Những ngày cuối tháng Tư, khắp phố phường Hà Nội rực rỡ bởi sắc đỏ cờ hoa chào mừng kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh như tái hiện không khí đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975 của dân tộc.
Đi tìm những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu giải phóng đất nước trong những ngày này 42 năm về trước, người viết đến gặp các cựu chiến binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam). Họ đã từng là những công binh, bộ binh, đặc công trinh sát vô cùng quả cảm, nhưng trở về đời thường họ phải chiến đấu với nỗi đau thể xác.
Với những cựu chiến binh tinh thần minh mẫn, khi được hỏi về những kỷ niệm của cuộc chiến tranh, họ trả lời đầy hảo sảng: “Chiến tranh ác liệt và tàn khốc lắm! Đến lúc kết thúc, tôi mới thấm và trân trọng giá trị của hòa bình. Nhiều đồng đội của tôi mới mười tám đôi mươi nhưng đã nằm lại trong cuộc chiến giải phóng dân tộc trường kỳ”, cựu chiến binh Nguyễn Đồng Tâm bồi hồi nhớ lại.
Ông Nguyễn Đồng Tâm nhập ngũ ngày 19/2/1968, đóng quân ở Sư đoàn 308 - một trong những sư đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau đợt huấn luyện ngắn, ông Tâm được điều lên Khe Xanh, Quảng Trị để chiến đấu tại chiến dịch tiến công Đường số 9 - Khe Xanh, nơi được coi là “cái mỏ neo” trong bản đồ quân sự của Mỹ.
Chàng trai khi ấy vừa tròn 17 tuổi lên đường nhập ngũ mang theo tinh thần chiến đấu đến cùng: Chiến đấu để giành lại mùa xuân; chiến đấu để giành lại Tổ quốc. Các đơn vị quân khu cũng đã “lên dây cót” cho cuộc tổng tiến công quy mô lớn. Tuy nhiên, do sinh lực địch còn mạnh nên đã quân đội ta để vuột chiến thắng.
“Thời điểm đó, chúng tôi chiếm được căn cứ địa Khe Xanh và Cồn Tiên - Dốc Miếu trong thời gian ngắn rồi lại để rơi vào tay địch. Cuộc chiến này, tổn thất của quân ta cũng không phải nhỏ”, ông Tâm nhớ lại.
Ông Tâm cho hay trong trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972, các chiến sĩ sư đoàn 308 hi sinh rất nhiều. Một số anh em vượt sông Thạch Hãn để vào thành cổ nhưng nhiều người trong số đó bị pháo kích của địch bắn và ném bom đã mất tích vì… xác trôi ra biển.
Ở quân khu Trị - Thiên - Huế năm ấy, ông Vũ Xuân Thủy (71 tuổi, quê Kim Bảng, Hà Nam) cũng nhớ lại những trận đánh đầy gian khổ và những lần quân Mỹ dội bom khốc liệt. “Dù vậy chúng tôi không hề nao núng, tiếp tục bám trận địa chiến đấu”, ông cho hay.
“Có lần đúng vào thời điểm 12h đêm, quân Mỹ dội bom bi ào ào. Khi ấy tôi phán đoán bom đã đến gần vị trí của mình rồi. Ngay lập tức, tôi lấy tay thụi một đồng đội đang ngủ say. Hai anh em xô nhau vào hầm trú ẩn. Bom bi nổ xuyên qua mái nhà tranh vào giữa giường anh em tôi nằm. May mắn chúng tôi nhanh chân nếu không thì…”, ông Thủy bỏ ngỏ.
Không chỉ nhớ lại những tháng ngày đỏ lửa chiến đấu trên chiến trường, những người lính còn nhớ về tình đồng đội, đồng chí vô cùng thiêng liêng. Với họ cho dù một phần hai thế kỷ trôi qua nhưng ký ức này mãi mãi không phai nhòa trong tâm thức.
Có lẽ trong cuộc chiến sinh tử, người ta sẽ cảm nhận rõ hơn ý chí và tình cảm giữa đồng đội với đồng đội. Họ - những người xa lạ nhưng chỉ cần gặp nhau đã có cảm giác gần gũi đến lạ. Nếu như lính Mỹ tham gia chiến tranh vì tiền tài, danh vọng thì chúng ta tham gia trận địa với mong muốn giải phóng dân tộc, thống nhất hai miền Nam Bắc.
Ông Ngô Đình Chiến (sinh năm 1950, quê Thái Nguyên) nhớ mãi kỷ niệm khiêng xác hai đồng chí trung đoàn trưởng và chính ủy hi sinh trong quá trình chiến đấu. Khi nhận nhiệm vụ ông không ngờ rằng hai đồng chí của mình đã được chôn dưới gốc đa độc lập 3 ngày.
“Người mới chết thì không sao nhưng đã chết và chôn được 3 ngày thì ám ảnh lắm, bởi khi đó xác sẽ trương lên và bốc mùi. Thời chiến gian khổ lắm, đồng đội hi sinh không có gì để liệm, chỉ có chính võng và tăng của người chết, cuốn lại, rồi chôn”, ông Chiến kể.
Vì lo sợ địch sẽ đào xác đồng đội, nên ông cùng anh em phải khiêng xác họ đến một nơi khác an toàn hơn. “Chúng tôi khiêng thi thể của hai đồng chí đi suốt đêm trên con đường độc đạo nhỏ. Trời tối sầm, đèn pin không có, đi được nửa đường thì đòn gánh của tôi bị gãy. Không còn cách nào khác đành phải dùng dây thừng cột chặt lại. Nhưng khổ nỗi sau khi cột xong lại mất tín hiệu với đội đi trước. Chúng tôi không dám gọi vì sợ địch phát hiện. May thay hai phút sau thì có đồng chí quay lại đón”.
Cựu chiến binh Ngô Đình Chiến trải lòng: “Lúc đó vừa đói vừa mệt nhưng vì tình đồng đội, chúng tôi vượt qua hết. Chiến tranh ác liệt càng cảm nhận rõ hơn về tình cảm thiêng liêng này. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi chẳng kịp rửa tay rửa chân gì… cứ thế vào ăn cơm sấy.
Khi trở về đơn vị, tôi nhận được tin buồn, đó là hai đồng chí được cử đi hỗ trợ đã giẫm phải mìn và hi sinh. Nghe tin dữ lúc ấy nước mắt tôi ràn rụa”.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, không chỉ có tình đồng đội với đồng đội mà còn có tình quân dân. Người xưa đã nói “quân dân như cá với nước” - điều này thật đúng trong trường hợp của cựu chiến binh Vũ Đình Phong (sinh năm 1954, quê Nam Định).
Ông Phong bộc bạch, tháng 2/1968, ông được giao nhiệm vụ kiểm tra vũ khí ở khu vực E22 (Quảng Bình). Khi đó, ông ở nhờ nhà đội trưởng đội Nông trường ao cá suốt 6 tháng liền.
Gia đình đội trưởng nông trường có hai người con, đứa lớn tên Thủy 5 tuổi, đứa bé 3 tuổi tên Ngân. Sau thời gian phía Mỹ đánh phá ác liệt để thực hiện âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh, người đàn ông trụ cột trong gia đình được Đảng ủy yêu cầu đi học thêm chính trị và tư tưởng.
Những người lính chia sẻ về cuộc sống đời thường và những kỷ niệm thời chiến
“Trước khi đi anh nhờ tôi giúp đỡ hai đứa trẻ. Tôi bảo rằng anh cứ yên tâm công tác, em ở nhà sẽ đỡ đần chị và các cháu. Anh đi được hai tuần, bé gái bị lên nhọt ở thái dương, sốt mấy ngày không khỏi. Chị xót con nhưng không biết làm sao cả, tôi phải động viên chị đưa cháu lên viện chữa trị.
Đi được khoảng nửa cây số thì máy bay địch đánh phá trận địa dữ dội, tôi ôm cháu chạy lên bờ ruộng cao nhưng không may bị một quả bom gần đó bắn vào người bị thương nhẹ. Tôi vẫn gắng gượng đưa bằng được bé Ngân đến bệnh xá rồi mới trở về.
Về nhà, tôi chăm sóc con trai út của vị đội trưởng Nông trường ao cá từ miếng ăn đến giấc ngủ. Tôi không nghĩ thanh niên 20 tuổi như mình có thể làm được những việc đó. Gần một tháng sau, chị nhà đưa bé lớn đi viện về. Đúng lúc này, tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ ở đây và điều chuyển đi nơi khác”.
Hiện tại, ước muốn lớn nhất của cựu chiến binh Vũ Đình Phong là tìm được gia đình vị đội trưởng Nông trường ao cá: “Vì quý mến gia đình anh chị nên khi tôi lấy vợ đẻ con đầu lòng tôi đặt tên con là Ngân, trùng tên với người con trai thứ hai của anh chị”.
Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, những người lính năm xưa trở về cuộc sống thường nhật. Có người mang trên mình nỗi đau bệnh tật như 113 chiến sĩ đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam), nhưng với họ - dù cuộc sống có xoay vần như thế nào thì tình đồng đội, tình quân dân hay kí ức về những trận đánh ác liệt không bao giờ phai nhạt, vẫn còn đậm sâu trong tâm trí.