Trước cổng bệnh viện
Bệnh viện C Đà Nẵng ngày được dỡ phong toả, cách li, hàng trăm bệnh nhân vui mừng cầm giấy xét nghiệm âm tính ra về. Có người được gia đình đón, nhưng có những cô chú lớn tuổi, ngồi xe lăn vẫn loay hoay tìm xe ra về.
“Cô về đâu cô hỉ?”
“Răng mà giờ ni vẫn chưa tìm được xe”
“Mời chú lên xe con đưa về giúp ạ”…
Có một đội ngũ những tình nguyện viên đứng đợi sẵn trước cổng bệnh viện. Khi thì dìu các cô chú lớn tuổi, khuân vác hành lí, lúc thì đưa về tận nhà. Cũng trên những chuyến xe này, nguồn nước sạch miễn phí đã được mang đến các bệnh viện dã chiến, khu cách li. Với “thù lao” là niềm vui của sự sẻ chia, họ đã làm công việc này hơn chục ngày qua, khi cuộc chiến chống dịch tại Đà Nẵng vừa mới bắt đầu.
Anh Quốc Khương (quê Quảng Nam) là chủ một nhà hàng tại Đà Nẵng. Dịch bệnh diễn ra, nhà hàng anh phải đóng cửa tạm thời. Trong thời gian này, anh Khương đã cùng với nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng tổ chức những hoạt động thiết thực hỗ trợ cho người dân thành phố.
Anh Khương chia sẻ: “Nhận nhiệm vụ chở các cô bác lớn tuổi từ bệnh viện C Đà Nẵng trở về, lòng mình nhiều cảm xúc lắm. Đó là khi đưa một bác trai lớn tuổi về nhà. Vì nhà ít người, con gái bác là nhân viên y tế nên phải ở lại bệnh viện, bác không có ai đón cả. Khi đưa bác về tới nơi, mình đã quay xe đi mà bác cứ chạy theo gọi í ới để dấm dúi cho mình ít tiền.
Dù mình từ chối nhiều lần, nhưng hình ảnh về sự tử tế đó vẫn in sâu trong lòng. Hay ở một đợt khác, mình đưa một cụ bà 80 tuổi sau nhiều ngày bị cách li về nhà. Đón bà là chồng, cụ ông hơn bà khoảng 5 tuổi. Ông nhẹ nhàng chào đón, gỡ nón trên đầu, hỏi thăm bà sau bao ngày xa cách khiến mình nhìn thôi cũng thấy nghẹn ngào”.
Những yêu thương trong mùa dịch bệnh
Hiện nay, nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng có hơn 20 thành viên. Bất kể ngày đêm, mưa nắng, công việc nào giúp đỡ được cho người dân là nhóm sẽ làm. Có khi các bạn chở những thùng nước sạch để cung cấp cho các bệnh viện, khu cách li, kết nối với các y bác sĩ để biết được các bệnh nhân đang cần gì, tập hợp quà mạnh thường quân để gửi vào. Những chuyến xe chở khẩu trang, nước rửa tay, nhóm chỉ nghĩ được một điều: Mỗi người giúp đỡ một tay thì sẽ tạo nên sức mạnh.
Anh Khương kể thêm: “Nhiều người cũng thắc mắc với bọn mình, tại sao phải cung cấp nước tại các khu cách li, bệnh viện dã chiến. Nguyên nhân chính là để đảm bảo được vệ sinh và an toàn cho bệnh nhân trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao. Ví dụ như mọi người không thể dùng chung một bình lọc nước lớn, và dùng bình đun sôi nhỏ thì dễ gây chập điện khi phải tải điện cho nhiều người. Vậy là những chuyến xe mang nước sạch ra đời.
Tính đến nay, nhóm cũng đã mang nước đến cho nhiều bệnh viện: Bệnh viện C Đà Nẵng, bệnh viện Khu vực Bắc Quảng Nam, bệnh viện Đa khoa Quảng Nam … Có hơn 1300 thùng nước đã được trao đi. Để thực hiện công việc này, mọi người phải được trang bị đồ bảo, găng tay, kính che giọt bắn… vì những nơi nhóm đến đều có khả năng lây nhiễm cao.
Anh Khương chia sẻ thêm: “Mình cảm động lắm trước tình yêu thương của người miền Trung với nhau. Các anh tài xế xe bán tải mùa này không hề kiếm được khách, thế nhưng họ vẫn hỗ trợ xe để giúp anh em mà không hề đòi hỏi bất kì điều gì.
Bất kể ngày đêm, mưa gió, cứ cần là họ sẽ đi. Khi thì vận chuyển đồ giúp bệnh nhân, khi thì chở khẩu trang, nước uống, đồ bảo hộ… Mỗi ngày, mình đều phải kiểm tra Bluezone để theo dõi lượt người tiếp xúc. Làm công việc này cũng lo lắng lắm chứ, biết đâu mình lại là nguồn lây cho gia đình. Vì thế, trong mọi khâu, mọi hoạt động cả nhóm đều phải bảo hộ, đảm bảo an toàn”.
Và cứ thế, những chuyến xe của anh Khương và đồng đội vẫn đi dọc các nẻo đường miền Trung, mang yêu thương tiếp thêm sức mạnh để mọi người cùng vượt qua dịch bệnh.