Nhìn vào vài hàng trầu cau thưa thớt dọc vỉa hè đường Lê Quang Sung (quận 5), có lẽ ít ai mường tượng được không khí một thời “trăm người bán, vạn người mua” đã từng diễn ra ở nơi đây. Những “lão tướng” còn trụ lại với chợ trầu cau đến hôm nay, người ra chợ muộn nhất cũng đã hơn 20 năm. Họ gần như là những chứng nhân đã chứng kiến biết bao nhiêu buồn vui, thăng trầm của chợ trầu cau nói riêng cũng như của Sài Gòn - Chợ Lớn nói chung.
Khi chúng tôi tìm đến, bà Sáu Anh quê ở Bà Điểm - Hóc Môn, “lão tướng” đã gắn bó gần trọn cuộc đời với ngôi chợ này vừa qua đời không lâu. Thế chân bà hiện nay là chị Thủy, người con gái lớn của bà. Tiếp chúng tôi với nét mặt đượm buồn, chị kể: “Má chị mất chưa tròn trăm ngày, giờ chị ngồi đây thay má. Nói là thay chứ thực ra chị cũng đã theo má suốt 25 năm nay rồi. Má gắn bó cả đời với chợ này, giờ mình bỏ hàng cũng không nỡ”.
Ngay bên cạnh hàng trầu cau của bà Sáu Anh là hàng của bà Hai. Bà hồi tưởng: “Tui ra ngồi chợ sau chị Sáu chỉ có 2, 3 năm gì đó thôi. Hồi ra chợ mới còn là con gái đôi mươi chưa biết ăn trầu, giờ thì 81 tuổi, ăn trầu đến mức răng đen nhánh như vầy”.
Theo lời kể của bà, đa phần những người bán hàng ở đây từ sân trầu Bà Điểm - Hóc Môn theo xe xuống Sài Gòn. Thời trước xe cộ khan hiếm, tuyến xe từ Bà Điểm đến Chợ Lớn gần như là tuyến xe thuận nhất. Khi xe đến bến, người ta đổ hàng xuống bán dọc hai bên đường ngay trước cổng bến xe “cho tiện”. Lâu dần, người bán đông lên, người mua biết tiếng tìm tới nhiều rồi tạo thành chợ.
Chợ trầu cau bắt đầu thưa thớt dần cách đây độ 20 năm trở lại đây. Bởi theo cô Gái, người ra chợ từ năm 14 tuổi cho đến nay cho hay: “Lớp người trước dần dần theo ông bà, lớp sau này thì không ai ăn trầu nữa. Buôn bán ế ẩm nên người ta bỏ nghề hết. Nhưng buôn trầu cau được cái nhẹ vốn, lãi không nhiều mà có lỗ cũng không nặng. Với làm riết rồi thành quen tay nên cũng không bỏ nghề được”.
Ngày trước, sân trầu Bà Điểm - Hóc Môn là nguồn hàng chính của chợ trầu cau. Bên cạnh đó là những vùng trầu khác từ các tỉnh miền Tây cũng đổ về. Vào những mùa cưới xin, trầu cau được đưa về chợ liên tục để kịp cung ứng cho nhu cầu của dân cư trong thành phố. Tuy nhiên, cũng bởi sự biến đổi của thời cuộc và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, sân trầu Bà Điểm hiện nay dần đứng trước nguy cơ biến mất.
“Còn lưa thưa vài chỗ trồng thôi. Không ai chăm bón, lá trầu Bà Điểm bây giờ chỉ nhỏ bằng một nửa của hồi xưa. Đem lên đây cũng chỉ để bán cho mấy người già ăn quen vị chỉ mê trầu Bà Điểm thôi. Còn hàng ở chợ giờ đa phần là từ dưới miệt Long An, Bến Tre,… đưa lên. Mười tám thôn vườn trầu ngày trước giờ cũng gần như mất dấu rồi”. - bà Hai thở dài.
Khi được hỏi liệu mọi người sẽ còn gắn bó với những hàng trầu cau ở đây đến bao giờ nữa, bà Hai lại cười móm mém: “Trời còn thương cho khỏe ngày nào thì còn ra đây ngồi”. Còn cô Gái trầm ngâm: “Trời kêu đi lúc nào còn không hay thì biết đâu ngày nghỉ bán. Nhiều khi mệt mỏi lắm, cũng muốn nghỉ ngơi, mà con cái lại không có đứa nào tin tưởng chịu theo để mà giao lại. Rồi tiếc hàng, tiếc công lại ra đây ngồi. Nhiều lúc ngồi nhớ lại thời thịnh đạt ở đây mà buồn con ơi. Buồn lắm!”