Tết Nguyên đán đang đến gần - thời điểm mà những người con xa quê đang mong ngóng, đếm ngược từng ngày để có thể trở về nhà sum vầy bên gia đình, trò chuyện về một năm đã qua và tận tay “mang tiền về cho mẹ”.
Mặc tranh cãi ngược xuôi xung quanh câu nói đang gây bão mạng ấy, việc “mang tiền về cho mẹ” vẫn là điều mà người con nào cũng muốn được thực hiện. Và có lẽ hình ảnh đấng sinh thành hiện lên qua từng câu hát rapper Đen Vâu cũng vậy, chỉ mong con cái sẽ nên người, có thể tự chăm lo cho bản thân và vững bước trong cuộc đời.
Là một người từng trải, “đã đi qua thương nhớ”, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng mang những tâm tư, cảm nhận riêng về câu chuyện “mang tiền về cho mẹ”. Đặc biệt hơn cả, ở cương vị một người cha, anh càng thấu hiểu sâu sắc hơn tình cảm thiêng liêng ấy cũng như những nỗi niềm, mong mỏi dành cho đứa con của mình.
Có cha mẹ thì kỳ vọng con thành “ông nọ, bà kia”, có người con lại như Đen Vâu, luôn muốn “mang tiền về cho mẹ”, còn với nhà thơ Nguyễn Phong Việt, anh đơn thuần chỉ mong con khi lớn lên có thể tự chăm sóc bản thân và tự lo cho cuộc đời mình:
"Ngay từ những ngày đầu khi con tôi đến trường, tôi đã nói với con là chỉ muốn mỗi ngày con đến trường là một ngày vui. Còn mọi việc chỉ cần con cố gắng tốt nhất trong khả năng của con là đủ, nhưng nhớ đừng bao giờ chủ quan hay vội vàng khi làm một điều gì đó.
Tôi chỉ muốn con tôi vui và khỏe mạnh, còn lại năng lực bản thân của con phù hợp với nghề nào thì cứ làm nghề đó. Tôi muốn con khi lớn lên có thể tự chăm sóc bản thân và tự lo cho cuộc đời mình.
Tôi không muốn con báo hiếu gì cho mình và cũng không muốn con chăm sóc gì cho mình, vì tất cả những điều đó tôi tin mình có thể tự lo được với những kế hoạch tương lai rất rõ ràng.
Nói về giá trị và phẩm chất, tôi đơn giản là thích con tôi chân thành và tận tâm với mỗi lựa chọn trong cuộc đời mình. Nếu sai hãy thử làm lại, nếu không thể làm lại thì bỏ nó đi để đi làm cái khác. Đừng chấp vào những thứ bản thân không có khả năng!".
Được biết, anh là một ông bố có khả năng chăm con “thần sầu” khiến nhiều người ngưỡng mộ, còn tôi lại tò mò về những khó khăn khi anh nuôi dạy con, nhất là thời nay?
Dĩ nhiên, như nhiều cha mẹ khác, tôi không được dạy để trở thành một người cha như thế nào. Song may mắn ngay từ đầu là tôi chọn cách giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại.
Tôi chưa hề đánh con mình dù chỉ là một cái vung tay. Tôi thích sự sòng phẳng về lỗi lẫm của cha mẹ và con cái, ai sai thì phải nhận lỗi và học cách sửa lỗi. Tuyệt đối không dùng sự áp đặt dù dưới bất cứ hình thức nào.
Mỗi người sẽ có một trách nhiệm riêng và phải hiểu được trách nhiệm ấy. Ví như con cái có trách nhiệm là phải học hành đàng hoàng, nghiêm túc cũng như ăn ngủ theo giờ giấc tương đối cố định để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bản thân… Nói theo cách nào đó, sự trưởng thành về nhận thức của tôi có sự đóng góp rất lớn của con trai tôi.
Có thể còn quá sớm để nói về việc này, anh đã có định hướng gì cho con chưa?
Trong dự định của tôi có lẽ vào năm cấp 3 tôi sẽ cho con trai đi du học, tôi muốn con nhìn ngắm thế giới rộng lớn này và cũng thông qua đó để biết năng lực bản thân mình đến đâu.
Tuy nhiên, tôi muốn là một chuyện và con tôi có thích hay không lại là một chuyện khác, nên rất khó nói việc đó. Có khi con thích học ở Việt Nam và sau đó sẽ đi học ở một nước nào đó vào một thời điểm khác là chuyện bình thường.
Việc dừng lại hành trình 10 năm 10 tập thơ với tác phẩm “Đã đi qua thương nhớ”, anh có sợ rằng, hiện tượng Nguyễn Phong Việt sẽ mờ nhạt dần trong lòng độc giả?
Tôi vẫn luôn nghĩ, nếu như cái tên Nguyễn Phong Việt thật sự sẽ mờ nhạt dần và trôi vào lãng quên thì điều đó cũng xứng đáng. Khi những cuốn sách của bạn không còn giá trị với thời gian, thứ bạn tạo ra chỉ là những ánh đèn nhỏ bé trong một đêm phố thị lập lòe sắc màu thì bạn không thể đòi hỏi gì thêm được nữa.
Tôi không có mục tiêu hay kế hoạch gì lớn lao với con đường viết lách, mỗi chặng đường đều là nỗ lực của bản thân cộng thêm duyên may của cuộc đời, để cùng nhau hình thành nên một thứ gì đó thuộc về cảm xúc trên trang viết.
Tôi ngừng lại cũng là để mình được nghỉ ngơi với thơ, cũng là để độc giả có khoảng lặng riêng nhìn ngắm lại hành trình cảm xúc của chính họ. Và biết đâu, một ngày nào đó trong tương lai khi gặp lại nhau, chúng ta sẽ lại vui buồn với những nỗi niềm khác mà không phải là những thứ đã từng có…
Anh đã chuẩn bị tâm thế thế nào cho việc dừng lại những hào quang này?
Tôi không chuẩn bị gì vì vốn dĩ đến lúc hành trình ấy cần dừng thì sẽ dừng. Dù rằng cho đến tận khi chuẩn bị bản thảo cho tập thơ mới nhất Đã đi qua thương nhớ, tôi mới nhận ra mình cần đặt dấu chấm xuống quãng đời này. Nếu tôi cố gắng tiếp tục, có khi tôi sẽ dở hơn với những gì mọi người từng biết về thơ Nguyễn Phong Việt. Nên thôi, không nên miễn cưỡng làm gì!
Bài học lớn nhất mà anh rút ra sau hành trình 10 năm là gì?
Tôi đã bắt đầu hành trình ấy bằng bước chân đầu tiên là tập thơ Đi qua thương nhớ vào tháng 12/2012. Rồi tôi lại bước tiếp bước thứ 2 bằng tập thơ Từ yêu đến thương sau đó một năm… Và cuối cùng là tập thơ Đã đi qua thương nhớ vào tháng 12/2021.
Cứ thế, từng bước đi, không mộng tưởng nhưng cũng không buông xuôi. Tôi không nghĩ mình là tài năng gì cả đâu, đấy là tôi nói thật chứ không phải hạ thấp mình gì cả, mọi thứ chỉ gói gọn trong hai khía cạnh là chăm chỉ và may mắn được trời thương mình khi nhìn ra sự cần cù ấy.
Nếu được quay trở lại 10 năm trước, điều gì anh muốn thay đổi nhất?
Tôi không muốn thay đổi gì cả. Những con người cần gặp cũng đã gặp, những con người đã tạm biệt cũng đã tạm biệt, những biến cố cần xảy ra thì cũng đã xảy ra… Tôi nhờ tất cả những được mất ấy mà trưởng thành được như ngày hôm nay.
Tôi không có thói quen nhìn lại phía sau quá nhiều, nhưng mỗi khi rơi vào khoảnh khắc ấy, tôi đều cảm thấy mình tràn ngập sự biết ơn bản thân vì chưa bao giờ chịu dừng lại.
Xuân Diệu từng nói “Cơm áo không đùa với khách thơ”, với anh thì sao?
Trong ý nghĩ của tôi chưa bao giờ có đầy đủ niềm tin về cái gọi là mưu sinh từ trang sách. Tôi không đủ khả năng để làm việc đó. Với tôi, viết thơ là một sứ mệnh nhỏ nhoi mà cuộc đời trao tặng cho mình, như một thứ niềm vui mà khi bản thân mệt mỏi có thể giãi bày xuống. Với tôi đúng nghĩa viết sách là đam mê.
Nghề báo, truyền thông có phải là đam mê của anh hay chỉ là “bệ đỡ” để “nuôi thơ”?
Nghề báo từng có một thời gian rất dài là nghề chính để tôi mưu sinh. Dĩ nhiên, cuộc sống thay đổi nhiều và nghề báo cũng đã bắt đầu đi vào xu hướng thoái trào cùng với những khó khăn riêng của nó tại thị trường Việt Nam.
Thế nên ở vị trí của một freelancer, tôi làm rất nhiều việc khác nhau như làm truyền thông, nội dung cho các nhãn hàng, social, các dự án phim điện ảnh, kinh doanh… Những công việc ấy là “cần câu cơm chính” của tôi.
Còn lại thỉnh thoảng tôi vẫn viết cộng tác một số báo thân quen ở mảng điện ảnh như một cách nuôi giữ niềm vui làm nghề của mình.
Báo chí, truyền thông có ảnh hưởng tới cảm hứng sáng tác thơ ca của anh không? Nếu phải chọn giữa nghề báo và thơ ca, anh sẽ chọn gì?
Nó ảnh hưởng rất nhiều. Với nghề báo và truyền thông, tôi là người tự học hoàn toàn. Và mọi trải nghiệm mà tôi có với nghề ngày hôm nay đều là do bản thân vỡ ra, vì tôi vốn xuất thân là một kỹ sư ngành Hệ thống thông tin.
Nghề báo và truyền thông cho tôi cách tư duy rất thực tế về mọi việc của cuộc sống, nó không cho phép tôi mơ mộng hoặc sử dụng quá nhiều cảm xúc khi đối diện một vấn đề. Và cũng nhờ điều ấy, nên đôi khi tôi nghĩ thơ của tôi có chút khác biệt với những người làm thơ khác là nó đời hơn.
Thật ra, cả nghề báo và thơ ca đều chọn tôi mà tôi không được quyền lựa chọn. Mọi thứ với tôi là duyên may, tôi được chọn để đi con đường đó thì cứ thế mà đi. May mắn là sau rất nhiều năm, tôi vẫn thấy mình vui với con đường này…
Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, người ta thường phải lựa chọn một vài điều ưu tiên. Thời điểm này, sau khi khép lại vòng tròn 10 năm 10 tập thơ, ưu tiên của anh là gì?
Tôi chọn sống vui. Vì vui mà gặp, vì vui mà làm việc, vì vui mà yêu thương… So với 10 năm trước, tôi giờ đã là một người đàn ông ở độ tuổi trung niên. Quãng đời còn lại trong hành trình sống thật sự là không còn nhiều. Giờ tôi hiểu rõ mình, biết mình có thể làm gì và không làm được gì nên chẳng còn nhiều cảm giác thất vọng với bản thân.
Kết thúc với thơ nhưng tôi sẽ tiếp tục hành trình viết lách của mình với tản văn và thơ thiếu nhi song ngữ, cũng là cách tôi nhìn cuộc sống này qua một lăng kính khác hoặc chiêm nghiệm hơn hoặc hồn nhiên hơn…
Nếu ví cuộc đời như một hành trình, anh cảm thấy mình đang ở nấc thang nào trên hành trình này?
Tôi đang ở cái quãng gần với đích đến rồi. Đích đến ở đây là giới hạn của cuộc sống con người và cả sự thấu hiểu với nội tâm. Mỗi ngày tôi đều vẫn đang gỡ những nút thắt mà đời sống buộc vào mình, chỉ là tôi biết bản thân mình muốn gì nên việc gỡ những nút thắt này nhẹ nhàng hơn so với tuổi trẻ…
Nói riêng hành trình 10 năm gói trong 10 tập thơ, quan niệm về tình yêu của anh đã thay đổi thế nào?
Gần như là thay đổi triệt để. Tình yêu với tôi bây giờ là niềm vui của việc được yêu thương, sự chia sẻ và bao dung. Mà những thứ này hoàn toàn không liên quan gì đến tiền bạc hay danh vọng của một con người.
Người ta hay nói rằng, nhà thơ thường trắc trở trong hôn nhân, anh nghĩ sao?
Tôi không nghĩ vậy, ai cũng có thể gặp trắc trở và ai cũng có thể có bình yên trong tình yêu, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của mình về hạnh phúc. Có những thứ trong cuộc đời mà bạn phải đi một hành trình rất dài mới nhận ra những giá trị đơn giản nhất của nó.
Vì có những điều mà năm tháng tuổi trẻ chứa đựng trong lòng quá nhiều cố chấp, khiến bạn không thể nhận ra. Dĩ nhiên, phải nói thêm điều này, những người có nội tâm sâu sắc (mà không chỉ là nhà thơ) thường họ sẽ nhận lãnh nhiều ưu phiền hơn người khác một chút…
Có câu nói “Muốn nâng cái này lên phải bỏ cái kia xuống. Chọn và chịu vì sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó”, còn với anh thì sao? Để nắm bắt hạnh phúc, anh đã phải đánh đổi hay buông bỏ điều gì chưa?
Đấy là lẽ tất yếu của cuộc đời. Không có chuyện bạn vừa muốn được A mà muốn được luôn cả B, C, E, F… Mọi lựa chọn đều có cái giá của nó, chỉ là bạn có chấp nhận cái giá của sự lựa chọn ấy hay không. Tôi không đánh đổi nhưng từ rất lâu tôi học buông bỏ rất nhiều những khao khát cá nhân của mình.
Suy cho cùng, mỗi ngày giờ tôi chỉ muốn đi ngủ sẽ ngủ được một giấc ngon, ăn món gì cũng thấy ngon miệng và bắt đầu một ngày mới bằng tâm trạng thoải mái nhất. Còn lại cuộc đời mang đến điều gì thì mình bình tĩnh đối diện với nó mà thôi.
Từng có điều gì khiến anh hối hận hay day dứt không? Anh có thể chia sẻ được không?
Tôi nghĩ cuộc sống ai cũng sẽ có những điều không trọn vẹn, bản thân tôi cũng vậy. Tôi xin phép không thể chia sẻ ra đây vì đấy là những câu chuyện rất riêng tư của đời mình. Thế nên tôi hy vọng mỗi ngày trôi qua mình có thể hoàn thiện mình hơn, trưởng thành hơn để mình phải tốt hơn chính mình của ngày hôm qua.
Anh có công thức hạnh phúc gì đặc biệt không?
Chỉ đơn giản là thay đổi góc nhìn về sự bất hạnh. Mọi việc xảy ra trong đời này đều sẽ luôn có một kịch bản tệ hơn, thế nên tôi hay nghĩ may mà sự việc chỉ dừng lại ở mức đó…
Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Phong Việt về cuộc trò chuyện thú vị này!