Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nhân chứng vụ Phương Nga trả lời từ phòng cách ly có đúng luật?

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng "nhân chứng bí ẩn" trong vụ án Phương Nga trả lời HĐXX từ phòng cách ly là đúng quy định thì cũng có ý kiến cho rằng không thể cho ngồi cách ly.

Clip Phương Nga chất vấn lại luật sư.

Trao đổi với phóng viên chiều 27/6, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết nhân chứng Mai Phương có liên quan trực tiếp đến vụ án. Để giúp Hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá khách quan, đầy đủ các các chứng cứ và thẩm định lại quá trình điều tra, tòa có thẩm quyền triệu tập nhân chứng này.

Trả lời từ phòng cách ly là một tiền lệ

“Nhân chứng có điều kiện đến tòa mà không đến thì HĐXX cưỡng chế áp giải. Việc trả lời trong phòng cách ly theo đề xuất của nhân chứng nhằm bảo vệ về hình ảnh và an toàn cho cá nhân trong trường hợp này thì HĐXX phải đồng ý. Việc cách ly này vẫn đảm bảo khách quan, nhân chứng trả lời có sự giám sát của công an”, luật sư Nam chia sẻ.

Cùng quan điểm với đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết những ngày qua ông với các đồng nghiệp rất quan tâm đến vụ án của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. Theo ông Thành, việc Hội đồng xét xử (HĐXX) ra lệnh áp đặt triệu tập nhân chứng Mai Phương là cần thiết và đúng quy định của Bộ Luật tố tụng Hình sự.

“Nếu nhân chứng này không đến tòa thì HĐXX có quyền ra lệnh áp giải. Việc nhân chứng trả lời HĐXX từ phòng cách ly trong đường hợp này là nhằm đảm bảo về hình ảnh và các vấn đề về nhân thân. Theo tôi, đây là một tiền lệ trong tố tụng Việt Nam và chưa có điều luật nào quy định nhân chứng không được trả lời từ phòng cách ly”, luật sư Thành nói.

Hoa hậu Phương Nga

Theo luật sư Hoài Nam, nhân chứng đề nghị HĐXX đảm bảo về hình ảnh và an toàn cho cá nhân được quy định tại Điều 55, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

Đó là Khoản a, Điểm 3: “Người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền lợi, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng”.

Đối với Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thì Điều 66 quy định về “Người làm chứng”. Tại Điểm a của Khoản 3, người làm chứng có quyền: “Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng”.

Thẩm phán Lê Trọng Hân, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Kiên Giang, cũng nói rằng HĐXX trong vụ án hoa hậu Phương Nga có quyền ra lệnh áp giải nhân chứng Mai Phương nếu bà này không đến tòa.

“Nhân chứng nếu có yêu cầu trả lời từ phòng cách ly thì HĐXX xem xét chấp thuận nếu việc trả lời của họ đảm bảo tính khách quan. Trong tố tụng cho phép việc này nhằm đảm bảo quyền lợi, an toàn cho nhân chứng“, ông Hân chia sẻ.

Không thể cho Mai Phương ngồi phòng kín

Trong khi đó, ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM thì cho rằng việc yêu cầu được ngồi trong phòng kín thực hiện thẩm vấn, đối chất bằng âm thanh qua micro, thì tòa không thể chấp nhận.

“Yêu cầu này tôi chưa từng gặp trong suốt quá trình hơn 30 năm làm công tác xét xử. Khi nhân chứng trả lời các câu hỏi, tòa có thể cách ly các bị cáo, để nhân chứng trả lời HĐXX và những người tham gia tố tụng khác”, ông Long nói.

Ông Long cho rằng việc thẩm tra lý lịch nhân chứng, cam kết khai báo trung thực, thực hiện việc đối chất, trả lời phải được công khai tại tòa.Nếu không thì làm sao những người tham gia tố tụng khác có thể xác định được đây chính là cô Mai Phương thật, nhân vật mà mấy hôm nay xuất hiện nhiều trong lời khai của các bị cáo và những người được tòa triệu tập khác.

Do đó, nhân chứng Mai Phương không thể làm người giấu mặt. Tòa phải làm thủ tục công khai, nhân chứng trả lời công khai những gì mình biết liên quan đến vụ án.

Nhân chứng Mai Phương đã có lệnh dẫn giải của tòa vì không đến tòa theo giấy triệu tập. Tức là cũng không còn quyền lựa chọn hay đề nghị về khai báo riêng, mọi lời khai phải được công khai cho mọi người biết.

“Riêng về hình ảnh, chủ tọa nếu xét thấy cần thì có thể yêu cầu không chụp ảnh. Tuy nhiên, mọi người tham gia tố tụng đều phải được đối xử công bằng. Mấy ngày qua, việc chụp ảnh công khai đăng báo đối với bị cáo, người bị hại, người làm chứng khác đều đã được thực hiện mà không cần hỏi. Báo chí tác nghiệp và sử dụng hình ảnh tuân thủ Luật Báo chí và pháp luật liên quan quyền hình ảnh là được”, ông Long phân tích.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất