“Chúng ta chưa có văn hóa xếp hàng!”, đó là nhận định của PGS.TS Ngô Văn Giá (nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí - ĐH Văn Hoá, Hà Nội) khi phát biểu tại talkshow “Tôi xếp hàng” diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới đây.
Người Việt có biết xếp hàng không?
Giải thích cho lời nhận định, người Việt Nam vẫn chưa có văn hóa xếp hàng, PSG.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: “Về cơ bản chúng ta vẫn chưa có văn hóa xếp hàng. Chúng ta vẫn lệ thuộc vào rất nhiều thứ, vào mục tiêu, mục đích phía trước, vào sự ích kỉ của bản thân,…”.
Theo PGS Văn Giá, văn hóa xếp hàng đơn giản là việc cộng đổng cùng tuân thủ việc xếp hàng theo thứ tự, có người trước, người sau theo một trật tự nhất định ở nơi công cộng. Ngoài ra, văn hóa xếp hàng còn thể hiện qua thái độ văn minh khi biết giữ trật tự, không gây lộn xộn và hành động đẹp khi giúp đỡ hoặc nhường lối cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, em nhỏ, người khuyết tật…
Người Việt đã từng có hình ảnh đẹp về văn hóa xếp hàng thời kì bao cấp, khi người ta xếp hàng từ hai, ba giờ sáng để mua cân gạo, miếng thịt… nhưng vẫn luôn tuần tự và tôn trọng những người xung quanh, không để xảy ra chuyện tranh giành, cãi vã.
“Thực tế, nhiều người trong cộng đồng cũng có được ý thức tốt đẹp này, đáng tiếc rằng chưa phải là số đông“, ông Giá nói thêm.
Ông Giá phân tích, văn hóa xếp hàng từng khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Đơn cử như những vụ việc hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau để có được miếng sushi miễn phí trên phố Đoàn Trẩn Nghiệp (Hà Nội) năm 2013; cảnh trèo rào, chen lấn để được tắm miễn phí trong công viên nước Hồ Tây năm 2015, hay gần nhất là cảnh chen lấn, xô đẩy để mua vé xem đội tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình…
Thói quen “vượt lên chính mình” mọi lúc mọi nơi đã dẫn đến chuyện “ngại” xếp hàng?
Bàn về lý do khiến nhiều người còn ngại xếp hàng, PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh - giảng viên cao cấp Đại học Ngoại thương Hà Nội trăn trở: “Phải chăng vì cuộc sống hiện đại hối hả, mọi người đều chạy đua lẫn nhau nên dần hình thành thói quen “vượt lên chính mình” mọi lúc mọi nơi và quên mất văn hóa xếp hàng là gì, thậm chí nhận thấy nó là điều xa lạ”?.
Theo PGS Hoàng ánh, bản chất dẫn đến tâm lý ngại xếp hàng là sự thiếu ý thức của cá nhân, tâm lý muốn hơn người khác của đa số mọi người trong cuộc sống hiện nay.
Trong khi đó, theo PGS Văn Giá, lý do khiến nhiều người “ngại” xếp hàng là bởi muốn “nhanh một chút” cùng tâm lý: “người ta chen được thì mình cũng chen được” hoặc thậm chí là “không ai xếp hàng mà mình xếp thì… kỳ”.
PGS Hoàng Ánh phân tích, nhìn từ câu chuyện ở đất nước Nhật Bản, năm 2011, sau thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản, cả thế giới gần như hoàn toàn bị thuyết phục bởi tinh thần của người Nhật. Lúc đó, hình ảnh dòng người kiên nhẫn xếp hàng, trong đó có một cậu bé bản lĩnh và kiên cường, đứng chờ nhận hàng cứu trợ khiến hàng triệu người trên toàn thế giới phải nể phục. “Đó được xem như biểu tượng cho ý thức kỷ luật, tôn trọng cộng đồng“, PGS Hoàng Anh nói.
Trở lại Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Hoàng Ánh nhận định, việc xếp hàng theo thứ tự tại những nơi công cộng còn nhiều người dân chưa quan tâm thực hiện tốt. Đâu đó vẫn còn tình trạng chen lấn, tranh giành thứ tự mà không xếp hàng trước sau.
Đồng tình với quan điểm này, nhà văn Kim Ngân nhận định một phần do sự giáo dục từ trong gia đình trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, ngay cả trường học ở Việt Nam cũng không dạy được văn hóa xếp hàng.
Đừng chọn lấy người không biết xếp hàng dù họ có bóng bẩy, hay ho cỡ nào
Đánh giá xếp hàng là một văn hóa, thể hiện cách ứng xử văn minh, bà Ánh thậm chí còn đưa ra lời khuyên: “Nếu có bạn gái hoặc bạn trai khi xếp hàng mà chen ngang, đừng lấy bạn ấy, dù có bóng bẩy và hay ho thế nào cũng phải là đối tác sống hết cuộc đời với bạn. Bởi đó là những người chỉ lo cho riêng bản thân mình mà thôi”.
Bàn về ý nghĩa của việc xếp hàng, PGS Văn Giá cho rằng, chúng ta cần đánh thức xếp hàng như một giá trị sống cần tôn vinh và theo đuổi.
Theo nhà văn Nguyễn Kim Ngân, khi bạn xếp hàng, là bạn đang tôn trọng quyền lợi của mình và mọi người trong mối quan hệ của xã hội. Khi mọi người đều tuân theo một trật tự sẽ giúp mọi việc trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn với tất cả những ai cùng tham gia. Ngược lại, khi việc xếp hàng bị lãng quên hoặc bị phủ nhận bằng một thái độ khó chịu, mọi việc sẽ trở nên xáo trộn.
Theo bà Ngân: “Sau 10 năm văn hóa xếp hàng của người Việt đang tốt lên từng ngày. Hiện nay, khi một người chen hàng đã bị mọi người lên tiếng“. Mọi chuyển biến lớn đều bắt nguồn từ những hành động nhỏ. Vì thế, việc thay đổi ý thức của một cộng đồng gần 100 triệu dân là không hề dễ dàng nhưng không phải là không thể.
Trong khi đó, theo bà Ánh, để nâng cao ý thức cho mọi người dân về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa nơi công cộng, trong đó có văn hóa xếp hàng, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở từ trong các tổ nhân dân tự quản, trong các công đoàn cơ quan, trường học để mọi người, mọi tầng lớp nhân dân cùng nhau thực hiện tốt nếp sống văn minh.
Trong khi đó, PGS Văn Giá cho rằng, xếp hàng giống như một giá trị sống cần được tôn vinh và theo đuổi, vì vậy, chúng ta cần có sự chỉnh đốn dần dần bằng ý chí, lòng kiên nhẫn của mỗi cá nhân và các tổ chức.
Cụ thể là cần phải có những hoạt động mang tính định hướng, phải có những nhóm đi tiên phong để tạo ra dư luận tốt, từ đó, dư luận tốt sẽ tạo được ra những hành vi tốt để xây dựng một cộng đồng đẹp hơn, văn minh hơn.
“Tựu chung lại, sự thay đổi về nhận thức là quá trình về lâu dài. Để lên kế hoạch cho sự thay đổi đó cần sự cố gắng rất nhiều; cần có sự giáo dục một con người từ nhỏ (khi bắt đầu hình thành nhận thức) về ý thức xếp hàng. Điều đó cần thời gian và cũng cần sự kiên trì“, ông Giá nhận định,