Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời cuộc

Suốt 3 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư, thầy Cương vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan và yêu sống

Suốt 3 năm chịu đầy đớn đau, nước mắt nhưng thầy Cương luôn thể hiện tinh thần lạc quan, lòng yêu thương cuộc sống cùng một trái tim bình thản chiến đấu với cơn bạo bệnh đến những giờ phút cuối cùng.

Cơn ác mộng ung thư giai đoạn cuối và cú vượt ngoạn mục 

Ngày 1/7/2014, khi đi khám lại khối u xơ tiền liệt tuyến, PGS Văn Như Cương tình cờ phát hiện mình mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Các bác sĩ nói rằng, bệnh của thầy đã bước vào giai đoạn rất nguy hiểm, rất có thể chỉ sống từ 3-5 tháng.

Lúc đó, thầy Cương 78 tuổi nhưng công việc và trách nhiệm ở trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh vẫn còn rất nặng nề. Còn bao nhiêu điều thầy muốn làm vì học sinh nhưng liệu, bạo bệnh ung thư gan có buông tha?.

Chia sẻ về tình hình bệnh tình của thầy Cương hồi năm 2014.

Ở vào tuổi cao sức yếu như vậy, thân hình lại gầy gò, trước tin dữ đối mặt với bệnh hiểm nghèo, ai cũng cảm thấy lo lắng thay cho thầy. Chính bản thân thầy Cương và gia đình cũng rất sốc nhưng rồi mọi người đều đồng lòng, nhanh chóng vực dậy tinh thần để lao vào công cuộc tìm ra một phương cách nào đó để giúp thầy trị bệnh.

Các bác sĩ tại bệnh viện Việt Đức đã thắt nút 5 tĩnh mạch nuôi dưỡng khối u, truyền dinh dưỡng và kháng sinh nhưng lại không dùng bất cứ loại thuốc nào đặc trị bệnh ung thư. Lo lắng cho sức khỏe của thầy, người nhà PGS đi khắp nơi hỏi han và kết hợp điều trị Đông - Tây y.

Ngoài uống thuốc Đông y, thầy Cương còn sử dụng các bài thuốc như nấm lim xanh pha trà, điều chỉnh chế độ ăn uống… Và cứ như thế, người thầy giáo đã vượt qua giai đoạn 3-5 tháng.

Bằng tinh thần lạc quan, thầy Cương đã chiến thắng căn bệnh ung thư gan.

Những lần trở bệnh và xuyên suốt quãng thời gian 3 năm là một nghị lực sống hơn người

Bệnh ung thư được đẩy lùi và dần dần trong những lần tái khám sau, khối u gần như biến mất, không còn dấu hiệu di căn. Tất nhiên ở vào giai đoạn đó, sức khỏe thầy Cương vẫn rất yếu. Vậy mà thầy vẫn luôn cố gắng làm việc. “Mọi chuyện sinh hoạt tôi vẫn tự làm. Công việc ở trường vẫn duy trì đều đặn và giải quyết ổn thỏa” - thầy Cương từng chia sẻ với báo chí.

Ngày 4/9/2014, trường Lương Thế Vinh tổ chức lễ khai giảng khi thày nằm viện vì vừa mổ nội soi thắt nút tĩnh mạch được vài ngày. Không màng tới sức khỏe của bản thân, PGS một mực đòi xuất viện để tham dự lễ khai trường.

Hình ảnh thầy Cương ngày hôm đó, bài diễn văn khai giảng mà thầy đã đọc, chắc chắn sẽ còn khiến bao thế hệ học sinh trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh nhớ mãi. Chính thầy - một người khi ấy vẫn chưa hoàn toàn bước qua vực nguy hiểm của bệnh tật, đã cố công, dùng cả tinh thần, trái tim và khối óc của mình truyền cảm hứng đến học sinh.

Thầy Cương đánh trống khai trường.

Thầy Cương thường nói, trong tất cả mọi việc, tinh thần là yếu tố rất quan trọng. Chúng ta sẽ chỉ chiến đấu, vượt thoát mối nguy của bệnh tật nếu chúng ta có lòng tin là mình sẽ thắng và đối với học sinh cũng thế, họ sẽ chỉ học giỏi, thành tài khi có niềm tin vào chính mình.

Trong suốt cuộc đời và trong suốt chặng đương chiến đấu với bạo bệnh ung thư, chưa có lúc nào thầy Cương quên đi nhiệm vụ phải lan tỏa tinh thần sống tích cực đến cộng đồng. Bản thân thầy cũng đã sống bằng tất cả sự khiêm nhường và lạc quan như thế.

Vào lúc bệnh nặng, sức khỏe lâm nguy nhưng thầy Cương vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Thầy nói rằng, gần 3 năm qua, đây là phương cách hiệu quả nhất giúp mình “đi đường dài” cùng bệnh ung thư gan.

Ngày 21/2 vừa qua, thầy Cương ngã bệnh trở lại. Lần này, sức khỏe thầy yếu đi nhiều. Ai cũng biết, ung thư không thể chữa khỏi. Bản thân thầy Cương cũng hiểu nhưng không vì thế mà mất đi niềm tin vào cuộc sống. Những bức ảnh chụp thầy trên giường bệnh, dù mệt mỏi, gương mặt vẫn sáng lên với nụ cười hiền hậu cũng đã đủ chứng minh tất cả triết lý sống lạc quan.

Trong những ngày tháng ấy, con gái thầy, cô giáo Văn Thùy Dương thường đến thăm và đọc kinh vô thường cho thầy nghe. Thầy Cương nói, sống trên đời, sinh lão, bệnh tử là điều bình thường. Ai nghiệm ra điều đó thì đều có thể đối mặt với mọi khó khăn, nguy hiểm, thậm chí cả cái chết bằng một tâm thế rất an nhiên.

Thầy Cương được học sinh Lương thế Vinh ví như ông tiên tóc bạc.

Cũng chính trong khoảng thời gian này, học sinh trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đã làm một việc khiến người dân cả nước không khỏi xúc động. Hơn 3.000 học sinh đã hát đồng thanh động viên thầy. Ở tất cả các cơ sở, 19.000 hạc giấy đã được gấp xếp chỉ dành cho một điều ước nhỏ bé, đó là mong thầy Cương khỏe lại. Không chỉ ở Hà Nội, phong trào ấy còn lan rộng đến tận Thanh Hóa.

Mỗi ngày, cô Thùy Dương được rất nhiều tin nhắn động viên thầy xúc động đến rơi nước mắt. Nhiều tin nhắn là của học sinh Lương Thế Vinh nhưng còn rất nhiều tin khác đến từ phụ huynh và các em không học trong trường, thậm chí có lẽ chỉ biết đến thầy qua báo, đài mà thôi.

Hàng nghìn học sinh hát đồng thanh.

Và cũng có hàng nghìn học sinh gấp 19.000 hạc giấy tặng thầy.

Tất cả chỉ vì nguyện ước mong thầy Cương khỏe lại.

Hơn cả tình yêu dành cho thầy, những gì học sinh Lương Thế Vinh làm đang khởi xướng nên làn sóng lan tỏa yêu thương. Đó cũng là minh chứng cho tấm lòng yêu thương học sinh và nhân cách sống cao đẹp của thầy Cương đã chạm sâu đến trái tim mọi người như thế nào. Cả đời thầy, đã sống không còn điều gì đáng chê trách. Và thầy đã sống để cho đi và cho dù ở tâm thế của một bệnh nhân hay của một người thầy vẫn luôn luôn là người mở đường cho những tư tưởng sống tích cực nhất, giản dị và chân thành nhất.

Ngày hôm nay (9/10), thầy Cương đã ra đi mãi mãi. Từ nay trường THPT dân lập Lương Thế vinh vắng đi người thầy giỏi tận tâm, nền giáo dục nước nhà vắng đi một người đã có nhiều công lao, bệnh nhân K thiếu một người truyền cảm hứng sống cho họ… nhưng chắc chắn, trong lòng rất nhiều người, hình ảnh thầy Cương vẫn còn sống mãi.

Người ta hay nói, cái chết chỉ thật sự đến khi hình ảnh bạn, mãi mãi biến mất trong tâm trí người khác. Nếu thế thì phải chăng, cái chết về thể xác không phải là giới hạn cuối cùng. Chúng ta còn yêu thầy Cương, có nghĩa là thầy vẫn còn ở đây, ngay trong cuộc sống của bạn với những câu nói, chuyện kể sẽ mãi còn được nhắc lại, gọi tên.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vương Phi

Được quan tâm

Tin mới nhất