Coi nhau như đã chết?
Chúng tôi gặp bà H.T.G trong một buổi chiều tháng 8, tại nhà riêng của bà cạnh sườn đồi nghiêng nghiêng ở xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ).
Nơi đây vừa chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, xung quanh hoa màu chìm trong bùn đất, nước lũ tràn qua ruộng ngập ngang đầu gối.
Men theo bờ ruộng tới đỉnh dốc, tới nhà G., hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là một người đàn bà tuổi ngoài 60, gương mặt gầy gò, ốm yếu, miệng cười như mếu đón những vị khách “lạ kỳ”.
Nghe bà kể, chúng tôi mới biết, trước đây bà vốn được biết là một người phụ nữ khá chăm chỉ, cả ngày chỉ biết tới đồng ruộng, tối về lại quây quần bên con cháu. Trong ngõ ngách của làng xóm, mọi người vẫn coi bà là người khéo tay, người phụ nữ yêu chồng, chăm con.
Thi thoảng, căn nhà nhỏ của bà lại là nơi hàng xóm láng giềng tập trung nói chuyện tâm sự chuyện làng, chuyện xã hay chuyện hoa màu rất vui vẻ.
Tuy nhiên, từ sau khi biết tin bà bị mắc bệnh, họ không còn sang đó nữa, căn nhà trở nên u ám hẳn, không còn tiếng cười nói đùa vui như vốn có. Thay vào đó là tâm lý sợ hãi, lo lắng và tủi hổ.
“Trước đây, khi làng xóm có cỗ, cưới xin, nếu ông nhà tôi không đi được thì tôi đi. Giờ thì không được nữa rồi, mình không dám ngồi gần, ăn cùng mâm, uống cùng cốc và nói chuyện cùng ai. Người ta sợ bị lây HIV. Tất cả xa lánh dần với tôi - nghĩ mà càng tủi”, bà G. lau vội dòng nước mắt trên má, vừa khóc vừa kể lại.
Thương cho số phận của mẹ mình, chị H.T.P. - con gái bà G. cũng cho biết thêm, từ khi biết tin bị bệnh, bà G. cũng chủ động ăn riêng và dùng các dụng cụ vệ sinh riêng. Nhưng tôi biết là mẹ buồn nhiều, mọi thứ như đóng sập lại.
“Ngày xưa vui đùa bên các cháu, giờ nào còn dám âu yếm ai”, chị P. nói.
Tương tự như trường hợp của bà G là chị P.T.Đ, hoàn cảnh của chị có phần đáng thương hơn khi cô con gái nhỏ chưa đầy 18 tháng tuổi của hai vợ chồng chị chẳng hiểu vì lý do gì mà bỗng dưng nhiễm HIV.
Thương cho tương lai và số phận của con, chị đành phải giấu làng xóm và mọi người.
“Biết sao bây giờ hả chú, tôi biết nhiều trường hợp có khi họ còn coi nhau như đã chết huống gì một đứa bé. Cầm tờ kết quả trên tay, tôi rơi nước mắt, thương con còn nhỏ mắc bệnh.
Rồi tương lai cháu sẽ đi về đâu. Giờ đây, tôi chỉ biết chăm sóc và cho cháu uống thuốc đều đặn để hy vọng một phép màu… nhưng, chắc khó lắm”, người mẹ nói trong dòng nước mắt.
Vâng đó là câu chuyện ám ảnh chúng tôi chuyến hành trình về xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ tìm hiểu viết bài về những nạn nhân của HIV - nhiều người bỗng nhiên dương tính với HIV chưa rõ nguyên nhân.
Đè lên người họ - những người dân chân lấm tay bùn không chỉ là nỗi lo cuộc sống, cơm áo gạo tiền, lo chữa bệnh, mà giờ đây, họ phải tìm cách trốn tránh sự kỳ thị anh em, bạn bè và hàng xóm của mình - những người xưa kia họ vẫn coi nhau như ruột thịt.
Sự kỳ thị, vô cảm đến đáng sợ
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nói: “Sự kỳ thị với những người nhiễm HIV lâu nay vẫn là một chuyện rất lớn, bởi vậy mà việc này trở thành rào cản trong công tác kìm hãm sự lây lan mầm bệnh. Đáng chú ý rằng, khi mầm bệnh đã lẩn tránh thì rất khó xác định để khoanh vùng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, mầm bệnh nếu không được phát hiện và bao vây sẽ không thể dập tắt được. Cho nên, mới hình thành những nguyên tắc bảo mật thông tin cho người nhiễm để họ bộc lộ tình trạng nhiễm bằng cách cho họ xét nghiệm vô danh, xét nghiệm dùng mã số hoặc dùng tên khác…”
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS: “Dịch HIV/AIDS là một dịch đặc biệt, có liên quan tới những yếu tố nhạy cảm nên người nhiễm rất dễ bị kỳ thị bởi cộng đồng.
Chính vì sự kỳ thị đó mà những người có bệnh và có nguy cơ lây nhiễm cho người khác càng có tâm lý sợ va chạm, không đi xét nghiệm. Điều này càng khiến cho nguy cơ bùng phát bệnh cao.
Cho nên, chúng tôi phải chọn phương án 1 là sẽ cho họ xét nghiệm vô danh, 2 là xét nghiệm có danh nhưng người cán bộ xét nghiệm phải có trách nhiệm bảo mật thông tin cho người bệnh”.
Vị đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, quy định của Luật Phòng chống HIV/AIDS, chỉ có những người sau mới được quyền biết danh sách tên của người nhiễm. Đó là: Cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc điều trị cho bệnh nhân, vợ hoặc chồng bệnh nhân, lãnh đạo, thủ trưởng đợn vị trực tiếp có kết quả xét nghiệm và một số người được quy định trong luật.
Trong trường hợp, cán bộ nào đó vô tình hay tự ý cung cấp danh sách hoặc làm lộ thông tin bệnh nhân, khi không được sự cho phép của người bệnh, sẽ bị xử lý theo đúng theo quy định của pháp luật.
“Điều này được quy định rõ theo đúng thông tư, nghị định về xử phạt hành chính, và đều có mức độ riêng tùy theo tính chất vụ việc”, ông Cảnh nói.
“Thử đặt giả thiết nếu danh sách đó được thông báo trên loa của khu vực thì những người bị nhiễm sao họ sống nổi, xấu hổ và tự ti, cảm giác bị kì thị lúc đó rất lớn.
Thực tế đã ghi nhận tại Đà Nẵng và Hải Phòng, trước đây, có những người chuyển chỗ ở lên tới vài chục lần chỉ vì lộ danh tính, bị kì thị, không sống được”, ông Cảnh nhấn mạnh.