Mùa Đông năm 2014, tôi tự tổ chức một hoạt động thiện nguyện, đi phát thuốc, chăn, màn cho những người vô gia cư trên địa bàn Hà Nội. Trên trang cá nhân, có khoảng 20 bạn trẻ cùng tham gia. Chúng tôi đã quyên góp được rất nhiều quần áo, chăn màn, cả cũ và mới. Dành ra một số tiền mua thuốc cảm, dầu gió, thuốc đau bụng,… tập trung tại nhà một người bạn, phân chia đóng gói từng loại đồ. Đúng 12 giờ đêm, đoàn chia thành 4 nhóm toả về 4 hướng của Hà Nội. Và, cuộc hành trình trao gửi yêu thương bắt đầu!
Hôm ấy, một đêm trăng cuối năm rất sáng, và đương nhiên lạnh buốt. Chúng tôi rong ruổi trên những chiếc xe máy “kẹp đôi” và chở bao tải hàng đằng sau. Điểm đầu tiên dừng chân là khu nhà ở tạm qua chỗ bến xe Nước Ngầm. Từ đường Giải Phóng, tôi rẽ vào một bãi đất hoang. Con đường ngoằn ngoèo toàn gạch vỡ, vôi vữa và cả những đồ phế liệu chắn lối. Đèn đường mờ dần thì trăng trên đầu lại càng sáng. Một lúc chúng tôi nhìn thấy những mái lều lúp xúp trong đêm. Trăng khuya sương ướt mũ len, lạnh như cắt da, cắt thịt. “Xóm” lều im phắc say ngủ. Chúng tôi tắt máy xe, gõ cửa một túp lều, vài phút vừa gõ vừa gọi thì điện bật sáng, một phụ nữ quấn chăn hé cửa thò đầu ra: “Hỏi gì đấy?” - Khi tôi trình bày thì cô ấy mở cửa cho vào.
Căn lều có 4 cái giường, thực ra là những tấm gỗ ghép lại. Không màn và tất nhiên không đệm. Những con người quấn chặt những gì có thể quấn lên người, nằm lăn lóc, cô đơn, buốt lạnh. Có người quấn cả những chiếc chăn đã rách bươm. Người phụ nữ ấy mời tôi ngồi trên tấm phản lạnh ngắt. Tôi hỏi chuyện và ý muốn tặng quà cho cả lều, chị bèn khua mọi người dậy.
Tôi thực sự xúc động và ngạc nhiên khi thấy cả lều đều là phụ nữ. Tôi hỏi, toàn phụ nữ ở thế này các bác không sợ cướp à? Chị Nhuần (tên người phụ nữ mở cửa) cười bảo: Chú xem, chúng tôi có cái gì mà họ cướp? Với cả lều bên cạnh cũng toàn đàn ông nên có gì thì chúng tôi cứ kêu lên, bên kia khắc chạy sang.
Được một lúc, những người phụ nữ khác lục tục kéo nhau sang cái phản nơi chúng tôi ngồi. Chiếc bóng điện vàng vọt, lờ nhờ nhưng đủ để tôi nhận ra những gương mặt khắc khổ, già nua. Cuộc trò chuyện râm ran hơn. Vì được giao đi có vài điểm, nên tôi dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng họ. Và những mảnh đời được họ chân thật kể, lúc đầu còn rụt rè, ngại ngùng, nhưng sau thì họ bộc bạch hết.
Trong số những người phụ nữ lam lũ ấy, già nhất là 77 tuổi, đó là một bà cụ ở Quảng Xương - Thanh Hoá. Cụ tên Lam. Cụ bảo chồng mất sớm, một mình cụ nuôi 4 đứa con, chúng “thau tháu trứng gà trứng vịt”, rồi cũng lớn lên, chẳng đứa nào học hết cấp 3, cũng lại theo mẹ đi bán bóng, đánh giày. Cách đây 10 năm, đứa lớn đi làm phu hồ bị tai nạn lao động mà chết, nhà chủ cũng tử tế cho tiền lo đám ma và đền bù dăm triệu. Bà chẳng kiện tụng đòi bồi thường, vì cũng biết kiện ai, kêu ai, với cả thấy người ta tử tế nên cũng thôi. Hai đứa con gái lấy chồng xa, cũng thuộc diện đói nghèo, cả năm mới về thăm mẹ được một lần. Đứa út bị bệnh “đao”, ngớ ngẩn phải gửi nhờ nhà họ hàng, trả tiền cho họ, nhờ vả mãi người ta mới nhận. Một mình bà lang bạt khắp nơi bán tăm, bán kẹo. Những năm trước, khi chưa về tá túc “xóm” này, bà ngủ lê la ở hè phố, nhà ga.
Từng bị mấy đứa thanh niên cướp tiền. Bà kể mà nước mắt nghẹn ngào, “sao chúng nó không tha cho cả người nghèo kiết xác như bà hả cháu”? Bà hỏi, tôi cũng không trả lời được, cổ nghẹn đắng lại. Bà nói, làm cả tháng mới được vài trăm ngàn, cứ 3 tháng một lần bà bắt xe về quê, trả tiền người ta và cũng đưa tiền để họ mua thức ăn nuôi con hộ mình. Bà kể trong nước mắt, con tôi bị bệnh “đao”, nó lại là con gái, tôi vừa lo kiếm tiền hàng ngày ở đây, vừa lo nó ở quê lỡ có thằng nào hãm hại thì tôi chết, ở quê đã từng có đứa “đao” bị kẻ xấu hãm hiếp có chửa rồi phải đẻ. Nên nhiều đêm, cứ mỗi lần nằm lên cái phản này, tôi lại không ngủ được, chẳng phải vì lạnh, mà là vì thương và lo cho con. Đẻ con gái ra, lại bệnh tật thế, khổ lắm cháu ạ.
Tôi nói vài lời gọi là động viên cụ thôi, bởi tôi biết, những lời ấy chỉ như gió thoảng mây bay, cụ sẽ vẫn phải tiếp diễn những tháng ngày cơ cực của đời người. Chúng tôi lấy chăn, màn, áo rét và thuốc men ra tặng cả lều, riêng bà cụ, tôi rút ví cho bà ít tiền, sau đó sang tặng cho cánh đàn ông lều bên cạnh. Rồi tạm biệt họ, nổ máy chạy đi điểm khác. Qua đường Trần Khát Chân, chúng tôi đi vào ngõ Lương Yên. Đêm càng khuya, trời càng lạnh. Điện thoại reo, cậu trưởng nhóm đi phía Tây Hà Nội bảo, anh ơi muộn rồi, em bảo hoa hậu Kỳ Duyên về trước nhé. Tôi dặn dò: Ừ, nhớ cảm ơn hoa hậu Kỳ Duyên vì sự nhiệt tình, nhưng vì đêm quá khuya mà bạn ấy lại là con gái, nên động viên cô ấy về nghỉ sớm!
Bé Duy Linh hát ca khúc Mẹ (Phú Quang) trong vòng Giấu mặt Giọng hát Việt nhí 2016
Tắt điện thoại, xe tôi quặt vào con ngõ khá tối, vắng teo. Đi một hồi thấy bóng người đang hí húi nhặt đồ trong một căn nhà đang phá dở, ngổn ngang gạch vỡ. Chúng tôi đỗ xe từ xa, đi bộ lại. Người phụ nữ ngừng tay đứng nhìn chúng tôi đầy vẻ cảnh giác. Tôi chào từ xa và nói rõ lý do rồi mới tiến đến gần. Hỏi thăm vài câu, cô bảo năm nay 65 tuổi, nhà chỉ có hai mẹ con, cô là thương binh chiến tranh biên giới 1979, nhưng gia cảnh nghèo khó, không chồng nên càng khổ. Cô phải đi nhặt ve chai kiếm sống. Vất vả đêm hôm nhưng cô không hề kêu ca vì có niềm vui duy nhất, là đứa con trai đang học đại học ở Thái Nguyên. “Nó ngoan lắm, rất thương mẹ và luôn bắt tôi phải giữ sức khoẻ. Nó không cho tôi đi làm đêm đâu. Nhưng sắp đến 20/11, tôi muốn kiếm thêm cho cháu ít tiền để nó còn đi thày cô, nên tôi giấu nó, lén đi làm mấy đêm nay, may cũng kiếm được thêm chút ít”. Tôi tặng cô cái áo phao còn mới, một đôi găng tay và cái khăn len to sụ, cũ kỹ nhưng vẫn dùng tốt. Tôi quay lại xe, mở bao tải, chọn được một chiếc áo len nam gần như mới nguyên, màu đỏ rồi mang đến bảo cô cất đi hôm nào con trai về thì tặng nó. Cô nhận áo xúc động cảm ơn, chúng tôi bảo, không có gì cô ạ, chỉ là chúng cháu muốn chia sẻ với cô thôi. Rồi lên xe đi tiếp.
Đêm ấy, và đêm sau nữa, chúng tôi vẫn rong ruổi trên những con đường Hà Nội. Những bà mẹ quê lang thang trong đêm bán kẹo, bán tăm ở những quán xá đông đúc. Và sau 12 giờ đêm, khi phố phường đã chìm vào giấc ngủ, họ lại tấp vào một con ngõ tối nào đó, rải ni lông ra, quấn lên người tất cả những gì có thể quấn được, và say giấc. Chúng tôi tặng họ những chiếc chăn, áo cũ. Có người thậm chí còn không thức dậy, vì họ đã phải trải qua một ngày quá mệt mỏi nên thiếp đi rất nhanh.
Xong việc tôi về nhà, leo lên giường ngủ. Hình ảnh mẹ tôi mấy chục năm trước lại dội về trong ký ức. Tôi nhớ những đêm mùa Đông buốt lạnh như thế này, mẹ tôi ngồi kì cạch xe từng nén hương đến tận đêm khuya. Rồi rạng sáng đã phải dậy để ra đồng cày cuốc. Nhớ những chiều mưa giông sấm sét ngang trời, mẹ quày quả đôi quang gánh, xiêu vẹo trên con đường làng đất đỏ nhão nhoét trơn trượt,… Giờ mẹ đã già, đã qua thời vất vả, nhưng ngoài 80 mẹ vẫn làm vườn, trồng rau, nuôi gà - vẫn là một phụ nữ nông dân cả đời gắn với đồng đất, cây cỏ quê hương.
Bất chợt nhớ đến những bà mẹ già lang thang trên phố. Thấy lòng se sắt. Rồi tháng Bảy Vu Lan, họ chắc chắn chẳng bao giờ được ai đó cài hoa lên áo. Chỉ mong những người con của họ, hãy nhớ rằng, bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng, an toàn hay hiểm nguy,… người mẹ luôn làm tất cả, thậm chí hi sinh cả bản thân để nuôi nấng, che chở cho những đứa con của mình.
Chỉ có thể là Mẹ!
Bé Trần Ngọc Duy hát ca khúc Gặp mẹ trong mơ - Vòng giấu mặt Giọng hát Việt nhí 2013