Tôi gọi họ là những mảnh Sài Gòn. Bởi với tôi, họ là người Sài Gòn, vẫn đang lao vào mưu sinh khi thành phố này đang yên ngủ vì bệnh dịch. Người giàu có thể nghỉ ngơi sống bằng tiền tích lũy, dân công sở có thể làm việc ở nhà. Nhưng còn người nghèo, họ sẽ đi đâu về đâu khi đường phố, vỉa hè chính là mái nhà của họ?
Trời về khuya, phố xá thênh thang chỉ còn ánh đèn hắt hiu. Ngoại Hương ngồi bệt vỉa hè, thở dốc, lấy sức chút rồi lại đẩy chiếc xe ve chai chầm chậm trên đại lộ vắng bóng người. “Có bữa mưa quá trời, không có lụm được gì, có khi bán được 16 ngàn, bà mua bánh mì không về ăn với muối tiêu”, ngoại nói với giọng nhẹ nhàng, nhưng sâu trong đôi mắt là nỗi buồn thăm thẳm.
Ngoại sinh ra ở Sài Gòn, mồ côi từ nhỏ. 72 tuổi, ngoại không chồng con, không người thân và sống trong căn trọ nhỏ ở hẻm 85 Lê Văn Lương với tiền thuê nhà là 1 triệu rưỡi/1 tháng. 6 giờ chiều, ngoại Hương đẩy chiếc xe ve chai cọc cạch ra đường, nhặt giấy vụn, chai nhựa để bán.
Những ngày giãn cách, gánh nặng cơm áo gạo tiền làm oằn đôi vai ngoại. Người ta không ra đường, chẳng còn ve chai để nhặt, có ngày ngoại chỉ kiếm được mấy chục ngàn để cơm cháo qua bữa. Khổ cực vậy nhưng tánh ngoại rất dễ thương, lúc nào cũng xởi lởi, vui vẻ. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, ngoại đứng lên, lại tiếp tục tất tả mưu sinh, bóng ngoại loang dần trên con đường Nguyễn Thị Thập thênh thang...
9 giờ tối, ngã tư Nguyễn Thị Thập – Nguyễn Văn Linh (quận 7) thưa thớt xe qua lại, con đường cũng chìm vào không gian buồn tênh. Chú Ninh vẫn ngồi lặng yên bên góc đường. Chú có vợ và hai con gái. Con gái lớn 36 tuổi, làm công nhân, có con nhỏ và đang thất nghiệp. Con gái 32 tuổi bị bại não cùng vợ chú ngồi xin tiền cũng ngay ngã tư.
Thông thường , chú sẽ ngồi từ chiều tối đến khoảng 21 giờ, vợ và con gái sẽ ngồi đến tận 2 – 3 giờ sáng. Do có nhiều bệnh nền, đặc biệt là tiểu đường, chú bị hoại tử bàn chân, dẫn đến cưa bỏ một bên chân. Tuy vậy, người đàn ông chỉ còn một chân này lại là trụ cột cho ba cuộc đời nương tựa vào.
“Chú thương bả lắm, bả chịu cực nuôi nhỏ con gái bị bệnh mấy chục năm, giờ còn một chân nhưng chú phải ráng thôi”, chú Ninh nói. Hằng ngày, vợ sẽ chở chú đến chỗ bán vé số bằng xe máy, có hôm cô bận chăm sóc chị con gái bại não thì chú phải đi xe ôm, hoặc quá giang xe hàng xóm. Thu nhập của gia đình chỉ trông cậy vào từng đồng lời bán vé số và số tiền ít ỏi xin được từ người qua đường.
Ước mơ của chú Ninh là có một chiếc xe lắc, loại xe có một thanh lắc ở giữa, để di chuyển linh hoạt hơn. Trước đó, khi được một mạnh thường quân cho xe lăn, chú đã nhường lại xe cho cô con gái bị bệnh. Bốn con người, cùng một số phận đang sống dưới một mái nhà. Và người đàn ông không thể tự mình di chuyển này lại là một điểm tựa cho ba người phụ nữ ốm đau trong cuộc đời đầy bão giông.
"Có hôm trời mưa, cả nhà chạy đi kiếm chỗ núp. Ông trời đừng mưa, cực lắm con ơi",cô Ánh mở đầu câu chuyện. Với cuộc sống tạm bợ bên vỉa hè, bên xe hủ tiếu, mưa dường như đã trở thành nỗi ám ảnh đối với cô Ánh (61 tuổi). Gia đình cô có tổng cộng có 6 người, ngày ngày phải sống tạm bên cạnh hàng rào của trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.
Xe hủ tiếu là nơi để cô mưu sinh để cô nuôi cả nhà. Chị của cô Ánh bị u nang buồng trứng, không có tiền phẫu thuật khiến bụng phình to. Ban đêm không có điện sử dụng, mọi sinh hoạt của gia đình đều nương nhờ nơi vỉa hè, nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm xung quanh hơn chục năm qua. Giữa lòng Sài Gòn, có 6 con người đang tựa nhau mà sống, chắp vá từng miếng ăn, cái mặc. Dịch bệnh làm đôi vai cô thêm nặng gánh, chỉ biết sống hết hôm nay, chưa rõ về ngày mai...
Cứ mỗi tối, sau khi tan ca làm, Kỳ Anh (sinh năm 1995) lại dong xe ra đường, rong ruổi trên những con đường để "nhặt nhạnh" những mảnh Sài Gòn. Anh ghi lại tất cả những câu chuyện, những cuộc đời, những số phận đang oằn mình giữa cơn đại dịch bằng ống kính của mình. Dưới mỗi câu chuyện, anh sẽ để địa chỉ, cách liên lạc và thông tin cụ thể để mọi người có thể đến ủng hộ.
Kỳ Anh chia sẻ:"Dự án gồm nhiều bộ ảnh góp nhặt mỗi ngày, mình sẽ làm xuyên suốt và không có giới hạn. Điều mong mỏi duy nhất chỉ mong các nhân vật được giúp đỡ, nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ nhiều phía. Mình đã bỏ tiền túi để giúp đỡ mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh một ít, còn lại là sự giúp đỡ từ việc lan tỏa trên mạng xã hội. Dự án là một dấu son ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Trong những ngày dịch bệnh, họ đang gồng mình đi qua, và chúng ta cũng thế.
Chúng ta có thể cố gắng 2 3, nhưng họ cố đến 9 10, công việc, sức khỏe bị ảnh hưởng, chi phí thì leo thang, nguồn thu nhập bị giảm hoặc không có tiền. Họ cần được giúp đỡ bằng cách này hay cách khác, họ cần sự sẻ chia để xoay trở giữa đại dịch, có kế sinh nhai, có một niềm tin và sự cố gắng hơn mỗi ngày".
Nhiều ngày qua, người ta nói rằng Sài Gòn đang yên lặng, ngơi nghỉ vì Sài Gòn đang bệnh. Nhưng khi mỗi người chúng ta đang ở nhà, đang trong giấc ngủ nồng nàn thì họ, những con người lao động vẫn đang loay hoay xoay trở, vẫn lao mình vào cuộc mưu sinh. Họ không có đường lùi, bởi sau lưng là vực thẳm của cơm áo gạo tiền, của bộn bề lo toan. Và sự san sẻ, yêu thương lúc này sẽ trở thành điều quý giá nhất.
Cũng giống như Kỳ Anh, cậu luôn mong mỏi ai đó khi đi qua ngoại Hương, chú Ninh, cô Ánh... họ sẽ cảm thấy trái tim mình đang rung động và để lại sự san sẻ cho những cuộc đời này.