Không chỉ là câu chuyện về người thầy giáo mang quân hàm xanh và lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối, cũng chẳng phải là câu chuyện về nghị lực chống chọi với bệnh tật, chuyến đi ra đảo Hòn Chuối ngắn ngủi ngày đó đã đem đến cho tôi nhiều hơn thế về một Trần Bình Phục.
Khi chúng tôi đóng máy, kết thúc buổi phỏng vấn về lớp học, anh Phục tâm sự: “Mọi người yêu mến nên gọi tôi là thầy Phục, thế nhưng trong thâm tâm tôi vẫn là một người lính”.
Đảo Đào Hoa và những xác người vô danh
Ngày thứ 2 ở đảo Hòn Chuối, anh Phục dẫn chúng tôi ra mũi Kỳ Lân để câu cá. Đây là nơi mà anh Phục vẫn thường tìm đến mỗi khi cảm thấy mệt mỏi. Anh bảo từ đây có thể ngắm hoàng hôn trên Hòn Chuối một cách trọn vẹn và rực rỡ nhất.
Cách mũi Kỳ Lân không xa là đảo Đào Hoa - một đảo hoang không người ở. Nơi này được sử dụng như một địa điểm để chôn cất những xác người xấu số bị trôi dạt vào Hòn Chuối. Và có lẽ chỉ có những chiến sĩ biên phòng như anh Phục mới thường xuyên ghé sang hòn đảo của những linh hồn này.
Không ít lần làm nhiệm vụ lo hậu sự cho những xác người vô danh, anh Phục kể lại: “Bữa đó đi tuần tra thì cả đoàn phát hiện một thi thể trôi trên biển, thế là anh em cùng nhau đưa lên đảo Đào Hoa để chôn cất. Bị ngâm lâu dưới nước nên cái xác trương phình lên, bốc mùi hôi không thể tả. Trời thì sắp tối, do đó việc di chuyển cái xác lên đỉnh đồi thật sự không hề nhẹ nhàng”.
Anh cười bảo cứ mỗi lần làm công việc chôn cất xong là anh em lại nhịn ăn thịt một tuần, vì cái mùi thi thể cứ ám ảnh, nhìn đến thịt là thấy nhợn, ăn cơm cũng chẳng ngon miệng. Làm cái công việc chẳng ai trả lương ấy bao năm qua, các chiến sĩ cũng dần quen, anh Phục và đồng đội làm vì đơn giản với họ nghĩa tử là nghĩa tận.
Chôn cất các thi thể chỉ là một trong những phần nhỏ trong công việc của anh Phục. Chuyên môn chính của anh ở đảo Hòn Chuối là công tác phòng chống lụt bão. Anh thường xuyên phải theo dõi tình hình thời tiết trên đảo và các khu vực lân cận để thông báo cho các ngư dân cũng như người dân kịp thời ứng phó.
Cứ mỗi lần có bão lớn, anh Phục và đồng đội lại đưa người dân lên đồn để trú ẩn. Đồng thời luôn có mặt để ứng cứu các thuyền đánh cá không may bị đắm do sóng lớn.
“Công tác trong ngành đã lâu, nhưng có lẽ kỷ niệm mà anh không bao giờ quên đó là cơn bão Linda đổ bộ vào miền Tây năm 1997” - anh Phục nhớ lại.
Bão nhiệt đới Linda, được biết đến là cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong vòng ít nhất 100 năm. Đã có tới 3.111 người thiệt mạng, cùng tổng thiệt hại lên đến 385 triệu USD. Chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là tỉnh Cà Mau - nơi cơn bão tấn công trực tiếp.
Thời điểm bấy giờ anh Phục đang đi công tác tại TP.HCM, ngay khi trận cuồng phong kéo đến Cà Mau, anh đã lập tức lên xe khách trở về cùng đồng đội ứng cứu người dân. Bão mỗi lúc một lớn, phá hỏng nhiều ngôi nhà và đường xá. Xe đi gần đến Cà Mau thì không thể di chuyển tiếp vì đường đã bị hư hỏng rất nặng.
Đứng trước tình thế cấp bách, anh Phục buộc phải lựa chọn: ở lại hay đi tiếp. Và anh đã quyết định một mình chạy bộ về đơn vị - đó thật sự là một quyết định liều lĩnh. Với sức gió mạnh tương đương 100 km/giờ, trận cuồng phong dường như chẳng hề dễ chịu. “Những cơn gió mạnh thổi tung cây cối, các mái tôn cắm xuống ruộng, bay loạn xạ trên đường, nếu không may có thể chém vào người mình. Tất cả trở nên hỗn loạn và thật kinh khủng” - anh Phục không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại ngày hôm ấy.
Và rồi anh cũng vượt qua hơn chục cây số để trở về đơn vị cùng đồng đội ứng cứu người dân trong tâm bão.
“Ba sẽ cho con cả một bầu trời bình yên!”
Trên đảo Hòn Chuối người dân sống cuộc sống du mục, một năm họ chuyển nhà 2 lần để tránh gió, tránh bão. Từ tháng 3 đến tháng 9 (ÂL) người dân sống ở gành Nam để tránh gió chướng, và từ tháng 9 đến tháng 3 (ÂL) mọi người chuyển sang sống ở gành chướng để tránh gió đông nam.
Chẳng ai nhắc ai, cứ đến mùa gió, anh Phục và đồng đội lại tranh thủ ngày nghỉ xuống gành hỗ trợ người dân chuyển nhà và dựng nhà ở chỗ mới. Đồng thời để cải thiện cuộc sống của bà con trên đảo, các chiến sĩ còn hướng dẫn người dân thực hiện mô hình nuôi cá bớp lồng bè để kiếm thêm thu nhập. Cũng nhờ vậy mà đời sống người dân trên đảo thời gian gần đây có phần ổn định hơn trước.
Hầu như toàn bộ thời gian anh Phục dành cho công tác trên đảo, những chuyến về thăm nhà ngắn ngủi đôi khi chỉ là tranh thủ ghé thăm gia đình khi có dịp vào đất liền công tác. Tôi tò mò hỏi: “Vậy cậu con trai (đang học lớp 7) của anh có bao giờ thắc mắc vì sao bố vắng nhà nhiều như thế không?”.
Anh Phục trầm ngâm: “Có chứ!”
“Có hôm thằng nhỏ gọi điện ra hỏi: Ba ơi, con thấy chiều nào ba của các bạn con cũng đến trường đón chúng nó, sao lúc nào cũng chỉ có mẹ đến đón con thôi?”
Tôi chỉ có thể trả lời rằng: Ba không thể cho con được những điều bình thường như những người cha khác, thế nhưng ba sẽ cho con cả một bầu trời bình yên.
Thằng nhỏ lại hỏi: Bầu trời bình yên là gì vậy ba?
Tôi trả lời rằng: Sau này lớn lên rồi con sẽ hiểu!” .
Câu chuyện của anh Phục không chỉ gói gọn trong lớp học nhỏ trên hòn đảo nghèo, mà còn là câu chuyện về những con người luôn âm thầm cống hiến tuổi thanh xuân của mình để ngày đêm bảo vệ chủ quyền và sự bình yên cho đất nước. Với riêng tôi, Thượng uý Trần Bình Phục không chỉ là một thầy giáo quân hàm xanh, trên tất cả anh là một người lính luôn tận tuỵ với Tổ quốc. Và tôi luôn biết ơn anh vì điều đó.