Gần trưa 9/10, nghe tin thầy Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 sau 3 năm chống chọi với bệnh tật, nhiều học sinh, thầy cô giáo trường THPT Lương Thế Vinh ai nấy đều đau lòng và bị sốc. Bên ngoài cổng trường, nhiều người lớn tuổi là đồng hương, giáo viên cũ từng công tác tại ngôi trường này hay cựu học sinh sau nhiều năm ra trường nghe tin thầy Cương mất cũng vội đến để hỏi han thông tin, gửi lời chia buồn cùng gia đình.
Clip: Cựu học sinh chia sẻ về kỉ niệm với thầy Cương. Thực hiện: Định Nguyễn.
“Thầy Văn Như Cương là người tài giỏi và đức độ về nhiều mặt”
Dù sức khỏe yếu, nhưng nghe tin thầy Văn Như Cương qua đời, ông Phạm Ngọc Toại (76 tuổi, cựu giáo viên trường Lương Thế Vinh) đã vội vã lên đường trở về trường. Ông Toại được học trò cũ là chị Lê Thùy Dương (cựu học sinh khóa 10) chở xe máy đến. Đôi bàn chân run run đứng không vững, ông Toại cho biết, sáng nay, khi nghe thông tin, ông và nhiều người, những thế hệ giáo viên, học trò từng học và giảng dạy tại ngôi trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, ai ai cũng đau xót.
“Dù yếu nhưng tôi muốn đến để xem tình hình về thầy”, ông Toại nói. Ông Toại kể mình từng là giáo viên công tác, giảng dạy tại trường Lương Thế Vinh 19 năm. Mãi đến khi sức khỏe yếu, ông nghỉ ở nhà dưỡng bệnh. Nói về thầy Văn Như Cương, ông Toại chia sẻ rằng mình rất cảm phục và quý mến sự đức độ của thầy.
“Thầy Văn Như Cương là người rất tài giỏi về nhiều mặt. Tính cách của thầy cũng khiến các thế hệ học trò và giáo viên yêu mến. Tôi đây, quen biết với thầy bao nhiêu năm, thuở trước thầy thường ra câu đối còn tôi là người giải đáp, tuy nhiên, nhiều câu đối của thầy tôi không giải đáp được”, ông Toại kể lại.
Theo ông Toại, khi mới thành lập trường, thầy Văn Như Cương luôn định hướng xây dựng nhà trường, rèn giũa học sinh rất nghiêm khắc, những điều đó rất tốt cho học sinh. Dù trên bục giảng, thầy Cương là người nguyên tắc nhưng ông lại rất quan tâm đến các em, luôn lắng nghe ý kiến góp ý của học trò để xây dựng trường hoàn thiện, dẫn tốp đầu về học sinh đỗ đạt kết quả cao trong các kỳ thi đại học.
“Sự ra đi của thầy là một mất mát lớn đối với không chỉ riêng trường Lương Thế Vinh mà còn có cả nhiều thế hệ học trò, giáo viên và những người yêu mến thầy. Chúng tôi sẽ luôn mãi nhớ về thầy. Trong suốt quá trình được giảng dạy cùng thầy, tôi luôn nhớ mãi câu thầy nói: “Tất cả giáo viên trường Lương Thế Vinh là nhà giáo dân nuôi”, ông Toại nói thêm.
Nghe tin thầy Văn Như Cương qua đời, ông Dương Danh Tấn cùng một số đồng hương ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng đã đến trường để hỏi thăm, chia buồn với gia đình thầy. Nói về thầy Cương, ông Tấn cho biết, nhà ông ở quê thuở nhỏ nằm ngay đối diện nhà thầy Cương và cũng là học trò của bố đẻ thầy Cương.
“Nhà thầy Cương có truyền thống là giáo viên, từ bố đẻ của thầy rồi đến thầy và các con cháu thầy. Bố thầy rất hiền lành và đức độ nên phần nào tính cách của thầy giống cha. Dù thầy trên tuổi tôi nhưng anh em biết nhau nhiều năm và thường xuyên hỏi thăm nhau. Nghe tin thầy mất tôi đến đây vào gặp người thân của thầy để chia sẻ”, ông Tấn nói.
Người thầy cả đời luôn lắng nghe học sinh
Nhớ về thầy Như Cương, chị Lê Thùy Dương (Cựu học sinh khóa 10) kể rằng, dù ra trường rất nhiều năm nhưng chị cùng nhiều học sinh trong lớp vẫn thường xuyên quay về trường những dịp ngày lễ, Tết.
“Hôm trước mấy đứa chúng tôi qua bệnh viện thăm thầy, thầy vẫn nói chuyện rất vui vẻ. Sáng nay, nghe tin thầy mất, tôi xin nghỉ việc ở ngân hàng để qua đây chia sẻ với gia đình thầy. Nhiều bạn vì công việc nên cũng chưa qua luôn được. Hy vọng dịp này cựu học sinh về với thầy và các thế hệ học trò luôn giữ được truyền thống, thương hiệu Lương Thế Vinh”, chị Thùy Dương chia sẻ.
Nói đến đây, đôi mắt chị Dương rưng rưng lệ. Chị kể rằng, trong 3 năm học, chị có vô vàn kỷ niệm nhưng có 3 kỷ niệm mà suốt đời chị không quên.
“Tôi nhớ hồi mới là học bước vào trường, tôi có đứng lên phát biểu rằng tại sao trường có tiểu sử về thầy Văn Như Cương mà trường Lương Thế Vinh, nổi tiếng như thế lại không có tiểu sử. Lúc ấy, cả trường cười, thầy Cương cũng cười và thông cảm. Ngay sau đó 1 tuần, nhà trường đã phát tiểu sử về trường.
Lần thứ 2 đó là dịp Đại hội Đoàn, tôi có ước mơ trường sẽ có hội trường lớn để không phải đi thuê địa điểm tổ chức đại hội Đoàn hay các hoạt động khác thì thầy bảo rằng, cảm ơn em Dương. Nửa năm sau, tại điểm trường ở Cầu Giấy là tiền thân của trường Lương Thế Vinh bây giờ có ngôi trường rất xinh xắn, có phòng hội trường rất đẹp, tổ chức được Đại hội đoàn, các hoạt động tập thể.
Lần thứ 3, thầy hỏi chúng tôi rằng nên lấy câu nói ‘Có chí thì nên’ hay ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để làm câu châm ngôn của trường thì học sinh chúng tôi chia sẻ là thích câu ‘Có chí thì nên’ hơn. Sau đó, thầy Cương đã lấy câu nói đó làm châm ngôn cho trường”. Theo chị Thùy Dương, thầy Văn Như Cương là người thầy đức độ, luôn lắng nghe ý kiến học trò.
Lễ viếng thầy Văn Như Cương được cử hành từ 10h30 đến 12h30 ngày 12/10/2017 (ngày 23/8 âm lịch) tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, Số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 12h30 cùng ngày. An táng tại đài hoá thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển.