Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Những câu chuyện để đời ở tiệm trà 103 tuổi giữa trung tâm Sài Gòn

Cường Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Giữa không gian sầm uất suốt ngày đêm quanh khu vực chợ Bến Thành, người qua đường có lẽ ít ai để ý đến bóng dáng của một tiệm trà đã tồn tại suốt 103 năm qua ngay trung tâm Sài Gòn.

Mặc dù năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng bà Kha Quyên, chủ nhân đời thứ 2 của tiệm trà Ô Tòng Ký vẫn còn nhớ như in những câu chuyện do cha bà truyền lại về hành trình từ những ngày đầu rời bỏ quê hương đến Sài Gòn tìm đất sống mới.

Bằng chất giọng Việt lơ lớ đặc trưng của những người Hoa thế hệ trước, bà Kha Quyên bồi hồi kể lại: “Tổ phụ của tui vốn là người ở bên Trung Hoa, bởi chiến tranh loạn lạc nên phải bỏ quê mà ra đi. Hồi đó người Hoa ở Sài Gòn đông lắm và được chia thành nhiều bang hội như Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông,… Lúc mới đến Sài Gòn này, cha tui cũng làm đủ nghề để sinh sống. Đến năm 1913, đủ vốn rồi mới xoay ra mở tiệm trà này rồi phát đạt dần lên. Cái tiệm này đã trải qua bốn đời và tính tới nay là đã tròn 103 tuổi.”

bà Kha Quyên năm nay đã ngoài 80 tuổi, là chủ nhân đời thứ 2 của tiệm trà Ô Tòng Ký nức tiếng một thời.

Bà Kha Quyên năm nay đã ngoài 80 tuổi, là chủ nhân đời thứ 2 của tiệm trà Ô Tòng Ký nức tiếng một thời.

Bà Kha Quyên cho biết, toàn bộ 35 căn nhà đối diện cánh tây chợ Bến Thành đều thuộc quyền sở hữu của gia đình chú Hỏa, một trong những đại gia khét tiếng Sài Gòn lúc đó. Để mở tiệm, gia đình bà Kha Quyên lúc đó đã thuê lại căn nhà số 13 đường Rue Schroeder đối diện cửa Tây chợ. Sau thời Pháp thuộc, con đường được đổi tên thành Phan Châu Trinh và giữ cái tên đó cho đến hôm nay. Tuy nhiên, số thứ tự của những căn nhà này vẫn không thay đổi suốt hơn 100 năm qua.

22015173902_5f887c7ab2_o

Hình ảnh dãy thương xá bên cánh Tây của chợ Bến Thành vào năm 1968 nơi tọa lạc của những hiệu buôn lớn của Sài Gòn, trong đó có tiệm trà Ô Tòng Ký. Đây là một trong những giai đoạn mà tiệm trà này buôn bán phát đạt nhất.

_52a2441

Bảng hiệu Ô Tòng Ký được treo lên suốt mấy mươi năm qua nay đã phai màu theo mưa nắng và thời gian.

Cũng theo lời bà Kha Quyên, tiệm trà Ô Tòng Ký của gia đình bà trước đây ngoài việc buôn bán mặt hàng chính là các loại trà còn buôn bán các dòng rượu được nhập cảng từ châu Âu để phục vụ cho giới thượng lưu Sài Gòn đương thời như: Cantina, Champagne, Cognac,… Bên cạnh đó, gia đình bà còn làm ra những món bánh theo mùa như bánh Trung thu vào dịp Rằm tháng 8 hay thèo lèo và dịp Tết được mọi người rất ưa chuộng. Vào thời thịnh đạt nhất của Ô Tòng Ký, những lúc cao điểm như lễ Tết, hàng hóa phải nhập về liên tục, chất kín cả khu vực bên trong nhà mới đủ cung cấp cho nhu cầu của khách mua.

Những dãy kệ này từng một thời được chất đầy những hộp trà và rượu, nhưng bây giờ chỉ còn lại lớp bụi của thời gian phủ lên.

Những dãy kệ này từng một thời được chất đầy những hộp trà và bánh, nhưng bây giờ chỉ còn lại lớp bụi của thời gian phủ lên. Tấm biển đề hai chữ Hán “Tòng Ký” được cha bà Kha Quyên treo lên vào năm 1913 khi mở tiệm cho đến nay vẫn còn ánh lên nét vàng son thuở nào.

Dãy tủ kính đựng rượu cao gần đụng nóc nhà với tuổi thọ lên đến gần 100 năm. Thời trước, Ô Tòng Ký chỉ kinh doanh những loại rượu được nhập cảng từ châu Âu để cung ứng cho nhu cầu của tầng lớp thượng lưu trong xã hội lúc bấy giờ.

Dãy tủ kính đựng rượu cao gần đụng nóc nhà với tuổi thọ lên đến gần 100 năm. Thời trước, Ô Tòng Ký chỉ kinh doanh những loại rượu được nhập cảng từ châu Âu để cung ứng cho nhu cầu của tầng lớp thượng lưu trong xã hội lúc bấy giờ.

Nhưng rồi cùng với sự biến đổi của thời cuộc, tiệm trà Ô Tòng Ký dần trở nên sa sút. Bây giờ ngồi nhắc lại những giai đoạn khó khăn nhất, bà Kha Quyên không khỏi chạnh lòng:

“Giờ ngày ngày mở cửa tiệm ra như vậy thôi chứ có buôn bán gì nữa đâu. Nhưng tiếc cái công gìn giữ qua bốn đời rồi, nên cứ mở cửa ra vậy cho đỡ buồn. Có nhiều người buôn đồ cổ cả trong nước lẫn nước ngoài tới hỏi mua lại mấy món trong tiệm này như bộ cân hay mấy chục cái thùng đựng trà này rồi đó chứ. Tới cái tay nắm cửa tủ rượu này họ cũng hỏi mua nữa. Nhưng tui nhất định không bán, mình cứ để vậy đi ra đi vô còn nhìn ngắm chứ bán làm gì.” - Bà Kha Quyên cười buồn.

_52a2436

“Cái cân này, gần trăm năm nay chưa bao giờ biết sai lệch hay gian dối…” - Bà Kha Quyên tự hào nói. Theo bà, chính sự uy tín và chính xác trong việc buôn bán và kinh doanh đã giúp những người Hoa thành công vượt bậc trong lĩnh vực kinh doanh.

_52a2430

Những quả cân với nhiều trọng lượng khác nhau được sử dụng trong việc cân trà.

Những đồng tiền được sử dụng cho các nước thuộc địa ở Đông Dương thời Pháp thuộc mà trên mặt còn đọc được rõ dòng chữ Indochine -1938 cũng được gia đình bà Kha Quyên giữ lại làm kỷ niệm.

… Và những đồng tiền được sử dụng cho các nước thuộc địa ở Đông Dương thời Pháp thuộc mà trên mặt còn đọc được rõ dòng chữ Indochine -1938. Những đồng tiền này đã nằm trong tủ của tiệm trà Ô Tòng Ký đã 78 năm. Bà Kha Quyên kể: “Nhiều người đến hỏi mua lại lắm, nhưng tui giữ đó làm kỷ niệm”.

Trà chính là vật phẩm để định danh thương hiệu một thời của tiệm Ô Tòng Ký.

Trà chính là vật phẩm để định danh thương hiệu một thời của tiệm Ô Tòng Ký.

Sinh sống ở Sài Gòn vắt qua hai thế kỷ khi mà chú Hỏa còn là cái tên thống trị trong giới thương nhân Hoa kiều, bà Kha Quyên có cơ hội chứng kiến đầy đủ sự giàu có, cự phách của gia đình chú Hỏa thời bấy giờ.

“Giàu có không biết bao nhiêu mà kể. Nội trong Sài Gòn này, chú Hỏa sở hữu cũng gần 8000 căn nhà. Nhà thương Sài Gòn với Nhà bảo sanh Từ Dũ cũng là của ổng xây lên rồi hiến tặng lại cho nhà nước Pháp. Toàn bộ 35 căn nhà bên cánh Tây chợ Bến Thành này kể cả cái tiệm trà này của nhà tui cũng là thuê lại của gia đình chú Hỏa hết. Nhà chú Hỏa thời đó còn đẹp hơn cả Dinh Thống đốc Nam kỳ nữa mà. Đứng ở chỗ này nhìn lên là thấy nhà ổng còn nguyên đó. Đẹp lắm!” - Bà Quyên không giấu nổi vẻ trầm trồ trong lời kể của mình.

zalo_screenshot_13_9_2016_1328236

Sống qua hai thế kỷ, bà Kha Quyên là người chứng kiến rất nhiều sự biến động của trung tâm Sài Gòn cũng như là người biết rõ về sự giàu có của chú Hỏa, một trong Tứ đại Phú hộ giàu nhất xứ Đông Dương.

Nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại dường như dừng bước bên ngoài cánh cửa này. Có lẽ khi nhìn vào hình ảnh này, ít ai tường tượng được đây lại là ngôi nhà tọa lạc ở một trong những địa điểm sầm uất bậc nhất của Sài Gòn.

Nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại dường như dừng bước bên ngoài cánh cửa của Ô Tòng Ký. Có lẽ khi nhìn vào hình ảnh này, ít ai tưởng tượng được ngôi nhà này lại tọa lạc ở một trong những địa điểm sầm uất bậc nhất của Sài Gòn.

Khi được hỏi về tung tích của gia đình chú Hỏa, bà Kha Quyên cho biết, sau năm 1975, toàn bộ gia đình họ đã chuyển sang sinh sống ở các nước châu Âu và tiếp tục công việc kinh doanh. Theo những gì bà được biết, hiện này dòng họ Hứa của chú Hỏa vẫn là một trong những dòng họ có tiếng trong giới thương nhân Hoa kiều và sinh sống rải rác khắp ở các nước châu Âu. Và thi thoảng vẫn có những con cháu của chú Hỏa về Sài Gòn để thăm lại nơi mà một thời gia đình họ đã tạo nên tiếng tăm lừng lẫy.

“Nhưng mà còn ai nữa đâu. Những người ở đây ngày trước họ đi hết rồi. Chỉ còn mỗi gia đình tui là ở lại căn nhà này với giữ lại cái tiệm trà từ xưa đến giờ thôi. Cứ ráng mà giữ vậy. Thi thoảng, có những người từ xa về đi tìm lại chốn cũ, có mình còn ở đó, họ ghé lại uống ly nước trà với nói dăm ba chuyện thôi là cũng vui rồi.” - Bà Kha Quyên kết thúc câu chuyện bằng tiếng cười giòn giã rồi quay trở vào cánh cửa đằng sau những kệ tủ của tiệm trà mang đầy vẻ u tịch, đối lập hẳn với nhịp sống xô bồ, ồn ã của phố thị ở phía ngoài kia.

Những câu chuyện để đời ở tiệm trà 103 tuổi giữa trung tâm Sài Gòn là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.

Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!

Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Cường Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất