Người Việt ngày càng đi du lịch nhiều. Nhưng có một số người trong đó, tôi nghĩ họ nên tự xây hàng rào sắt quanh người rồi bán vé cho người khác đến xem, sẽ tạo được nguồn thu rất đáng kể, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn cho xã hội.
Giẫm gãy san hô
Ở bãi biển thuộc Vườn bảo tồn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), có một gành san hô cổ đã hóa thạch rộng hàng chục mét, cao khoảng bảy tám mét tính từ mặt biển. Đó là xác còn lại của một tập đoàn san hô khổng lồ hình thành từ nhiều ngàn năm về trước, thuộc loại hiếm, quý và đẹp vô cùng.
Gành đá màu xám đen cao lừng lững trên mặt biển xanh ngăn ngắt, trên mặt lỗ chỗ những măng đá cỡ vài ngón tay xen với những lỗ tròn trông y như bề mặt mặt trăng, rất lạ lẫm.Đây là thắng cảnh không thể tái tạo, một trong những cảnh sắc thiên nhiên không có đối thủ của du lịch Núi Chúa.
Nhưng du khách nhà mình thì cần gì để ý. Từ chiếc cầu tre bắc từ bờ ra cho khách ngắm, họ nhảy mạnh xuống từng đoàn. Măng đá bị những gót giày thô lỗ giẫm gãy ngang. Mẩu thuốc lá, hộp thức ăn vương vãi khắp nơi, túi nilon bay bay lãng mạn. Xuýt xoa, trầm trồ, chụp hình khoe loạn lên… và để lại sau lưng thiên nhiên bị tàn phá.
Ở đầu cây cầu tre về phía bờ biển là một ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ cho khách du lịch ngắm trời mây. Nhưng ngay giữa nhà, sàn gỗ đã bị thủng một lỗ to, cháy đen nham nhở. Dăm ba hòn đá tảng còn chất ngổn ngang quanh đó, ghi rõ dấu vết một bếp lửa dã chiến mà nhóm du khách nào đó dùng nướng thức ăn cho đêm hội tôn vinh thiên nhiên của họ.
Dưới chân nhà và ven chân núi, rác đầy chung quanh. Và quả là phép lạ, thùng rác khu du lịch đặt ngay gần đó thì nằm chỏng chơ lăn lóc trong đám cỏ, sạch bóng.
Dân ta có những cách cư xử thật không thể tin nổi với di sản văn hóa.
Khoét thủng cột gỗ
Lần nọ, trước lăng vua Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình, tôi và người bạn đố nhau xem hàng cột xù xì trước cổng là xi măng hay gỗ. Nghe bàn tán một lúc, chợt bà cụ bán chè chén ngay đấy bỏm bẻm bảo: “Cột gỗ cháu ạ. Hôm nọ có hai nhà bác cũng đi du lịch đoán như thế. Xong không tin, thế là lấy dao khoét luôn vào cột đấy”.
Tôi tìm trên cột. Quả nhiên có hai vết dao khoét vào trơ thớ gỗ. Vết dao còn mới tinh.
“Trông vẻ thì giàu, cháu ạ. Đi xe con riêng đến tận đây này”- bà cụ rủ rỉ kể tiếp.
Giàu hay nghèo, hóa ra chưa hẳn khiến người ta có kiến thức và văn hóa. Lần nọ ở hoàng thành Huế, tôi lang thang ra các cung điện phía sau. Có một bức bình phong đắp rồng bằng các mảnh sứ men lam, đặt trước kiến trúc nào đó, tôi không còn nhớ tên. Nhưng nom con rồng thật tang thương. Các mảnh sứ đắp trên thân bị bóc gần như hết sạch, phô ra trần trụi một con … giun uốn éo lở loét.
Ai bóc?
Cũng vẫn khách du lịch. Họ mang về làm kỷ niệm. Nhưng tôi chắc chỉ ham vui được vài ngày, cái mảnh sành cạy ra trên thân con rồng sứt sẹo ấy lại bị vứt xó không thương tiếc mà thôi.
Cư xử nơi công cộng như trong xó nhà
Cách đây nhiều năm, một lần đi chơi ở bản Đôn (Đắk Lắk), trong khi chúng tôi đang dò từng bước qua cầu treo thì bất ngờ chiếc cầu rung bắn lên, lắc như đang địa chấn. Nhiều người già và trẻ em sợ tái người, hóa đá tại chỗ nắm chặt lấy sợi dây thừng thành cầu.
Cơn lốc ào qua kèm một tràng hú hét vang động như Tarzan bị bắt ăn mắm tôm. Thì ra có mấy thanh niên hoi, chắc thấy trong đoàn có nhiều thiếu nữ xinh xinh bèn “lên vây” bằng cách vừa chạy qua cầu vừa cố tình giậm chân và rung lắc, bất kể sự an toàn của nhiều người.
Vừa xuống cầu, lại một cảnh tượng vô đối sờ sờ trước mắt: một bà mẹ tụt quần con xi tè ngay bồn hoa đầu cầu, giữa thanh thiên bạch nhật khách du lịch đi lại nườm nượp.
Thế rồi lén lút nhóm lửa nướng bắp ăn ngay trong ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi ở Hòa Bình khiến toàn bộ ngôi nhà cháy trụi (năm 2013). Đây là ngôi nhà Lang duy nhất còn sót lại, cùng với hơn 200 hiện vật nguyên bản của nền văn hóa Mường như bộ cồng chiêng, bộ sưu tập súng săn, đồ đồng sinh hoạt… Tất cả đều bị thiêu rụi.
Còn viết vẽ bậy lên tường di tích thì quen như ăn phở!
Từ cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), đỉnh Fansipan, các ngôi tháp Chăm kiêu hùng huyền bí trên những đỉnh đồi suốt các tỉnh miền Trung từ Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, cho đến nhà thờ Đức Bà ngay giữa trung tâm Sài Gòn hay các vách đá của hang động Thạch Sanh ở Hà Tiên…, tường của các kiến trúc quý giá này luôn luôn bị vẽ bậy.
Thậm chí, ở vài góc kín đáo còn bị người qua đường tè hồn nhiên. Nhà thờ phải cho dựng vài hàng rào cách ly những anh tài thích tưới cây với bức tường gạch đỏ để mộc của nơi này.
Xin tài trợ tiền cho bạn tự cách ly
Theo báo chí, du khách Trung Quốc có sở thích viết vẽ bậy chằng chịt trên đỉnh Everest đến nỗi Cục quản lý du khách nội địa nước này chịu hết xiết, phải tương kế tựu kế dựng các bia đá mới dành riêng cho những du khách muốn lưu lại dấu ấn cá nhân. Ngoài ra, những người vi phạm sẽ bị bêu tên trước báo chí và mạng xã hội.
Ở những nơi khác, luật pháp mạnh tay hơn.
Mới cuối năm ngoái, hai người phụ nữ Mỹ đang khắc tên mình lên bức tường của đấu trường La Mã cổ ở Ý đã bị nhân viên an ninh bắt gặp. Họ phải ngồi tù và nộp tiền phạt khá lớn. Trước đó, vài du khách khác đến từ khắp thế giới có hành vi này cũng bị phạt tù và tiền.
Luật Việt Nam cũng có quy định phạt tiền với những hành vi hủy hoại di sản văn hóa, di tích lịch sử… Nhưng việc thực hiện xem ra chẳng có mấy hiệu lực.
Cho nên tôi lại quay về đề nghị ban đầu, xem chừng ích nước lợi nhà hơn: những người sắp có hành vi như trên, xin vui lòng xây hàng rào quanh người để tự cách ly với xã hội. Xã hội sẵn lòng tài trợ tiền vật liệu đồng thời gởi lòng biết ơn vô cùng sâu sắc đến các bạn.