Những người đàn ông “kết hôn” với đất :
Buổi trưa ở cái xưởng làm lò đất nằm dưới chân cầu Rạch Cây hoàn toàn lặng yên, những người đàn ông ở đây rất kiệm lời. Sự giao tiếp mạnh mẽ duy nhất ở đây là giữa sự tập trung của người thợ và đất. Sự “kết hôn” tuyệt vời đó đã tạo ra những cái lò đất nung, chuyền tay nhau đi khắp muôn nơi.
Sài Gòn đông vui, Sài Gòn bộn bề, ồn ào nhưng Sài Gòn vẫn còn đâu đó những góc nhỏ thế này. Nơi những người đàn ông lưng trần, tay nồng mùi đất lại mềm mại không thua một người nghệ sĩ nào. Đến độ, sự uyển chuyển đó như một bản tình ca đất và người. Bài ca đó đã hát mấy chục năm rồi, nhưng vẫn không cũ nổi. Mà chắc sẽ không đâu, những điều đẹp đẽ thì đâu dễ phai mờ.
Cái xưởng Năm Tiếp này ra đời từ những năm 70 và đến giờ là nơi cuối cùng ở Sài Gòn làm ra những chiếc lò đất. Những người đàn ông ở đây đều đã có hằng chục năm trời làm nghề nặn lò, cũng như đất họ hiền và lành lắm.
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…”
Khi được hỏi về những ngày làm nghề ở đây, chú Đức một người đàn ông đã có 40 năm kinh nghiệm đã kể : “Cái nghề này thì cực lắm, nhưng cũng phải học hành tử tế mới làm được chứ không phải khơi khơi mà làm được. Tôi làm đến 4h giờ chiều là về nhà, 40 năm rồi”. Thì thật vậy, có học tử tế có yêu nghề thì mới trụ nổi đến bây giờ. Khi ngoài kia đèn hoa thì ở đây vẫn có những người âm thầm thắp lửa.
Chiếc nồi cơm điện nằm vỏn vẹn trong góc nhưng không phải bao giờ cũng ấm nóng mùi cơm thơm. Nó nguội lạnh, bởi đàn ông họ đâu giỏi nấu nướng. Những bữa cơm cứ nằm trong những chiếc hộp nhựa, vội vã cho qua bữa.
Những câu chuyện ở đây rất ngắn gọn, đàn ông thì họ không nói nhiều. Họ chỉ làm nhiều thôi và làm nó một cách tập trung nhất. Vẻ đẹp đó cũng không kể hết bằng lời được. Nhưng bằng cách nào đó khi ” bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi… đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” Thì họ vẫn ở đâu đây thôi, đời có mỏi mệt thì cũng không tách rời được những con người này với nghề.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai? ”
“Không sao, quen rồi, nghề mình thì mình làm thôi…” Đó là những từ mà ở đây họ trả lời cho những câu hỏi về công việc vất vả này. Không ai than vãn, không ai kể về sự vất vả đó hết. Họ không phải cam chịu mà là chấp nhận, chấp nhận công việc của mình và cuộc đời của mình. Giá như ai cũng có thể đối diện với sự vất vả của công việc theo cách đơn giản nhất mà những người đàn ông ở đây đã làm.
Những người “thợ đất” như những con ong chăm chỉ. Không cần biết ngoài kia cuộc đời đang làm gì có thay những ánh lửa trong lò đất bằng bếp ga hay bếp điện. Những chiếc lò đất cứ thay nhau ra đời, vì vẫn còn người cần chúng. Cũng như Sài Gòn vẫn luôn cần những các chú - người thợ nặn lò và là người nghệ sĩ nặn những mưa giông cuộc đời thành bài ca.
Đất qua bàn tay những người đàn ông này trở thành nơi đựng lửa. Những chiếc lò qua tay chị em phụ nữ sẽ trở thành bữa cơm đầm ấm. Như chiều nay, lúc 4h những người đàn ông này tan ca trở về nhà. Thấy trong bếp cháy ấm một chiếc lò, bền bỉ và hạnh phúc!
Những người đàn ông trong chiếc xưởng lò đất cuối cùng ở Sài Gòn là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.
Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!
Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.