Nhật ký làm bạn với đại dương của chàng trai tuổi 20 lênh đênh giữa vùng biển Trường Sa

Nhật ký làm bạn với đại dương của chàng trai tuổi 20 lênh đênh giữa vùng biển Trường Sa

Logo Saostar - Special special

Nhật ký làm bạn với đại dương của chàng trai tuổi 20 lênh đênh giữa vùng biển Trường Sa

Copy Link
Chia sẻ

Không bước vào môi trường đại học như những người bạn đồng trang lứa khác, Quốc Tuấn tuổi hai mươi lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự nơi Quân cảng Cam Ranh, bởi vì cậu mang trong mình nhóm máu thích-thám-hiểm và trót lỡ say đắm đại dương mênh mông.

Sinh năm 1997 tại Biên Hòa, chàng trai trẻ gia nhập quân ngũ tại nơi cách xa nhà của mình đến hơn 7 tiếng đường bộ. Chọn Cam Ranh làm nơi mình sẽ cống hiến tuổi trẻ, gia nhập quân đội với quân chủng hải quân, 9X không chỉ dành thanh xuân để phục vụ Tổ quốc, mà còn là trải nghiệm những tháng ngày tuổi trẻ ở đây.

Chàng tân binh cặm cụi bên máy tàu

Ngày 1

7 tiếng đi xe dù không phải làm gì cả nhưng mình cảm thấy mệt. Tâm trạng lúc này của mình là gì nhỉ? Có lẽ là nôn nóng được nhập ngũ chăng? Haha. Thật không ngờ có lúc mình lại suy nghĩ như thế, hóa ra mình háo hức trông chờ điều này rất nhiều. Nghĩ đến việc được lên tàu chiến và bơi ra biển, dù là 14 tiếng để đến được cũng không thành vấn đề gì. Hy vọng mọi thứ tốt đẹp…

Nhớ lại lúc nhận được giấy báo gọi nhập ngũ, Quốc Tuấn thú thật có chút lo lắng và xem đó là quyết định không thể lựa chọn khác đi, nhưng khi nghĩ đến cảnh được đắm chìm giữa mây trời và sóng biển và được ngắm nhìn đất nước mình từ nơi đầu sóng ngọn gió, cậu lại hào hứng hơn bao giờ hết.

Từ tâm trạng không muốn nói về chuyện mình đi lính, cậu bạn đã chuyển sang tâm thế tự hào khoe với cả thiên hạ rằng mình được thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phải vì đây là cơ hội quý báu để chàng trai trẻ được trải nghiệm những điều mới lạ mà còn là vì đây là dịp cho phép cậu chung tay bảo vệ quê hương.

Ngày 8

Hôm nay tròn một tuần mình đến nơi này. Quả là một tuần với đầy trải nghiệm, có thể nói số lượng trải nghiệm trong cả đời cũng không bằng vỏn vẹn 7 ngày qua. Mình bây giờ là tân binh rồi, dù chưa thật sự làm được điều gì lớn lao lắm, nhưng ít nhất mình cũng ra dáng một anh lính rồi này.

Lên chuyến xe chạy thâu đêm, cuối cùng Tuấn cũng đến được điểm tập trung ở Khánh Hòa rồi bắt đầu hai năm thực hiện nghĩa vụ của thanh niên. Thời gian đầu khi là một tân binh, cậu bạn được huấn luyện như những đứa trẻ học vỡ lòng, chỉ có lý thuyết và những bài học cơ bản.

Ngày 31

Hôm nay Mặt Trời vẫn mọc ở hướng đông như suốt một tháng vừa qua, nhú dần lên cao từ đường thẳng nơi trời và biển nhập lại làm một. Hóa ra làm lính biển là như thế này, sáng thức đứng ở mũi tàu nhìn về hướng đông và ngắm bình minh dần ló dạng, bắt đầu ngày mới với ly cà phê trên tay và buổi tập đầu ngày với anh em trong đội.

Sau 3 tháng làm lính mới, Tuấn được biên chế đến đơn vị mới để học chuyên môn nghiệp vụ Máy tàu. 6 tháng tiếp theo sau khi nhuần nhuyễn những kiến thức về máy móc trong tàu, cậu được tiếp tục chuyển đi đến Tàu hộ vệ Tên lửa, thuộc Lữ đoàn Tàu chiến thép nhất nhì trong Vùng 4 Hải Quân.

Cuộc hành trình tính bằng ngày, đếm bằng hải lý

Ngày 198

Năm nay là năm đầu tiên mình ăn Tết xa nhà, ăn Tết trong tàu chiến neo đậu giữa quân cảng. Ăn xong cái Tết trong quân đội này thì cũng sẽ đến tháng 3, tàu của mình nhận nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa trong vòng 2 tháng. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là trong 2 tháng đó, tàu mình sẽ neo đậu ở gần đảo và trời ơi, còn gì tuyệt vời hơn khi được đến gần Trường Sa tới như vậy. *hú hét*

Sau khi hoàn thành những khóa huấn luyện và đã lận lưng được những ngón nghề hàng hải, đội của Quốc Tuấn nhận được nhiệm vụ đi đến Trường Sa. Dù chỉ neo tàu ở đó trong 2 tháng, nhưng cậu bạn vô cùng sung sướng vì đây là một điều anh chàng chưa bao giờ nghĩ đến khi nhập ngũ.

Được ở trong tàu chiến, được làm lính hải quân thì thôi chứ, đằng này còn được đi thẳng đến Trường Sa. Đó cũng là năm đầu tiên 9X ăn Tết xa nhà, dù nhớ gia đình nhưng cứ nghĩ đến 60 ngày ở đảo, cậu lại mong những ngày nghỉ này trôi đi qua thật nhanh.

Ngày 237

Chỉ còn ngày mai nữa là mình sẽ được đến gần với Trường Sa, sau một tháng đơn vị cho chuẩn bị nhu yếu phẩm đầy đủ, cuối cùng ngày này cũng đã đến. Hình như hôm qua mình ngủ không đủ, chắc là do quá trông chờ đến ngày này đây mà.

Vì cuộc sống ở đảo sẽ rất thiếu thốn, nên mình cùng đồng đội phải chuẩn bị rất nhiều thứ: nước uống, đạn, dược, trang thiết bị và đồ dùng cá nhân. Nước là thứ cần nhất và cũng là hiếm nhất, vì thế cả đội phải cạo đầu do chỉ được tắm một lần một tuần. Về cơ bản thì đây là con tàu chiến chở đầy thầy tu. Con cũng cảm ơn mẹ vì đã gửi cho con những thứ cần thiết để sống trên đảo.

Các anh em trên tàu anh cũng tay xách nách mang, cứ ngỡ là được xuất ngũ về quê không ấy. Nhưng riêng mình, mình nỡ lòng nào tiêu hết tiền phụ cấp để mua 15 cuốn sách. Ờ thì con người không thể sống thiếu thức ăn và nước uống, nhưng ẵm thêm một chồng sách thì cũng đâu có gì là kì cục quá đâu phải không nhỉ.

Ngày 238

“Giong buồm và ra khơi nào các chàng trai!” Mình cứ đinh ninh mình sẽ được nghe câu nói đó từ chỉ huy, nhưng thực tế chỉ là những khẩu lệnh đặc sản của quân đội. Và nó cũng báo hiệu những chông gai sắp tới mà mình cùng đồng đội sẽ được nếm trải.

29 tiếng từ đất liền di chuyển ra đảo là 29 tiếng địa ngục thật sự. Lúc mới khởi hành thì biển rất êm, nhưng sau khi ra khỏi biển thì sóng bắt đầu mạnh dần. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình được chứng kiến cảnh những con sóng cao vài mét thay nhau cố gắng đè bẹp con tàu sắt đang lắc lư không ngừng nghỉ tưởng chừng như muốn lật.

Sóng cứ vỗ thỏa thính vào bụng thuyền, thuyền thì nhu nhược mặc cho sóng đùa giỡn mà nghiêng lắc qua lại. Mình nằm lên giường, nhắm mắt lại rồi nghe bài hát yêu thích, mặc cho bụng trống rỗng nhưng tại sao mình vẫn muốn nôn ọe vậy nhỉ. Mở mắt nhìn quanh, hóa ra ai cũng như mình. Cha nội mình đánh giá là khỏe mạnh nhất thì ra cũng vật vờ vì sóng biển. Thật nể những chú ngư dân đi biển xa bờ.

Mỗi hải lý tiến xa ra biển là mỗi một chân trời mới được mở ra trong đôi mắt của chàng trai tuổi đôi mươi. Trước khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Tuấn đã một mình cưỡi xe máy đi khắp các tỉnh thành ven biển Việt Nam, cứ ngỡ mình đã chạm được đến nhiều nơi, hóa ra chuyến đi này còn khiến mình ngỡ ngàng hơn nữa.

“Giới hạn của mỗi người là do bản thân họ đặt ra. Tháng ngày ở Trường Sa đã mở rộng giới hạn của mình nhưng đó vẫn chưa phải là điểm xa nhất. Từ chuyến đi phượt xuyên Việt, mình đã thấy yêu quê hương vô cùng vì nó quá đẹp, bây giờ đi ra đảo, mình lại càng yêu đất nước mình nhiều hơn”, Tuấn chia sẻ.

Sau hơn một ngày dài như một thế kỷ đánh vật với sóng biển, tàu của đội đã đến được Trường Sa. Đồng đội là những chàng trai như Quốc Tuấn, cả cuộc đời chỉ quanh quẩn trong thành phố với xe cộ bụi đường, giờ đây lần đầu tiên được biết thế nào là mảnh đất quê hương nơi cách xa 400 hải lý.

Hai tháng phiêu lưu tại ngôi nhà mới

Ngày 250

50 con người bao gồm cán bộ sĩ quan và chiến sĩ đều ăn uống, công tác, học tập và sinh hoạt trên con tàu chiến đang neo đậu lênh đênh giữa biển. Nước ngọt rất thiếu thốn, mọi người phải dùng nước biển để tắm sơ qua, và sau đó mới dùng nước ngọt để xối lên sau cùng.

Có những lúc nước mang theo bị cạn nên 3 ngày mới được tắm một lần. Những lúc như thế này khi có cơn mưa ập tới, anh em chiến sĩ mừng còn hơn bắt được vàng, khuôn mặt ai cũng tươi roi rói. Tranh thủ tắm mưa rồi lấy can dự trữ nước. Chưa bao giờ được tắm mưa mà hạnh phúc như thế này.

Ngoài thức ăn dự trữ mang theo thì anh em còn chuẩn bị sẵn cần câu và lưới, phục vụ cho công tác tăng gia sản xuất. Thời gian rảnh thì cả đội ngồi lại với nhau, làm ấm trà cùng nhau tâm sự chuyện đời, chuyện lính rồi từ từ thả những sợi dây câu xuống dưới biển.

Cứ đều đều một buổi chiều tối như vậy, anh em câu được rất nhiều cá biển tươi, tha hồ mà ăn đến phát ngán. Có hôm vài đồng chí câu được vài con cá to cỡ bắp đùi, dài cỡ 1 mét hơn. Thế là xúm nhau lại chụp hình với con cá, xong rồi nướng hoặc hấp lên ăn là bá cháy luôn.

Quốc Tuấn chia sẻ chuyện về đời lính như thể cậu là một kẻ phiêu bạt giang hồ, đang thưởng thức cuộc sống và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quê hương. Ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc, nơi nguy hiểm luôn rình rập dù nói theo bất cứ nghĩa nào, nhưng những chàng trai không nghĩ mình mang trọng trách nặng nề với đất nước để vô tình tạo thêm áp lực, họ chỉ đang tận hưởng những tháng ngày quân ngũ một cách tươi vui nhất.

Khi được hỏi có sợ không khi ở nơi đầu sóng ngọn gió như vậy, chàng trai trẻ cũng chỉ cười và nói, “Làm gì có ai sợ hãi khi ở trong ngôi nhà của mình. Dù cách xa hàng trăm hải lý đến bờ biển đất liền gần nhất, nhưng mình vẫn cảm thấy rất thân thuộc bởi đã xem Trường Sa như là nhà.”

Ngày 271

Có những hôm đang ngủ lúc nửa đêm, tàu bật còi báo động hú hét ồn đến nỗi người chết cũng phải bật dậy. Lúc này cả đội phải vào tinh thần sẵn sàng và chuẩn bị cho mọi tình huống. Nhưng hóa ra đó chỉ là cơn giông kéo đến quấy rối, anh em nhanh chóng ra ngoài tàu để ràng đồ đạc để không bị rơi vỡ thứ gì.

“Mình tự hỏi nếu có căng thẳng quân sự xảy ra thật thì mọi chuyện sẽ như thế nào nhỉ? Những cậu lính mới một tuổi quân như mình thì làm được gì nhỉ? Nhưng dù là gì xảy ra đi nữa, mình có lẽ sẽ làm hết sức trong khả năng có thể. Đứt tay chảy máu đã đau xót lắm rồi. Huống chi biển đảo là một phần gắn chặt với cơ thể mang dáng dấp hình chữ S này”, chàng trai trẻ tâm sự.

Mỗi buổi sáng thức giấc, ánh sáng Mặt Trời lại lấp đầy quần đảo và con tàu. Mỗi buổi tối ngả lưng, bầu trời sao lại kéo đến tỏa chiếu ánh sáng nhẹ nhàng lên vạn vật bên dưới. Sóng biển cứ vỗ về, những ngày tháng nhẹ nhàng tại Trường Sa nhanh chóng trôi qua, dù không có biến cố gì nhưng đó vẫn là những tháng ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chàng lính trẻ, cậu đã vinh dự được làm người bảo vệ Tổ quốc từ nơi xa xôi vạn dặm.

“Làm gì có nỗi sợ nào là lớn đến mức không dám đối mặt. Mình chỉ sợ không còn đủ sức để ngắm nhìn quê hương tươi đẹp biết bao”, Trần Quốc Tuấn chia sẻ và rất mong muốn lại được trở về ngôi nhà xa xôi đó một lần nữa để cùng đồng đội mình ngắm nhìn quê hương bát ngát.

Bài viết

Vương Quốc Anh

Thiết kế

Tú Nguyễn

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp