Sắc màu Cuộc Sống

Nhận lì xì suốt nhiều năm, bạn đã biết gì về phong tục Tết đặc biệt này?

Tuyền Xuân (Tổng hợp)
Chia sẻ

Từ tên gọi lì xì, phong bao đỏ cho đến nguồn gốc phong tục đều có ý nghĩa hết sức sâu sắc.

Tục lì xì xuất phát từ đâu?

Lì xì là một trong những phong tục lâu đời của của người dân Việt Nam. Có nhiều câu chuyện về nguồn gốc của lì xì được lưu truyền, tuy nhiên, phổ biến nhất chính là chuyện ở Đông Hải, Trung Quốc.

Chuyện kể rằng, ngày xưa ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái gây hại bá tánh, những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ thường giật mình khóc thét, sốt và trở nên ngớ ngẩn. Do đó, cha mẹ những đứa trẻ thường thức suốt đêm để canh cho con mình. Một lần nọ, 8 vị tiên thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền bên cạnh gối ngủ của những đứa trẻ. Khi cha mẹ đem những đồng tiền này gói vào tấm vải đỏ, nó lập tức lóe sáng và xua đuổi được yêu quái.

Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh. Hiện nay, chúng ta quen gọi hành động đó là lì xì hoặc mừng tuổi.

Vì sao lại gọi là “lì xì”?

Lì xì chính là phiên âm của từ “lợi thi” trong tiếng trung quốc, mang ý nghĩa được may mắn, được tiền. Chính vì điều này, tiền lì xì được cho là sẽ mang lại may mắn, phúc lành cho những người nhận được chúng.

Khi phong tục này được sinh ra, người ta không quan trọng mệnh giá là bao nhiêu. Chỉ cần là tiền, bất kể nhiều hay ít, chẵn hay lẻ cũng đều mang lại may mắn cho người nhận.

Tại sao đựng tiền lì xì trong phong bao đỏ?

Đầu tiên, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và đại diện cho ngày Tết trong văn hóa Á Đông. Do đó, màu đỏ được ưa chuộng khi người ta chọn mua bao lì xì.

Thêm vào đó, việc đựng tiền trong bao thay cho việc đưa trực tiếp tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua vì người nhận không biết được mệnh giá, tránh dẫn đến những xích mích không đáng có.

Ý nghĩa tục lì xì đầu năm mới

Cứ vào những ngày Mùng 1, Mùng 2, Mùng 3, người ta lại trao nhau những phong bao đỏ. Tuy nhiên, hiện nay, lì xì không chỉ giới hạn ba ngày đầu năm mà xuyên suốt gần như đến tận Mùng 10. Hơn nữa, độ tuổi nhận lì xì cũng đa dạng, nhưng tập trung nhất vẫn là trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Bao lì xì tượng trưng cho may mắn, tốt lành trong ngày đầu năm mới. Nhận được càng nhiều phong bao đồng nghĩa với việc có nhiều may mắn.

Với trẻ nhỏ, lì xì đại diện cho sự cầu chúc của người tặng về việc trẻ sẽ mau ăn, chóng lớn, khỏe mạnh và thông minh.

Với người trưởng thành, đó là sự hy vọng về con đường công danh, sự nghiệp được phát đạt, tiến triển.

Với người cao tuổi, bao lì xì chính là lời chúc sức khỏe, thể hiện mong ước trường thọ của người tặng đến người nhận.

Ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị của đồng tiền nằm trong phong bao, nó nằm ở tấm lòng giữa những con người. Do đó, hãy giữ gìn ý nghĩa trong sáng, tốt đẹp của phong tục Tết này.

Chia sẻ

Bài viết

Tuyền Xuân (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất