Trận chung kết U23 kết thúc 3 ngày rồi mà bữa cơm chiều qua mẹ tôi vẫn chắt lưỡi “Tiếc quá con nhỉ, chỉ còn có 2 phút”. 80 rồi nhưng cụ vẫn minh mẫn, suốt tuần qua ngày nào cũng oang oang với hàng xóm “Bùi Tiến Dũng là đồng hương Thanh Hóa với tôi đấy!”. Trưa 27/1, bà nhắc tôi 3,4 lần nhớ về trước 15h coi bóng đá với mẹ.
Không nhớ hết nhưng bà vẫn đọc vanh vách tên khoảng chục chàng trai thường xuyên đá chính, hay xuất hiện trước mặt mình trên TV. Có lúc vui, tôi cho mẹ xem clip cụ bà ngoài Hà Nội gõ mâm cật lực sau trận bán kết và hỏi: “Nếu U23 VN vô địch, mẹ có dám làm thế không?”. Bà đáp ngay “sao lai không, mẹ sẽ nói thằng Huy (cháu nội) chở ra ngoài đường phất cờ hô vang”!
Mấy bác hàng xóm, trẻ cũng 75 già gần 85 bữa nào U23 ra sân lại í ới gọi nhau như thanh niên trong xóm. Có chị con một bác gần nhà dặn tôi mua thêm thuốc trợ tim cho mẹ vì nghe các cụ hét khí thế quá, sợ căng thẳng như mấy trận cuối mấy trái tim dùng đã lâu chịu không nổi. Tôi cũng can nhưng mẹ tôi gạt đi: “Đến khi chết chắc đây cũng là dịp cuối, anh cứ để tôi vui”.
Xong trận chung kết, vợ anh Quảng bán hủ tíu gõ đầu đường thở phào. “Bữa U23 thắng Qatar, ông gào thét, lăn lộn ngay lề đường như con nít, ai tới ăn cũng kêu thôi mừng tụi nhỏ khỏi trả tiền, làm lỗ hơn 300.000 đồng. Việt Nam vô địch chắc ông đãi hết nồi rồi nghỉ ăn mừng cả tuần đó chú”. Nghe vợ cằn nhằn, anh Quảng cười: “Đá vậy mấy chục năm chưa thấy chớ hủ tíu ngày nào không bán mà lo. Tụi nhỏ mà thắng một chớ ba nồi tui cũng đãi ăn mừng”.
Những ngày ấy anh Quảng mặc áo đỏ, quấn thêm lá cờ và hai má cũng hai trái tim màu đỏ ở giữa có sao vàng. Anh định sơn màu đỏ cả xe hủ tíu nhưng vợ anh bảo: “mới gửi tiền về cho ba má sửa nhà ăn Tết chớ không ổng làm rồi”.
Những người như anh Quảng, tôi gặp rất nhiều suốt hai tuần qua. Trên phố, ngoài đường, trong hẻm, ở quán cà phê, trong bàn tiệc, dưới công trường xây dựng gần nhà. Tôi thấy cờ đỏ trên xe lu đang làm đường, dính trên mặt cô gái bán cà phê take away, tung bay theo bánh taxi các nẻo đường, phần phật trong gió bên từng dãy phố… Gần hai tuần qua, màu đỏ trải dài trên phố, lan vào từng ngõ ngách, nhuộm kín các nơi công cộng và ngập tràn cả trên sân Thường Châu, Trung Quốc.
Có lẽ tôi phải nhắc lại câu chuyên của Vũ Dũng, nam sinh trường PTTH Gia Định ở Bình Thạnh TP HCM: Tan học, Dũng - cậu nam sinh lớp 11 đạp xe về nhà. Nhìn thấy người bán cờ trên đường, cậu quyết định ghé mua một lá. Hôm ấy, U23 Việt Nam vượt qua Qatar để tiến vào trận chung kết.
Người bán cờ cho biết giá của mỗi lá cờ là 50.000 đồng, không đủ tiền nên Dũng quay xe ra. Ngay lúc này, người phụ nữ đứng cạnh đó bảo, “bán cho thằng bé đi, tôi trả tiền”. Dũng cảm ơn và chúc người lạ một tối vui. Với lá cờ trên tay, Dũng thong dong đạp xe qua các tuyến đường. Con tôi cũng kể tối ấy cháu theo bạn đi bán cờ, vui quá nhiều người lấy luôn vài ba lá mà không chờ trả lại, cháu nhắc có người bảo thôi khỏi.
Hôm chung kết, tôi lọt thỏm giữa hàng ngàn người trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Dòng người đỏ rực trải dài gần 1km. Tất cả đều hướng về màn hình, trên ấy có những chàng trai không chỉ đá vì họ mà lăn xả cả vì chúng tôi dưới này và hàng chục triệu đồng bào khắp các tỉnh thành. Tôi ngồi đấy trong một rừng người toàn màu đỏ, hừng hực khí thế với hai tiếng Việt Nam hầu như không dứt. Tôi sợ một trận thua sẽ chấm hết bao cảm xúc này, một thất bại sẽ đau đớn đến nhường nào và phút 118 định mệnh ấy tôi cũng lặng đi một lúc. Nhưng không, lần đầu tiên, Việt Nam thua chỉ là những cái lắc đầu, giọt nước mắt lăn nhẹ trên khuôn mặt thiếu nữ và nỗi thẫn thờ trên đôi mắt đàn ông mà chẳng nghe thấy tiếng chê bai tuyển thủ nào.
Sáng qua, đi lấy đồ cho vợ trong chợ Thảo Điền ( Q2, TP. HCM), tôi vẫn nghe mấy chị bán vải bàn tán sôi nổi với các anh bỏ mối hàng về trận đấu “coi đã quá mày ạ!”. Nhưng sâu trong khu chợ ấy, còn có mấy hàng thịt “nổi danh” vì tiểu thương bỏ buổi chợ chiều túm tụm xem trận bán kết ngay sạp hàng còn không ít, thắng rồi sướng quá tung thịt lên trời và cầm dao chém thình thịch lên thớt. Có lẽ người trong chợ cường điệu thêm chút nhưng ôm nhau quay cuồng giữa đường, tiện chân đá văng luôn thau bắp vừa nướng, đập bẹp nồi nước lèo vừa bán hết… là những hình ảnh tôi đã thấy suốt đường từ Q.10 về Q.2 sau trận thắng Qatar.
Những người bạn tôi ném cốc bia vào vỉa hè khi Quang Hải ghi bàn, nhảy lên mui chiếc Honda CRV mới tậu lúc Việt Nam thắng quả luân lưu cuối cùng, ôm chầm lấy người lạ bên cạnh quay tròn vì không kiềm được cảm xúc, đột nhiên hú hét con 6 tháng giật mình khóc vang bởi bàn thắng quá đẹp… Và tôi dù là dân “ chém gió chuyên nghiệp” cũng không còn những từ nào để tả lại những cảm giác lâng lâng.
Chiều 28/1, khi tường thuật lễ đón U23 Việt Nam từ Nội Bài về sân bay Hà Nội, tôi nghe một bình luận viên thốt lên “Cuộc diễu hành đáng kinh ngạc như thế này chưa từng xảy ra ở Việt Nam“. Còn mình, tôi chưa bao giờ thấy dòng người như vô tận dài hơn 30 km sục sôi, mong ngóng và cuồng nhiệt như vậy.
Tôi thấy từ trẻ thơ còn bế trên tay bố mẹ, những em bé mới chập chững biết đi cho đến già trẻ trai gái với cả những cụ đang chống gậy và bà bầu sắp đến ngày sinh chật kín hai bên đường. Hôm ấy, Hà Nội như một ngày hội, mặc mưa mặc rét, nhiều người vẫn đứng 3,4 tiếng đồng hồ để chỉ được nhìn thấy, dù thoáng qua những chàng trai tuyệt vời của họ. Bác tôi, người sống ở Hà Nội gần 50 năm bảo rằng bác chưa bao giờ nhìn thấy nhiều cờ Tổ quốc như vậy ở Hà Nội trong suốt nhiều thập niên qua. Nhiều người tôi quen cho biết họ đi cả nhà và đem con ra đường không phải vì hiếu kỳ hay hàng xóm đi mình cũng đi mà muốn hòa mình vào không khí có lẽ rất khó có trong đời. Hơn nữa nói như chị họ tôi thì muốn con mình thấy những chiến binh ấy để có thể học hỏi điều gì đó từ những tuyển thủ đã làm những điều không ai tưởng tượng được trước giải.
Tôi đọc được trên face của một người bạn khi anh viết sau lúc đọc được so sánh của một tờ báo nước ngoài so sánh các cầu thủ U23 với ngôi sao nhạc Rock. Tôi trích, “chẳng có ngôi sao nhạc Rock nào trên thế giới này lại có thể được hàng trăm ngàn người ra chờ đón như vậy đâu? Chỉ có những người hùng U23 Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường mới được chào đón khi trở về quê nhà sau chiến thắng lịch sử của bóng đá Việt Nam thôi các bạn ạ!”.
Những trận đấu và nhất là trận chiến cuối cùng trong tuyết, khi đồng đội cào tuyết để Quang Hải vẽ lên bàn thắng không thể đẹp hơn đã kéo hàng triệu người xích lại gần nhau. Rồi trong buổi chiều 28/1 không thể nào quên ấy lại đưa họ ra khắp các nẻo đường Thủ đô hò reo chào đón những nhà vô địch của mình trở về.
Tôi là người hay chê và nhiều khi phán xét đủ thứ. Tôi cũng đồng ý là sau mỗi chiến thắng rồi ai cũng phải trở về với miếng cơm manh áo nhọc nhằn mưu sinh hàng ngày. Nhưng bảo rằng chúng tôi “lên đồng tập thể” vì bóng đá mà quên mất hiện thực cuộc sống tôi hoàn toàn không đồng ý. Khi cảm xúc dâng trào và niềm vui dâng cao, lúc vỡ òa vì hạnh phúc và sung sướng bởi chiến thắng thì cái gì cấm chúng ta siết tay chung vui và hô vang những niềm tự hào.
Với tôi dù thắng hay thua, với tinh thần quả cảm và lối đá máu lửa, đáng tự hào đó các em vẫn trong lòng người hâm mộ, còn rất lâu rất lâu nữa. Sẽ dối lòng nếu tôi bảo mình không buồn nhưng các em đã đem đến cho chúng tôi quá nhiều niềm vui, cảm xúc và khỏa lấp được bàn thua phút cuối cùng ấy. Cảm ơn các chiến binh U23, những chàng trai kiêu hung trong tuyết. Đối với tôi các em đã là người chiến thắng, là những nhà vô địch của riêng mình.