Nằm ẩn mình sau những con đường lớn, hẻm mang hơi thở đầy đặn của Sài Gòn.
Và giữa vô vàn con hẻm trong lòng thành phố này, "hẻm hoa hậu" là một nơi rất đặc biệt. Một cách ngẫu nhiên, nhiều hoa hậu, diễn viên, người mẫu... nổi tiếng của thập niên 90 đã sinh ra và lớn lên tại đây.
Năm 1989, Kiều Khanh đoạt vương miện Hoa hậu áo dài đầu tiên của Việt Nam do báo Phụ Nữ TP tổ chức. Cách Kiều Khanh vài nhà, người đẹp Lý Thu Thảo đã trở thành Hoa hậu Việt Nam do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức. Người mẫu đời đầu La Kim Phụng với mái tóc xù, da ngăm đầy ấn tượng đã làm "khuynh đảo" giới thời trang một thời. Hay diễn viên Mộng Vân, cái tên đình đám, tỏa sáng cùng thời với Lý Hùng, Diễm Hương cũng có xuất thân từ con hẻm nhỏ này. Từ đó, cái tên "hẻm hoa hậu" ra đời.
Trong mùa dịch COVID-19, "hẻm hoa hậu" đã bị phong tỏa, đời sống người dân từ đó mà có nhiều thay đổi. Là cư dân trong hẻm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Đông đã ghi lại những khoảnh khắc, câu chuyện trong con hẻm bằng "màu sắc" lạc quan nhất. Những câu chuyện cách ly của anh tại "hẻm hoa hậu" được sắp xếp như một quyển nhật ký. Để từ đó, ta thấy được Sài Gòn rất đáng yêu và mạnh mẽ biết bao!
"Dù đã chuẩn bị tinh thần trước là nhà mình, xóm mình có thể bị phong toả bất cứ lúc nào nhưng đến khi bị phong toả thật thì cả nhà cũng khá bất ngờ và lo lắng. Mấy ngày đầu tôi loay hoay, sốt ruột vì nhiều việc đang còn dang dở và những việc sắp tới sẽ ra sao. Rồi cũng quen dần vì biết mình phải chấp nhận chứ không thể làm gì khác được.
Tuần đầu có vẻ vui nữa vì bạn bè, người thân hỏi han, tiếp tế thực phẩm rất nhiều. Ra ngoài hẻm chơi thể thao, đạp xe, đánh cầu, thăm hỏi hàng xóm khá thân thiết. Đến tuần thứ hai, sau khi test phát hiện thêm 3 ca F0 và nhiều F1 thì các hoạt động bị dừng hẳn, không được phép ra khỏi cửa nhà nên mọi người cảm thấy bức bối hơn, lo lắng. Bù lại là cơ hội để gia đình gần gũi nhau hơn. Cùng ăn cơm, cùng tập thể thao trên sân thượng, thậm chí bia bọt nói chuyện với con cái rất vui mà rất lâu rồi gia đình chưa có thời gian bên nhau lâu như vậy", anh Hải Đông chia sẻ.
Từng là phóng viên ảnh nhiều năm nên mỗi sáng, chiều ở trên sân thượng, anh có dịp nhìn ngắm mọi thứ xung quanh mình, rồi cầm máy ghi lại như một bản năng.
Khi đó, anh mới phát hiện nhiều nhà, nhiều người hay sự kiện thú vị ngay hẻm mình. Ví dụ như nhà anh chị này có vườn hồng rất đẹp, cô chú kia lại trồng toàn rau củ, bác nọ tưới cây 2 buổi dù trên sân thượng nhưng luôn đeo khẩu trang… Có khi hàng xóm nhìn nhau từ xa, chỉ giơ tay lên chào nhau mà như được tiếp thêm năng lượng.
Anh Đông chia sẻ: "Tôi muốn nhìn xóm giềng qua ống kính với sự động viên Sài Gòn mạnh mẽ lên. Bên cạnh quà của phường, bà con trong hẻm cũng luôn giúp đỡ nhau, luôn có bánh, kẹo, nhu yếu phẩm, rau củ quả cho mỗi nhà do một hội từ thiện trong xóm tài trợ.
Diễn viên Mộng Vân cũng là hàng xóm của gia đình tôi đã tặng mỗi nhà một ổ bánh thật ngon. Bà con cũng tạo nhóm chat để thăm hỏi, cung cấp thông tin, kêu gọi xem có ai cần giúp đỡ gì… Một mặt tích cực, xóm giềng thân thiết hơn, quan tâm nhau hơn qua đợt phong toả này".
Ngày giăng dây phong toả thứ 6 ở hẻm Hoa Hậu, xế chiều có 2 bạn tình nguyện viên cầm loa mời bà con ra nhận bánh mì ngọt về ăn xế, có socola "thiệt xịn". Chốc chốc, các bạn lại phóng loa mời bà con ra lựa rau củ quả mới bổ sung, tươi rói, ngập các loại rau, có rau muống hẻm hoa hậu nữa. Mới cách ly có mấy ngày nhưng bà con đã quen, nghe loa là ra xếp hàng giữ khoảng cách 2 mét, nhận quà xong về, chừng 15 phút là phát quà xong hết hẻm. Hên trong xóm có một chị là hội trưởng hội từ thiện hay đi phát lương thực phẩm nên giờ các thành viên ở ngoài hẻm chăm lo lại rất chu đáo. Buổi sáng, đầu hẻm có đặt sẵn nhiều bao bánh mì để sẵn cho bà con ăn sáng.
Ngày giăng dây phong toả thứ 9, hẻm phát hiện có 3 ca F0. Chiều, có xe cứu thương đến nhà ông cụ 80 tuổi và một anh 60 tuổi nhà gần đó để đón đi, ông cụ và anh kia là F0.
Cửa sau nhà ông cụ mở ra ngay cửa trước cái nhà có ca F0 đầu tiên trong hẻm nên ngay từ lúc phong toả nhà ông đã bị block hoàn toàn với hẻm. Ông cụ chỉ ở trong phòng trên lầu suốt, không xuống lầu hay ra ngoài.
Buổi sáng, chiếc xe 30 chỗ lù lù chầm chậm tiến vô hẻm cùng với các bạn nhân viên mặc kín đồ bảo hộ, cả xóm hồi hộp không biết nó sẽ dừng ở nhà nào. Dừng ngay nhà ông cụ, đón cả nhà 5 người còn lại gồm bà cụ, con trai, con dâu, con gái và cậu bé cháu nội đi. Trước khi lên xe, bà cụ 80 tóc bạc trắng và anh con trai còn vẫy tay tạm biệt những bạn tình nguyện viên, hàng xóm đang đứng nép mình sau cánh cửa.
Từ khi bị phong tỏa, người dân chỉ được nhận đồ từ bên ngoài gửi vô theo hai khung giờ trong ngày, sáng từ 8h giờ đến 9 giờ, chiều từ 3 giờ đến 4 giờ, tuyệt đối không được gửi ra, kể cả tiền mặt.
Hiện tại, trước mỗi nhà đều có một "cây ATM” ngay trước cửa. "Cây ATM” thường là cái ghế ở trên đặt cái rổ, cái thau, có nhà lại cái thùng. Có khi, rổ được đặt vào một cái hambuger thơm nức, hay ít trái cây ngọt lịm... Tình làng nghĩa xóm đã được san sẻ như thế.
Tất cả những bức ảnh mà anh Nguyễn Hải Đông ghi lại, đều là góp chụp từ trên cao xuống, chuyện được anh góp nhặt trong những ngày cách ly của mình.
"Có lần, con hẻm hoa hậu thường yên ắng lạ thường, không nghe tiếng loa mời ra nhận bánh mì như thường lệ. Một chút sau, có tiếng loa yêu cầu bà con ở yên trong nhà, đóng cửa lại, tuyệt đối không bước chân ra khỏi nhà, đặt 1 cái ghế hoặc cái rổ ngay trước cửa nhà mình để nhận thực phẩm. Rồi nghe tiếp câu này mới sợ: Hiện đã phát hiện thêm F0, F1 trong hẻm. Nhìn xuống hẻm, tôi bắt đầu thấy các nhân viên y tế, lực lượng chức năng, sắc phục… đến chuẩn bị. Lần này còn đông người hơn cả lần đầu. Xe chở thêm hàng rào tấp nập tới. Rồi nhân viên bắt đầu mặc đồ bảo hộ, đeo bình xịt khử khuẩn".
Đó là một trong những lần "đứng tim" nhất. Giờ đây, con hẻm vắng lặng đến nỗi chú mèo hoang cũng có thể hiên ngang ngạo nghễ đi lang thang ngoài đường giữa ban ngày.
Mỗi khoảnh khắc mà anh ghi lại đều trở thành những kí ức không quên. Đó là hình ảnh bác hàng xóm khệ nệ mang gạo, mì được tặng về nhà, hai mẹ con em bé nhà gần đó cùng nhau đi lấy mẫu xét nghiệm, ông bác mang khẩu trang tưới cây trên tầng thượng...
"Hẻm hoa hậu" rồi sẽ ổn thôi, Sài Gòn rồi sẽ ổn thôi, phải không?