Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nhọc nhằn mái chèo của nữ lái đò Tràng An

Lái thuyền ở khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) vẫn là công việc mơ ước của nhiều phụ nữ địa phương nhưng cũng ẩn chứa nhiều nỗi vất vả, nhọc nhằn.

Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước lẫn quốc tế. Khách du lịch đến Tràng An thường thuê thuyền ngao du qua các hồ, đầm và hang động nối tiếp nhau để có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của non nước hữu tình nơi đây. 

Lai do Trang An - Linh Le (7)

Đi thuyền tham quan là một hoạt động không thể thiếu của du khách đến với khu du lịch Tràng An. Cảm giác ngồi trên thuyền ngao du sơn thủy đưa du khách đi từ thú vị này đến thú vị khác.

Nhu cầu đi thuyền của du khách ngày càng tăng cao đã khiến cho nghề lái thuyền trở thành một công việc hấp dẫn đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, công việc này cũng lắm nỗi vất vả, nhọc nhằn mà không phải ai cũng biết.

Lai do Trang An - Linh Le

Trong khi du khách thả hồn chiêm ngưỡng cảnh quan xung quanh thì các lái thuyền vẫn âm thầm, cần mẩn với đôi mái chèo nặng trĩu trên tay.

Qua cổng soát vé, du khách sẽ nhìn thấy hàng trăm con thuyền neo đậu dọc bến. Trong lúc vẫn còn bối rối chưa biết sẽ chọn chiếc thuyền nào thì chúng tôi đã được người soát vé hướng dẫn lên chiếc thuyền đậu gần nhất.

Theo quy định của ban quản lý khu du lịch, các lái thuyền sẽ phải xếp hàng chở khách theo thứ tự chứ không được tự ý mời chào hay chèo kéo khách. Ngay cả khi du khách muốn thuê đích danh một lái thuyền nào đó chở mình cũng không được phép. Những người lái thuyền ở đây đa số là những nông dân có công khai hoang đất và bán ruộng vườn của mình cho dự án Tràng An. Có như vậy, họ mới đổi được công việc vất vả này. 

Được biết các lái thuyền Tràng An thường đến xếp hàng từ 5 giờ sáng để chờ đón khách nhưng nhiều khi cả ngày chẳng lái được chuyến nào vì vắng khách hoặc chưa kịp đến lượt mình thì khu du lịch đã đến giờ đóng cửa.

Các lái thuyền Tràng An cho biết họ thường xếp hàng chờ khách tại bến từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều nhưng nhiều khi cả ngày chẳng lái được chuyến nào vì vắng khách, chưa kịp đến lượt mình thì khu du lịch đã đóng cửa.

Lai do Trang An - Linh Le (13)

Khu du lịch Tràng An có khoảng 1.000 chiếc thuyền được đưa vào khai thác du lịch. Việc thuyền nhiều nhưng khách không phải lúc nào cũng đông đã khiến công việc lái thuyền vốn đã vất vả nay lại càng khó khăn hơn.

Một điều lạ là phần lớn các lái thuyền ở Tràng An đều là phụ nữ khá lớn tuổi, mặc dù công việc này tính ra cũng nặng nhọc và đòi hỏi nhiều thể lực. Cô Tâm (50 tuổi), người lái thuyền của chúng tôi là một trong số hàng trăm phụ nữ địa phương làm nghề lái thuyền tại khu du lịch Tràng An. Dáng người nhỏ bé, khắc khổ nhưng tay chèo của cô cứ thoăn thoắt như không hề biết mệt mỏi.

Sợ cô đuối sức, chúng tôi nhiều lần đề nghị cô dừng lại nghỉ tay một chút nhưng cô từ chối vì quãng đường tham quan còn dài nên phải tranh thủ trước khi trời sập tối. Thật khó có thể tin được rằng người phụ nữ nhỏ bé này đã lái thuyền chở 6 thanh niên chúng tôi đi suốt 4 km đường thủy, qua 9 hang động và chỉ dừng lại nghỉ đúng một lần khi chúng tôi leo lên núi tham quan đền Trần. 

Cô Tâm giải thích: "Đàn ông và thanh niên vùng này không lên thành phố đi làm thì cũng ở nhà làm nông hoặc những công việc khác nặng nhọc hơn. Phụ nữ được lái thuyền trong khu du lịch đã là may mắn lớn vì công việc không khó, không đòi hỏi trình độ mà thu nhập lại khá hơn làm nông".

Cô Tâm giải thích: “Đàn ông và thanh niên vùng này không lên thành phố đi làm thì cũng ở nhà làm nông hoặc những công việc khác nặng nhọc hơn. Phụ nữ được lái thuyền trong khu du lịch đã là may mắn lớn vì công việc không khó, không đòi hỏi trình độ mà thu nhập lại khá hơn làm nông”.

Ngay cả những lái thuyền nam khỏe mạnh cũng có lúc đuối sức nên phải chèo bằng… chân.

Những thanh niên khỏe mạnh, kể cả người nước ngoài thử chèo thuyền một chốc cũng đã mỏi tay. Trong khi đó, những người lái thuyền ở đây lúc nào cũng tay chèo thoăn thoắt vững tay chèo như không hề biết mệt mỏi trong suốt hành trình.

Hay những thanh niên khỏe mạnh, kể cả người nước ngoài thử chèo thuyền vài phút cũng đã cảm thấy mỏi tay. Vậy mới thấy rằng công việc trông có vẻ đơn giản và nhẹ nhàng này thực ra nặng nhọc và vất vả ra sao.

Nhìn những người phụ nữ lớn tuổi phải gồng mình điều khiển con thuyền vừa to vừa nặng giữa dòng nước mênh mông và những hang động hiểm trở, chúng tôi không khỏi vừa xót xa vừa cảm phục và thắc mắc không biết họ đã lấy sức mạnh từ đâu để có thể làm được một điều phi thường như vậy. 

“Ngày nào về, cô cũng đau nhức tay, vai và lưng đến mức tưởng sáng mai không thể đi làm được nữa nhưng rồi nghĩ đến việc kiếm tiền lo cho các con ăn học nên người, cô lại có thêm động lực để tiếp tục cái nghề vất vả này. Mình không có tiền, không có ruộng đất để làm nông thì còn biết làm gì nếu không đi lái thuyền như thế này”, một cô lái thuyền khác trải lòng. 

Không ngừng tay chèo, cô kể tiếp: “Nói là thu nhập khá nhưng cũng phải vào mùa du lịch cao điểm thì họa may mới đủ sống. Gặp mùa vắng khách, lái thuyền vẫn phải tranh thủ vừa lái thuyền vừa làm thêm cái này cái kia mới có thể trang trải cho cuộc sống gia đình.”

Lái thuyền ở Tràng An không chỉ đòi hỏi thể lực vì quãng đường xa mà còn yêu cầu sự khéo léo khi phải chèo lái thuyền đi qua những hang động với kết cấu và địa hình hiểm trở.

Lái thuyền ở Tràng An không chỉ đòi hỏi thể lực vì quãng đường xa mà còn yêu cầu sự khéo léo để chèo chống chiếc thuyền, đặc biệt khi đi vào những hang động vừa tối vừa thấp và hẹp với rải rác vô số những thạch nhũ xung quanh có thể làm khách trên thuyền bị thương nếu không chú ý cẩn thận.

Ngoài việc vất vả, công việc lái thuyền ở Tràng An còn mang rất nhiều nguy hiểm, một cô lái thuyền lâu năm chia sẻ: “Ở đây coi vậy chứ người Việt mình thương hơn, họ hay cho thêm tiền chứ người nước ngoài không phải ai cũng cho thêm đâu. Ai mà “câu kéo” thêm tiền của khách hay làm gì để họ phản ánh là bị phạt ngay nên chúng tôi ai cũng sợ. Nhiều khi gặp mấy ông khách Tây say xỉn, các ông ấy vừa nặng vừa nghịch phá. Dù được mình cảnh báo nhưng vẫn có trường hợp khách Tây say sỉn làm lật thuyền khiến người lái thuyền bị phạt vì không bảo đảm an toàn cho du khách. Rồi có ông thì “dê”, thuyền vào động thì giở trò với lái thuyền, bị phản kháng thì hung dữ chửi bới… Nói chung là để kiếm sống có trăm ngàn cái khổ cô chú ơi…”

Lai do Trang An - Linh Le (10)

Những mái chèo ở Tràng An không chỉ trĩu nặng vì lực đẩy của nước hay trọng lượng của các hành khách trên thuyền mà còn vì gánh nặng mưu sinh của những người lái thuyền.

Từ lời kể của họ, chúng tôi bèn thử nhẩm tính bài toán thu nhập của những người lái thuyền ở Tràng An. Giá vé tham quan là 150.000 đồng/người và thuyền thường chở khoảng 4-6 người. Theo bật mí của một số lái thuyền ở đây thì họ được ban quản lý trả 10% trên tổng số tiền thu được trên một chuyến. Như vậy, tính ra thu nhập chính thức của các lái thuyền ở đây thực sự không cao, chưa đến 100.000 đồng/ngày. Chưa kể những trường hợp ngồi chờ cả ngày nhưng vẫn không được đi chuyến nào như đã kể trên.

Lai do Trang An - Linh Le (4)

Thu nhập chính thức không cao nên các lái thuyền thường trông chờ vào tiền boa của khách, dao động từ vài chục đến một trăm nghìn đồng cho mỗi chuyến. Nhưng tất nhiên không phải chuyến nào lái thuyền cũng được boa, bởi nhiều du khách không sẵn lòng chi thêm sau khi đã phải trả một khoản tiền khá cao để mua vé vào cửa.

Thuyền đưa chúng tôi về bến khi hoàng hôn đang dần buông xuống sau những vách núi đá cao. Trước khi xuống thuyền, chúng tôi dúi vào tay cô lái thuyền một ít “tiền bồi dưỡng”. Nụ cười ngượng ngùng không đủ để che lấp đi vẻ mệt mỏi in hằn trên gương mặt của người phụ nữ ấy. Chúng tôi chỉ thầm mong sao tối nay cô sẽ không bị những cơn đau nhức hành hạ.

Lai do Trang An - Linh Le (11)

Những lái thuyền vừa chở khách về bến vội vã dọn dẹp, neo đậu thuyền để kịp về nhà trước bữa cơm tối bên gia đình. Đâu có cũng có những gương mặt thoáng buồn vì cả ngày không đi được chuyến nào.

Rời Tràng An với những cảm xúc ngổn ngang trong lòng, vừa ngây ngất trong cơn say vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây vừa trĩu lòng với nỗi nhọc nhằn của những con người khốn khó vừa gặp gỡ. Hình ảnh hàng trăm chiếc thuyền neo đậu san sát nhau lênh đênh trên mặt nước buổi tan tầm khiến chúng tôi không khỏi liên tưởng đến hoàn cảnh bấp bênh của bấy nhiêu con người ngày ngày mỏi mòn ngồi đợi khách trên những chiếc thuyền ấy. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất