Những người phụ nữ làm nên tuổi thơ của chúng ta
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, vốn dĩ luôn tồn tại bóng dáng của những người phụ nữ. Và tất nhiên họ là những cá thể đầy quyền lực theo một cách riêng nào đó.
Ngày đó chắc chẳng có gì quý giá hơn việc được sở hữu cho mình một đống truyện tranh sau giờ tan học. Rồi hôm sau đến lớp lại bắt đầu túm tụm nhau và bàn tán về đủ thứ tình tiết trong cuốn truyện vừa mới ra. Lúc đó thì đúng là cả thế giới bỗng chốc thu bé lại chỉ bằng…một cô cho thuê cho truyện.
Những năm tháng lớn lên tưởng chừng sẽ trống vắng lắm nếu thiếu đi những buổi trưa ngồi chực chờ ở cửa tiệm cho thuê truyện tranh. Cả đám sẽ cắm mặt vào những cuốn manga hay thần đồng đất việt, Doremon… Tiền ăn, tiền nuôi lợn bỏ ống, tiền lì xì cho đến tiền nhổ tóc bạc cho ông, bà, cha, mẹ tất tật đều được đem ra “kính biếu” cho cô chủ tiệm thuê truyện tranh.
Chắc là trong trí nhớ của mỗi đứa trẻ luôn có những buổi trưa của quá khứ. Đó là thời gian trốn mẹ để không phải nằm ngủ trưa trên giường như lời mẹ dặn:“Nằm chợp mắt 30 phút cũng được”. Thay vào đó tụi mình đã len lén lúc mẹ đã say ngủ rồi lẻn ra khỏi nhà và điểm đến yêu thích chính là…tiệm tạp hóa trong xóm.
Có bao giờ nỗi say mê đối với những dãy bim bim, kẹo và nước ngọt nguôi ngoai đâu. Chỉ cần chạy tọt qua đó, len lén rút tờ tiền với mệnh giá…500 đồng ra, thì chúng ta đã sở hữu ngay cho mình một túi bim bim bé bỏng để sang chơi với chúng bạn mà không mang tiếng là đi ăn “chực”.
Chắc bạn chẳng bao giờ nhớ mình đã ăn bao nhiêu li đá bào trong tuổi thơ đâu nhỉ? Và cô bán đá bào dĩ nhiên cũng không nhớ rồi. Vì cổ đã bán cho không biết bao nhiêu đứa trẻ những li đá bào xanh đỏ đầy ắp tiếng cười.
Trong trí nhớ của những đứa nhỏ tụi mình thì tiếng leng keng của chiếc chuông trên xe đạp cô bán đá bào quả là một âm thanh nhiệm màu. Chưa kể là mớ “tuyết” cứ ào ào đổ ra từ chiếc máy bào đá, sau đó là siro rồi đến sữa.
Cô bán đá bào như một bà phù thủy vậy cứ vun hết chai này đến chai khác vừa nhanh nhẹn vừa chuẩn xác. Đám trẻ con bao giờ cũng bu kín quanh xe bán đá bào của cô để chờ đến phiên mình được chấm mút cái vị ngọt mát từ li đá bào rực rỡ.
Chắc hẳn, rất nhiều người đã không còn nhớ quá rõ từng đừng nét trên gương mặt cô bán đá bào như khi chúng ta còn nhỏ. Nhưng tiếng chuông leng keng, đôi bàn tay thoăn thoắt và những li đá bào xanh đỏ đã luôn theo chúng ta mãi trong những giấc mơ trưởng thành.
Bạn còn nhớ không những ngày đầu chập chững rời xa cái tổ thân quen của mình để đến nơi mà nhìn đâu cũng thấy mấy đứa “na ná” mình. Tức là bạn lại bước thêm một bước nữa đến gần hơn với cuộc đời rồi. Đó là lúc bạn vẫy tay chào tạm biệt mẹ mình và tiến gần hơn vào vòng tay một người phụ nữ…lạ hoắc. Vâng, đó chính là cô giáo đầu tiên của cuộc đời bạn.
Dĩ nhiên cô bạn sẽ ân cần và hiền lành, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không bị phạt. Thử trét đất sét lên tường hay ném đất sét lên đầu bạn kế bên xem cô có cho bạn ra úp mặt vào tường không thì biết. Đó là còn may nhé, nếu cô quá nghiêm khắc thì không chừng bạn sẽ được gửi về tận nhà cho gia đình kèm theo lời nhắn nhủ chân tình: “Con anh/chị nghịch quá. Chắc đợi lớn thêm chút đỉnh rồi đến lớp nha”.
Nhưng đó là trường hợp đặc biệt mà bạn buộc phải chia tay trường lớp khá sớm, còn nếu không thì bạn sẽ bắt đầu những năm tháng đầu đời của mình ở đây. Bắt đầu học những con chữ đầu tiên, bài hát đầu tiên, người bạn cùng lớp đầu tiên. Bạn bắt đầu biết chào thưa ba mẹ khi đi học về, biết xin lỗi khi làm sai và dĩ nhiên tất cả những điều đó đều có bàn tay của cô giáo bạn.
Đây chắc chắn là người phụ nữ quyền lực nhất rồi. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sát khí của mẹ khi bạn làm sai một cái gì đó hoặc đang giấu giếm một bí mật động trời. Lúc nhỏ bạn nghĩ mình giấu được mẹ tất cả… để rồi lớn lên mới chợt nhận ra rằng, người phụ nữ ấy còn biết nhiều hơn những gì bạn giấu cơ. Chỉ là mẹ không nói ra để xem chúng ta làm “trò khỉ” gì thôi.
Là mẹ nhìn ta chập chững những bước chân đầu đời, là khi chúng ta vấp ngã, người ấy đau đớn hơn gấp bội. Hay những lúc cầm roi đòi đánh đòn mà nước mắt mẹ lại rơi trước. Lúc đó chúng ta hẳn sẽ không hiểu tại sao. Nhưng khi trưởng thành ta biết điều làm mẹ đau nhất là nhìn thấy con mình đau, con mình bị ăn hiếp hay thua thiệt bạn bè. Mẹ có thể mập, có thể gầy, có thể không sang hoặc thỉnh thoảng còn đãng trí. Nhưng điều kỳ diệu là mẹ luôn ở đó mỗi khi ta nhìn lại.
Chỉ có chúng ta lớn lên, mỗi ngày một xa mẹ hơn. Nhưng mẹ vẫn ở nhà chờ ta đó thôi vì bà ấy biết biết đến một lúc nào đó chúng ta cần phải có nơi để quay về nếu lỡ giông bão cuộc đời có làm mình mỏi mệt.
Nơi nào có mẹ, nơi đó là nhà.