Cấp cứu F0!
- Ba tôi đang rất khó thở, xin hãy giúp tôi.
- Alo! Chúng tôi nhận được kết quả dương tính COVID-19 rồi, bây giờ chúng tôi phải làm gì?
- Bà bầu sắp trở dạ rồi, điều xe gấp giúp chúng tôi được không?
...
Hàng nghìn cuộc gọi mỗi ngày đều được chuyển đến tổng đài 115. Bên trong gian phòng làm việc, có hàng chục tình nguyện viên đảm nhận công việc nghe, gọi, điều phối và hỗ trợ bệnh nhân F0. Phía bên kia đầu dây là những giọng nói đầy âu lo, hoang mang lẫn sợ hãi.
Tổng đài viên là những cô cậu sinh viên Y tuổi trạc đôi mươi, cẩn thận ghi chú lại từng thông tin, khẩn trương hỗ trợ, điều phối. Đó là bầu không khí làm việc của tổng đài 115, đội trực cấp cứu F0 tại TP.HCM.
Giữa bối cảnh TP.HCM có hàng nghìn ca mắc mỗi ngày, Tấn Duy (sinh viên TP.HCM) đã quyết định tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên.
Khi tiếp nhận cuộc gọi của F0, tổng đài viên sẽ khai thác triệu chứng, dấu hiệu cần cấp cứu. Những thông tin như giới tính, năm sinh của bệnh nhân, địa chỉ liên hệ cấp cứu được ghi lại.
Dựa trên những triệu chứng, dấu hiệu cấp cứu của bệnh nhân, tình nguyện viên điều phối sẽ phân tích và đánh giá tình hình có cần cấp cứu không. Nếu không thì tư vấn sức khoẻ cho bệnh nhân chăm sóc và theo dõi tại nhà, hoặc liên hệ y tế địa phương dặn dò nếu bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng thì liên hệ lại với 115 nhờ hỗ trợ.
Nếu cần cấp cứu nhưng triệu chứng bệnh nhân nhẹ như khó thở nhẹ, vẫn tỉnh táo, nói chuyện được thì chuyển sang bộ phận điều xe taxi cấp cứu. "Tụi mình sẽ liên hệ đến bệnh viện gần địa chỉ của bệnh nhân nhất và thông báo về tình trạng cấp cứu của bệnh nhân cho bệnh viện, tuỳ vào khả năng tiếp nhận của từng bệnh viện, tụi mình sẽ tiến hành liên lạc với tổng đài taxi để đặt xe cho bệnh nhân hoặc tiếp tục tìm kiếm bệnh viện khác gần nhất.
Về phía liên hệ với taxi, nhóm sẽ thông báo với tổng đài rằng trường hợp này bệnh nhân nhiễm/ nghi nhiễm COVID-19 cần xe taxi cấp cứu chuyển bệnh chuyên dụng, có Oxy, có đồ bảo hộ, có nhân viên y tế đi kèm", Duy kể.
Trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu nặng, cần sơ cấp cứu tại hiện trường/trên đường di chuyển đến bệnh viện, nhóm sẽ chuyển sang bộ phận điều xe cấp cứu.
Phút giây "nghẹt thở"
Trong bối cảnh TP.HCM đang có hàng nghìn ca mắc mỗi ngày, đội ngũ trực tổng đài cũng đã gặp không ít áp lực. Duy chia sẻ: "Mỗi ngày, chúng mình tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi nhờ hỗ trợ cấp cứu của người dân, có vài trường hợp bệnh nhân nặng nhưng trạm vệ tinh và trung tâm đã điều xe cấp cứu đi hết.
Có trường hợp người bệnh đã ngưng tim ngưng thở, người nhà gọi đến báo 115 đều đã mất bình tĩnh, trường hợp đó chúng mình điều xe cấp cứu đến gấp nhưng vẫn cần người nhà ép tim thổi ngạt trong thời gian chờ nhân viên y tế đến hiện trường hỗ trợ".
Trong số hàng nghìn cuộc gọi đó, có những lần Duy "nghẹt thở" khi trực tiếp hỗ trợ cho ca bệnh mang tính cấp bách. "Có lần, mình tiếp nhận một ca bệnh nhân chuyển dạ và sanh luôn ngay giữa đường. Lúc đó, mình quá bối rối lắm vì lần đầu tiên em gặp trường hợp này. Nhờ các anh chị bên Trung tâm cấp cứu 115, mình đã có kinh nghiệm trong những ca như vậy trước đây đã hướng dẫn mình xử trí, giúp người nhà đỡ sanh bé và ủ ấm, chuyển xe cấp cứu đến bệnh viện gần nhất an toàn cho cả mẹ và bé. Lần đó mình rất vui vì vừa cứu được cả 2 mạng người trong một ca tiếp nhận".
Hằng ngày, các tổng đài viên đều luôn cố gắng giữ liên lạc, mở tổng đài liên tục để tiếp nhận cuộc gọi của người dân và xử lý ca bệnh theo quy trình. Đồng thời, các thành viên đều luôn rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm xử lý những ca khó, những ca bệnh đặc biệt với nhau sau mỗi buổi trực.
Những lời cảm ơn chân thành
"Có trường hợp vào khung giờ cao điểm, các xe trong khu vực đã bận đi chuyển bệnh, mình phải liên tục gọi lại người nhà để theo dõi hỗ trợ kịp thời nếu bệnh nhân chuyển biến nặng trong thời gian chờ xe.
Có lần, người nhà của một bệnh nhân lo lắng quá nên đã tự chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu. Trường hợp đó mình đã xin lỗi người nhà bệnh nhân vì đã không thể làm gì để điều xe đến hỗ trợ họ, và họ lại đáp lại là: “Không sao đâu em, anh hiểu mà, dịch bệnh này nhân viên y tế nào cũng làm việc hết công suất, và cả những bác tài xế lái xe cấp cứu, taxi cấp cứu cũng vậy, nên anh rất thông cảm cho tụi em, anh cũng gửi lời cảm ơn đến em đã gọi lại để hỗ trợ và động viên người thân anh”. Điều đó làm mình thật sự xúc động.
Những ngày Duy mới tham gia vào đội, chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (phụ trách đội tổng đài 115, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đã động viên nhóm rằng: “Dịch bệnh đã rất khó khăn rồi, công việc của chúng ta chị biết nó vất vả, nhưng các em hãy nghĩ những việc các em đang làm là cứu giúp những sinh mạng của người dân”.
Dịch bệnh khiến không ít người chới với, mang đến bao đau thương, nhưng cũng từ đó, chúng ta phải học cách chia sẻ, lo lắng cho nhau. Sau mỗi cuộc gọi, người nhà bệnh nhân sẽ để lại cho Duy những lời cảm ơn chân thành nhất. Đó chính là động lực để cậu đi qua mọi khó khăn.