Logo Saostar - Special special

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Cô gái nhón từng ngón chân, khẽ bước vào. Ngôi nhà ba gian hút sâu trong hẻm, gần như tách biệt.

- Cô tìm ai?, một bé gái nhanh nhảu lên tiếng.

- Cho hỏi nhà chú Phúc?, người phụ nữ vừa đáp, vừa thở hắt, vừa ngồi phệt xuống chiếc ghế thấp vì đi xa và chiếc bụng bầu to gấp rưỡi đè nặng.

Bé gái ngó thoáng: Cô chờ con xíu. Chưa đặng phút, người đàn ông có mái tóc muối tiêu đã đứng trước mặt, chiếc áo bết đầy xi-măng, mặt cháy đen và ngai ngái mùi nắng-nhựa đường-mồ hôi trộn lẫn, tần ngần nhìn cô gái. Hai người ngồi trong căn phòng nhỏ, tỉ tê suốt chiều. Lúc lâu, ông đứng dậy, nở nụ cười rối: Cứ sắp xếp hết ở đây, mọi thứ đã có chú lo. Cảm ơn cháu đã giữ đứa bé. Cô gái nhắc lại: Chú giữ lời đấy nhé!

9 tháng 10 ngày, một bé gái được hạ sinh, 2 ký hơn, mới chào đời đã khóc ré. Tiếng đứa trẻ kêu lên lanh lảnh, bứt rứt và dưng dửng gợi nhớ lại đêm ấy, cái đêm kinh hoàng người mẹ quỳ gối bất lực van xin. Cô nhói tận tim.

May ông lão đã nhanh chóng ẵm thằng bé vào lòng, nâng niu như của quý, vừa thoáng thấy một sự bất hạnh nhoi nhói qua kẽ mắt cô gái, đắng nghét. Ông lão lại khẽ: Cảm ơn con đã sinh đứa trẻ.

Hôm chưa đặng ngày tuổi, cô gái lên tiếng: Con đã giữ lại như hứa rồi đấy?. Ông lão nghe, nói vội: Chồi ôi, nó xíu xiu ơ à, con bỏ đi nó không có sữa mẹ sao lớn nổi. Chú kẹt tiền mua sữa quá, con ráng cho em bú đỡ thêm tuần… Giọng ông pha vào tụi con nít chơi trận giả, rơi rụng ít nhiều, tới lượt cô gái chỉ thấy lạnh tanh: Chú, một tuần.

Hết tuần, ông lại ngó thằng bé nhỉnh hơn con chuột xíu xiu, mà nài nài nỉ nỉ: Ôi, chú lại quen cả tiền điện, tiền học mấy em… Gấp quá, cho chú nợ thêm tuần nữa nhé. Cục cưng thế này, chồi ôi… ở với ba Phúc rõ khổ, uống sữa bình thôi…

Tuần đó, cô gái không ngủ. Cô trằn trọc.

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

9 tháng trước, cô lên Sài Gòn lập nghiệp. Đứa trẻ là cái đêm tối bưng như mực, cô được ông trời dúi vào tay. Trên đường làm về, cô bị người ta hiếp dâm tập thể. Rồi tay trắng. Rồi lang thang. Rồi vô định. Rồi lắm lần đứng trước cổng bệnh viện bật khóc nức nở giữa 2 dòng bỏ-giữ không chọn được, cho tới khi gặp chú Phúc. Ông già nước lã năm lần bảy lượt nắm tay cô nài nỉ: Cháu chỉ cần sinh con, phần đời còn lại của đứa trẻ, chú sẽ gánh vác thay.

Cô gái đã từng nghĩ về buổi sớm tinh mơ, con còn ngái ngủ, cô sẽ chạy trốn, sẽ vứt bỏ lỗi lầm và ký ức buốt nhức ở lại cho ông già tội nghiệp (trong đó có thằng bé). Nhưng rồi, sáng ra, thằng bé vẫn ôm bầu vú má nào buông, vẫn mân mê hơi thơ má lúc chạm vào da thịt, lúc vuốt cọng tóc non, mắt hấp hé, nó cười. Cô hối hận, chết lặng.

Ngày cuối, sau bữa cơm chia tay, cô ôm thằng bé, thơm lấy thơm để, rồi cô khóc: Chú, con dẫn nó về. Con con, con nuôi, có chết con cũng nuôi dạy nó thành người. Con hổng sống xa nó được nữa. Ông già lại cười: Chú cảm ơn con.

Chuyến xe đưa hai mẹ con ngược Sài Gòn hôm ấy ngập tràn hạnh phúc. Cô gái trẻ giờ đây sẽ trở về, thú nhận với ba má và sẽ nuôi đứa trẻ ấy nên người.

Nhưng cũng có vô vàn người mẹ tìm đến nhà Phước Phúc, rồi lặng lẽ mất tăm vào một sớm mờ sương. Đứa trẻ bỏ lại bọc trong khăn trắng, nhiễm lạnh và yếu ớt. Không mẹ, chúng vẫn sẽ sống. Sẽ trưởng thành. Sẽ ở cùng với 20 người anh chị em bỏ rơi như mình. Sẽ gọi chung một người là ba. Sẽ lấy ngôi nhà Phước Phúc làm mái che nắng che mưa.

Và, sẽ là thiên thần mồ côi…

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Ba đứa trẻ bất hạnh chưa đầy 3 tháng tuổi, được ông Phúc nhặt về đêm qua. Đứa may mắn nhất là người mẹ giấu mặt còn ghi gọn trên bìa cát-tông: Con tên Đỗ Văn, chữ nghệch ngoạc. Hai đứa còn lại thì vô danh, ông Phúc buộc phải lấy tên thánh để khắc trên tấm bia mộ.

12h trưa, ông tất tả gói ghém ba đứa vào hũ đất, buộc chặt bằng bịch nhựa, rồi ràng lên chiếc xe máy cũ, bon bon chạy ngược về vùng ngoại ô. Tụi nhỏ phải được chôn cất ngay tức thời. Hôm nay, trời sắp đổ mưa lớn.

Tâm nguyện cứu giúp hàng nghìn sinh linh bé nhỏ dấy lên trong lòng ông Phúc cách đây 14 năm, vào cái ngày vợ ông lâm bồn. Khi vào viện, chứng kiến cảnh thai nhi nhẫn tâm bị vứt bỏ quanh gốc cây, ông đã lụm nhặt từng đứa để đem về, chôn cất cẩn thận. May mắn thay, được gia đình ủng hộ, ông chắt chiu tiền mua mảnh đất trên đỉnh núi xã Diên Lâm (tỉnh Khánh Hoà) làm mộ phần chăm thai nhi. Đồng thời, dựng mái nhà chung cho bà bầu và trẻ mồ côi trên đường Phương Sài (Nha Trang).

14 năm nay, mỗi tối, sau khi lo lắng cho những đứa con ngủ, ông Phúc lại đi lần mò trong bệnh viện, khi thì bãi biển, thùng rác, lề đường,… để nhặt xác thai nhi. “Ít thì 3,4 đứa, nhiều thì vài chục, chú nhận hết chưa bao giờ từ chối đứa nào. Chỉ giận là nhiều hôm mẹ nó đem vứt mà không để được cái tên. Sau này, đứa trẻ thành Vô Danh, có người quay lại tìm, mình không biết chỉ rằng đứa trẻ ấy đã từng nằm ở đâu được.” - ông tâm sự.

Ngọn Diên Lâm cách trung tâm thành phố 20 ki-lô-mét, vắt nửa mình qua đồng, nửa bên biển, quanh năm gió thổi vi vu. Ở đó, trên bia đá màu rêu cũ được đặt ngăn ngắn chưa bao giờ thiếu gió và bóng lưng người cha già vào mỗi chiều. Ông Phúc tất tả chôn cất hài nhi mới, lo dọn dẹp nghĩa trang, nhang khói cho nấm mồ cũ. Hoặc đôi khi chỉ là để tỉ tê với tụi con nằm im trong đất lạnh, gọi cho đỡ buồn.

Nghĩa trang Diên Lâm chia làm 2 khu vực. Một là mộ do cha mẹ hài nhi tự nguyện xây sau khi biết đứa con họ từ bỏ được ông Phúc đưa về. Còn lại là phần mộ của những đứa trẻ không rõ danh tính, ông Phúc sẽ đặt theo tên các vị thánh như Maccô, Matheu, Lucia… Tụi nhỏ sẽ sống bằng cái tên ba Phúc đặt cho ấy, xem như một phần an ủi cuối đời.

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Chiều buông, người mẹ treo lên núi, bước chân nặng nề đinh vào đá, chị đi dọc theo hàng mộ xanh vừa chôn cất cách đây vài tháng, đặt mỗi nơi một viên kẹo ngọt. “Trẻ con luôn thích kẹo” - người mẹ giải thích. Con gái chị mất lúc 4 tháng tuổi, vì cái lần vô tình trượt ngã mà sảy thai nên chị hối hận lắm. Ngày giao con cho ông Phúc chăm sóc, chị gặn: Con tên là Nguyễn Hoàng Tú Anh nghe chú. Ông đã thực hiện đúng lời chị nói, khắc trên bia tên đứa trẻ vắn số.

Từ hôm mất con, cách 2-3 bữa người mẹ trẻ lại trèo lên đỉnh Diên Lâm, khi hũ sữa, con búp bê, chậu xương rồng cho con ngắm hoa đỡ buồn,… Chị ở lại cạnh đứa trẻ cho đến hết chiều, vừa tỉ tê, vừa khóc. Nước mắt thấm vào đất, đất thấm vào đá, đá thấm vào nấm mồ nhỏ, ngôi nhà nhỏ của đứa con gái chị từng mong mỏi hằng ngày được nghe tiếng khóc.

Mỗi ngày, ở Diên Lâm vẫn có hàng chục người mẹ giấu mặt như chị đến thăm con như vậy. Ông Phúc kể: “Mỗi người mỗi cảnh, có khi sẩy thai, lầm lỗi, có khi bị hiếp dâm, có khi thì té, hay là hy sinh cho anh chị nó được sống, hoặc cũng là quá nghèo… Đa phần người mẹ luôn cảm thấy lỗi lầm với đứa trẻ nên quay lại, xem Diên Lâm là nhà mình”.

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Ông Phúc tự nhận rằng: Từ ngày nuôi tụi trẻ, chưa bao giờ ông có một giấc ngủ ngon lành, chưa bao giờ dám đóng chặt cánh cửa Phước Phúc. Vì chỉ cần lần nào đó ngủ say, một bà bầu, một đứa trẻ sẽ bị tước đi cơ hội chào đời, hoặc bỏ rơi và chết lạnh vào ngày Nha Trang biển động, mưa rát buốt. Ông ân hận cả đời.

14 năm. Hơn 200 bà bầu. 55 đứa trẻ. Cơ sở Phước Phúc đã thành mái nhà chung cho tất cả. Chỉ vì lý do đơn giản: Người cha già mong những đứa trẻ vô tội có quyền được sống.

Thương vừa hạ sinh một bé gái, kháu khỉnh, nặng 2 ký 2, tròn 23 ngày. Con bé luôn được mẹ chăm trong đụp khăn trắng, thích ngủ và mắt nhắm nghiền. Nhìn Thương yêu con, ai ngờ rằng vài tháng trước cô gái trẻ đã từng rớt xuống cái vực thẳm sâu hun hút cuộc đời. Lần đầu, chị có tình yêu đẹp với anh trai cùng xóm, cuộc hôn nhân những tưởng hạnh phúc lắm. Khi về ở với nhau, có mụn con, người chồng đổi tính, hay đánh đập, chửi mắn và kiềm kẹp Thương giữa bốn bức tường gia đình. “Chị chịu 8 năm như thế chỉ để sống vì con, rồi đổ vỡ”.

Lần hai, cô gái trẻ đã tiếp tục gầy dựng lại cuộc đời bằng tình yêu mới. Chàng quen qua mạng, hay tâm sự mỗi đêm, biết nàng, thấu hiểu nỗi khổ nàng, và chàng hứa: Mang lại cho em cuộc sống tốt đẹp hơn trước. Vậy mà, ngày Thương đậu thai, chị vui vẻ báo tin đứa con của cả hai, chàng phũ phàng quay đi: Anh có một vợ hai còn rồi, anh lừa dối em. Thương khóc.

Chị hụt chân trong tình yêu lừa dối, ghẻ lạnh và tâm hồn rạng nứt. “Có lần chị nghĩ sẽ đến phá nát gia đình anh ta rồi ấy chớ. Nhưng rồi chị nghĩ đến cảnh vợ người ta đang chăm con. Chị giật mình nhận ra mình đã từng như thế, sẽ hại đời một gia đình nữa thôi, nên chị bỏ đi” - Thương kể. Tay dắt thằng lớn, bụng mang thằng nhỏ, chị rời Sài Gòn đi phiêu bạt khắp nơi, cho đến cái ngày gặp được ông Phúc. Ông đã mở rộng cánh cửa đón chị, lo lắng cho đứa trẻ được hạ sinh an toan, hứa: Cuộc đời sau, chú thay mẹ săn sóc con.

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Trang 19 tuổi, quê ở Ninh Thuận. Hôm chị vào Phan Thiết làm ăn, nhắn ba má: Con vào thành phố kiếm chút đỉnh tiền rồi về. Vậy mà một đêm tối bưng bức, chị bị ông chủ hiếp, rồi đuổi cổ khỏi nhà. Trắng tay, lang thang rày đây mai đó. May mắn gặp được ông Phúc cứu giúp, chị nhất quyết sinh đứa trẻ. “Tự nhiên đến tháng gần sinh, đứa trẻ được chuẩn đoán là dị thai, không có tim thai và sinh ra dị tật nữa chứ, chị khóc cạn”. Thế mà, chú Phúc vẫn một mực nắm tay chị: Con yên tâm, sinh ra thế nào chú cũng sẽ phụ con. Hôm con chào đời, đứa trẻ trắng nõn trắng nà, lành lặn và đầy đủ. Chị mừng tủi gọi về: Đẹp trai hơn ba Phúc. Ông cười.

Oanh lại tìm đến cơ sở Phước Phúc vào một hoàn cảnh khác. Hôm hay tin có thai thì người bạn trai ngoại quốc đã quay về nước. Năm lần bảy lượt ra vào viện, cầm tờ giấy bỏ đứa trẻ, nhưng lúc thì nhiều tiền quá, lúc thì thương con quá, lúc lại sợ,… chị quyết giữ. Chị nương tựa Phước Phúc làm chỗ sinh con, và tá túc để chờ đợi người đàn ông quay lại tìm. Nhưng ngày đó là bao lâu, chị không trả lời được.

Còn Liên (quê Bình Định) biết tin mình mang bầu được 2 tháng, chị háo hức khoe với bạn trai thì nhận lại câu: Ngày mai anh lấy vợ, em bỏ đi. Quá xót xa, một thân một mình chị rời bỏ quê hương để đến tá túc nhà chú Phúc. Chị nói với ba má lên Sài Gòn tìm việc. 6 tháng nay, chị chưa về nhà.

Vô vàn người phụ nữ tìm đến mái nhà Phước Phúc trong vô vàn hoàn cảnh ngặt nghèo như thế. Trăm người, trăm hoàn cảnh, trăm nỗi lòng, tiếng khóc, trăm tỉnh và vùng miền,… Có thời điểm số bà bầu lên tận 15 người, đông đúc. Chú Phúc vẫn một tay lo lắng để tìm cách cho đứa trẻ kém may mắn có cơ hội chào đời.

Người sau khi ở lạị Phước Phúc, được cảm hoá tình mẹ thì đứa trẻ sẽ trở về cùng mẹ. Nhưng rồi cũng vô vàn đứa trẻ bị bỏ lại vào một sớm mờ sương, lặng thinh và đau đớn. Chúng trở thành thiên thần mồ côi.

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Ông Phúc vẫn nhớ ngày Xuân Tâm đến với ba. Hôm đó 30 Tết, trời xuân se lạnh. Chỉ vừa độ 9h tối, một người phụ nữ rón ren đi vào con hẻm nhỏ, đặt trước cánh cổng sắt Phước Phúc chiếc giỏ nhựa, đứa trẻ chưa đặng ngày tuổi, đỏ hỏn và yếu ớt đụp trong chăn trắng.

Nó khóc ré lên vì cảm lạnh, ba Phúc phải vừa nắn vừa xo đôi bàn tay cả đêm mới đỡ. Lòng giận run. “Đi rồi mà chẳng để lại một lời nhắn nào để đặt tên con”, ông nói về người mẹ chưa hề biết mặt. Sau này, ông đặt nó là Xuân Tâm, tức tâm nguyện của ba vào cái đêm xuân ngặt nghèo ấy. Và để sau này, con bé có hỏi, ông sẽ kể về đứa trẻ ọp ẹp bỏ ngay trước cửa nhà vào đêm 30 Tết năm đó là con ba xinh đẹp thế nào.

20 đứa trẻ, 20 số phận tìm đến Phước Phúc bằng 20 cách khách nhau, không hành trình nào là không đặc biệt. Có đứa đẻ rớt, bỏ rơi, sinh non, hay là một buổi sáng bà bầu bỏ trốn,… Những đứa trẻ, nếu không nhờ cái lần ông Phúc nắm tay người lạ năn nỉ ỉ ôi: Cho nó cơ hội sống, phần đời sau này chú sẽ thay thế… Thì có lẽ…

Ba Phúc đặt tên con gái là Tâm, tức các con là thành quả từ cái tâm của ba mà ra. Còn con trai tên là Vinh, tức để sau này con phải cố gắng hết sức đem lại vinh dự, vinh phúc cho cả nhà. Người phụ nữ bỏ đi, ông chỉ mong mỏi một cái tên để đặt lót cho đứa trẻ. Nhưng đôi khi không có, ông đành gọi bằng dòng địa chỉ để lại. Như Thuỷ Tâm - đứa con gái của người mẹ tên Thuỷ, Lệ Tâm - đứa con gái của người mẹ tên Lệ, Khánh Tâm - đứa trẻ có mẹ ở Khánh Hoà, Lâm Vinh - đứa con trai có mẹ ở Lâm Đồng,…

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Thằng Răk Vinh đến với ba Phúc trong cơn thập tử nhất sinh. Hôm mẹ nó đem tới nhà, thằng bé đã xổ ruột, mẹ nó chỉ kịp lấy bông băng bịt ngoài cho đỡ chảy mủ. Vậy mà, một sáng bà nhẫn tâm vứt lại thằng bé, nói: Đem đi đâu nó cũng chết, rồi đi. Ông Phúc nhớ hoài nhớ mãi cái câu tỉnh queo đó, buồn có, giận có.

Răk Vinh chưa đầy tháng tuổi đã bị nhiễm trùng ruột, không hậu môn rồi thêm tim bẩm sinh. Ông Phúc đổ hết tiền bạc, lặn lội từ bệnh viên tỉnh, vô tới Sài Gòn chạy chữa. May mắn được trời thương, thằng Răk Vinh cuối cùng cũng sống được, ngon lành bằng hậu môn giả. Ông đặt tên nó là Răk Vinh, tức đứa bé trai con người dân tộc Răk Lây.

Còn Khánh Tâm lại được ba Phúc đem về từ bãi rác. Hôm người quen gọi điện cho ông, ông tức tốc chạy tới chân bãi rác đèo Rù Rì, vẫn không quên ám ảnh: “Mẹ nó gầy như que củi, đầu tóc lù xù, ngẩn ngẩn ngơ ngơ…”. Cô có con trong một đêm nào đó chuột bò qua người, chẳng rõ cha là ai cả. Ngày chuyển dạ, cô sinh non vỏn vẹn ký lô, đã bỏ lại cho ba Phúc. Ông đặt tên con là Khánh Tâm, nghĩa là đứa con gái tên Tâm ở Khánh Hoà. Đến giờ vẫn không hoài ngẫm nghĩ: “Có lẽ người mẹ thèm mùi rác hơn cả mùi đứa nhỏ”.

14 năm cưu mang trẻ mồ côi, không biết bao lần ông Phúc bị lời chửa rủa bủa vây: Chả là tác giả của bào thai, ông bắt tay buôn người qua Trung Quốc, ăn tiền trên thân xác phụ nữ,… Ông chưa bao giờ thấy hối hận vì dành cả đời vì những sinh linh kém may mắn, vẫn tặc lưỡi cười trừ, “chỉ cần con là đủ”.

Ba Phúc 53, có mái tóc muối tiêu đã ‘nặn’ ra cuộc đời thứ 2 cho thiên thần mồ côi như thế!

Đoàn phóng viên ra về. Tụi con nít vẫn loay hoay chuẩn bị cơm chiều, đứa lăng xăng quét nhà, đứa xếp bát đũa ngay ngắn, con Khánh Tâm vẫn ẵm em phụ cô bầu, một tay bồng ngon ơ… 20 đứa trẻ không cha không mẹ, giờ đây là anh em, là phần máu thịt của ba Phúc và là gia đình. Chúng sinh ra dễ trơn và lớn nhanh như mạ, như cỏ, như cây. Ba Phúc đùa: “Vì tụi nó biết phận mình mồ côi mà”, ông cười.

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Bên kia phòng, Thương đang chăm con gái. Chị hay ôm con vào lòng, trút bầu sữa cho con bú và nựng nịu đôi bàn tay chỉ nhỉnh hơn chiếc lá, mỏng manh… Ngày mai con bé được 24 ngày tuổi rồi, còn 6 hôm nữa là giáp tháng, người phụ nữ ấy sẽ có thể ra đi (theo dự định). Chị toan về lại Sài Gòn, tìm việc và sống lại phần đời trước kia. Nhưng đứa con gái có về cùng mẹ không, Thương chưa biết.

- Nếu ở lại, con bé sẽ lấy tên gì với Tâm?, chị nói, giọng phân vân.

- Thì là Sài Tâm, đứa trẻ sinh ra ở Sài Gòn; Phúc Tâm, đứa trẻ được ba Phúc nhận nuôi; Phương Tâm, đứa trẻ chào đời ở góc đường Phương Sài. À! Nên là Thương Tâm, (tên chị), nếu chị còn yêu nó… Tôi nghĩ thầm.

Vậy. 7 ngày nữa. Phước Phúc sẽ là nhà mới của Thương Tâm, con nhé!

*Tên bà bầu đã được thay đổi theo ý nhân vật

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Mỗi đứa trẻ luôn là món quá tuyệt diệu nhất mà tạo hoá đã ban tặng cho bậc cha mẹ. Khoảng khắc chào đón đứa con ấy ra đời sau 9 tháng 10 ngày, được cầm nắm đôi tay, ẵm bồng chăm bú, hay chờ đợi ngày chúng lớn lên và trưởng thành,… đều là niềm vui trong 14 năm cưu mang trẻ mồ côi của ông Phúc. Với ông, một tiếng 'ba' là thiêng liêng cả cuộc đời.

Những đứa trẻ trên đỉnh núi lưng trời và chuyện người cha lập chốn nương thân cho 200 bà bầu

Để hiểu thêm về mối liên hệ đặc biệt ấy, cùng trải qua niềm vui, nỗi buồn trong mối liên hệ cha-mẹ-con- gia đình, hãy đón xem chương trình Khi đàn ông mang bầu được phát sóng vào lúc 20h30 thứ 5 hàng tuần trên VTV3 nhé!

Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp