một công việc trái ngành học nhưng thời điểm này, mình không có quá nhiều sự lựa chọn. Cuộc sống hiện nay có rất nhiều thứ cần phải chi tiêu, nên có công việc làm đã thật sự là may mắn so với rất nhiều người.
Ngoài việc có thu nhập ổn định trong mùa dịch, nghĩ tích cực hơn, công việc này cũng rèn luyện cho mình thêm về kỹ năng giao tiếp với khách hàng, tự tin hơn khi giao tiếp và trao đổi với người lạ. Đây cũng là những kỹ năng vô cùng quan trọng cho công việc hướng dẫn viên du lịch sau này”.
Câu chuyện của Quốc Sĩ hay Tấn Đạt không gửi gắm đến bí quyết của sự thành công, nhưng nhắc nhở một điều hết sức quen thuộc: Cho dù là sóng gió nhất, khó khăn nhất, hãy cứ thật bình tâm để tìm hướng giải quyết, mọi nút thắt đều có cách tháo gỡ.