Cấm xe máy vào nội đô TP.HCM năm 2030
Thời gian gần đây, đề án liên quan đến việc cấm xe máy đi vào nội đô Sài Gòn đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Lý do là trong ngày 1/3 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cùng Sở Giao thông Vận tải vừa tổ chức buổi phản biện đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.
Xung quanh vấn đề cấm xe máy vào nội đô, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Trước đó, thông tin này từng là chủ đề gây xôn xao trong suốt thời gian dài khi mới được công bố lần đầu vào khoảng năm 2017.
Theo lộ trình của TP, đến năm 2025-2030 sẽ chế và tiến tới cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm (các quận 1, 3, 5, 10). Mục tiêu hoàn tất việc này vào năm 2030.
Phát biểu trên báo Thanh Niên, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cho biết, nếu đề án được thông qua, khu vực ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh (trong khu vực 4 quận trung tâm 1, 3, 5, 10) vào năm 2030 giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt - Châu Văn Liêm - Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt - Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám - Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng.
Giai đoạn đến 2020 sẽ tiến hành thí điểm ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh trên một số tuyến theo thời gian.
Cụ thể, ngưng hoạt động trên một số tuyến vào giờ cao điểm sáng và chiều gồm: Trên đường Trường Sơn (Q.Tân Bình); Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ giao Cách Mạng Tháng Tám đến giao Đinh Tiên Hoàng (Q.1); Võ Thị Sáu đoạn từ giao Đinh Tiên Hoàng đến giao Tôn Đức Thắng (Q.1).
Ngưng hoạt động trên một số tuyến từ 7 giờ 00 đến 19 giờ 00 gồm: Đường Pasteur đoạn từ giao Lý Tự Trọng đến giao Điện Biên Phủ (Q.1); Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ giao Điện Biên Phủ đến giao Lý Tự Trọng, Q.1).
Giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục mở rộng phạm vi ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh, tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh trên địa bàn Q.1 vào năm 2025. Khu vực ngưng hoạt động giới hạn bởi các tuyến đường: Võ Văn Kiệt, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ.
Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh, tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh khu vực Trung tâm thành phố gồm các quận 1, 3, 5, 10 vào năm 2030 khi hệ thống vận tải hành khách công cộng (gồm xe buýt, buýt đường sông, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT, xe đạp công cộng…) đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, đồng thời cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống vận tải hành khách công cộng đạt dưới 500 m.
Đề án khó khả thi?
Báo VnExpress dẫn quan điểm của Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM cho rằng, đề án này khó khả thi do nếu xét về mặt pháp lý thì nó xâm phạm quyền di chuyển của người dân.
“Hiến pháp quy định việc tự do đi lại là một trong những quyền hiến định của người dân. Thành phố kiểm soát và hạn chế ôtô, xe máy có thể xâm phạm đến quyền công dân. Vì vậy, đề án cần đặt ra giải pháp để bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích chung của xã hội và quyền lợi chính đáng của người dân”, vị LS trả lời nguồn tin trên.
Theo nhiều chuyên gia, chính quyền TP.HCM nên giúp người dân hiểu dằng dùng xe máy sẽ phải trả toàn bộ chi phí gây ra cho xã hội, sẽ rất tốn kém và nên dịch chuyển sang dùng phương tiện công cộng chứ không phải ban hành lệnh cấm chặt chẽ.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trưởng khoa Đô thị học, ĐH KHXH&NV TP HCM) cho rằng TP nên thay lệnh cấm bằng chính sách giãn dân. “Việc di dân ra ngoại thành đã được đề cập nhiều lần, song thành phố vẫn chỉ phát triển trong 930 ha khu trung tâm nên mỗi dịp lễ tết đều xảy ra kẹt xe”, vị PGS phát biểu trên nguồn tin trên.