Mấy ngày trước, cuộc tranh luận giữa cách chọn im lặng cho qua để con không thêm tổn thương sau xâm hại và phải lên tiếng bằng mọi giá để bớt đi kẻ xấu đã bùng phát dữ dội. Ai cũng có lý của họ, dù tiêu cực dù yếm thế và có phần chua xót trong lựa chọn đau đớn. Cuối cùng không khó để thấy việc đừng im lặng, phải lên tiếng dù cái giá sẽ trả không nhỏ đã có phần thắng thế.
Tôi còn nhớ câu chuyện của một đứa cháu. Mãi đến năm 15 tuổi, cháu mới tiết lộ với gia đình vì sao bỏ học võ hồi 6 tuổi. Thì ra cháu bị thầy hay sờ soạng và ôm ấp chứ không phải “ lười học, không thích vận động, ngại dậy sớm, thích chơi game…” như cha mẹ la mắng mỗi khi cháu muốn mở miệng nói lý do gần 10 năm trước. Vết thương đầu đời ấy không lành cho đến ngày gia đình lo ngại vì sao cháu ít nói, thu mình và có biểu hiện như trầm cảm và sự thật được một chuyên viên tâm lý khơi gợi.
Người ta cứ tưởng cứ để thời gian, im lặng sẽ che đậy tất cả và làm mờ đi vết sẹo hay hoen ố. Nhưng không phải, nỗi đau đó âm ỉ chưa hẳn vì những lần bị sàm sỡ bẩn thỉu. Nó bị chà xát và kéo dài vì phụ huynh vờ như không biết, lờ đi hay sợ lớn chuyện mất mặt gia đình, con cháu bị ảnh hưởng. Nó bị khoét sâu vì những kẻ ấu dâm ấy vẫn nhởn nhỏ, tìm đến đứa bé khác hay chúng vẫn được gọi là thầy, chú, bác…
Khi luật pháp còn “khoảng mờ”, quy định còn những kẽ hở và kẻ ấu dâm còn cách để trốn chạy tội lỗi. Khi lo sợ ngày càng lớn, vụ này nối tiếp vụ khác hay nguy hiểm luôn chực chờ thì có lẽ phải “tự mình cứu mình trước khi trời cứu”. Ngay từ cách dạy, cả phòng lẫn chống, tư duy của cha mẹ và ứng xử với bên ngoài. Trẻ sẽ cảm thấy an toàn khi cha mẹ quyết tâm tạo môi trường xung quanh như thế và ngăn ngừa mọi mối nguy trong khả năng.
Đừng bao giờ cho rằng những cái nựng “trái ớt dễ thương” hay câu đùa “cho xin miếng chim” nào với những đứa trẻ bé bỏng là bình thường nữa. Dù là họ hàng, thân thích thì giúp cho trẻ biết giữ khoảng cách an toàn, phân biệt giới tính hay cảnh báo người lớn cũng đều cần thiết. Chúng quá nhỏ để tự vệ trước những trò vui quá đáng, cách nựng quá tay và thương yêu quá sai cách. Bản thân không thích thì lấy lý gì bắt những đứa trẻ phải chịu đựng và áp đặt chúng nên như thế?
Chẳng riêng gì ấu dâm, bạo hành hay tâm sự thầm kín nào nếu cứ dạy trẻ im lặng rồi sẽ qua, phản ứng làm gì cho to chuyện thì hậu quả sẽ nặng nề, di chứng sẽ kéo dài hơn. Anh chị còn nhớ những trận đòn đau thời thơ ấu, vậy cái gì sẽ khiến trẻ quên đi những con quỷ râu xanh con từng đối mặt và phải chịu đựng? Hãy khuyến khích chúng lên tiếng với tất cả những bất bình, phẫn nộ và xâm hại. Còn chọn cách nào để giải quyết tốt nhất cho con em mình lại là việc khác nhưng nhất quyết trẻ phải được lên tiếng, không ai được ép chúng nín nhịn.
Thay vì im lặng, lờ đi hay lảng tránh, hãy dạy trẻ 8 kỹ năng “ vàng” để tự chúng có thể bảo vệ mình. Những kỹ năng ấy không khó để tìm trên mạng, trong sách báo hay từ những người đi trước. Thay vì nhẫn nhịn và nhắm mắt cho qua, cần dạy cho trẻ rằng các bé không phải cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến trẻ. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết. Khi các bé không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên chia sẻ cho cha mẹ biết và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm.
Nên nhìn con số 1.500 vụ xâm hại trẻ em và cơ quan chức năng đã xử lý gần 1.700 người phạm tội có hành vi xâm hại trên 1.500 em để đừng bi quan những kẻ ấu dâm sẽ được nương nhẹ. Hãy xem thực tế Cơ quan điều tra đã xử lý hình sự 1.360 người phạm tội; xử phạt hành chính 160 người để bớt biện minh cho việc lên tiếng cũng chẳng được gì. Không chỉ vì con em mình mà còn cho những đứa trẻ khác và tương lai của chính chúng ta.
Một tương lai vắng hẳn những con quỷ ấu dâm, một viễn cảnh bớt dần những đứa trẻ sống trong sợ hãi và phụ huynh luôn trong hoang mang. Tương lai ấy không dành cho những người chỉ muốn im lặng và thờ ơ cúi đầu, không muốn lên tiếng.