Suốt 30 năm sống dưới chân cầu thang rộng chưa đầy 3 mét vuông
Tìm đến khu phố cổ Hàng Vải, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi hỏi ông Hà Đình Thành (66 tuổi) thì ai cũng biết đến. Vợ chồng ông cùng con gái lớn “nổi tiếng” bất đắc dĩ bởi đã gần 30 năm nay sống dưới chân cầu thang.
Ông Thành vẫn hàng ngày bán trà đá ven đường kiếm thu nhập. Ông tâm sự, cả gia đình vẫn gắn bó với ngôi nhà rộng chưa đầy 3m2 ở ngay dưới chân cầu thang ở ngõ 33 Hàng Vải. Ngôi nhà nhỏ chỉ kê được tấm phản làm giường là nơi nghỉ ngơi cho cả vợ chồng ông cùng người con gái vào mỗi buổi tối suốt mấy chục năm qua. Thu nhập gia đình dựa vào việc bán nước ven đường.
Gia đình ông Thành có 8 anh em, do lấy vợ muộn nên ông ở nơi chật hẹp nhất: “Các em trong nhà lấy vợ trước nên ở rộng rãi hơn. Đến lượt tôi lấy vợ sau cùng nên ở chật chội hơn. Cuộc sống là vậy phải chịu, yên phận chứ biết làm sao”, ông Thành tâm sự.
Nhà chật, ở chân cầu thang khu nhà tập thể nên vợ chồng ông Thành sợ không dám đẻ đông con. Cô con gái năm nay lên 26 tuổi, hiện đang làm cho một công ty tư nhân là người con duy nhất trong gia đình.
Đối với ông Thành và gia đình, cuộc sống dưới gầm cầu thang không vui vẻ gì. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình đành cam chịu, động viên nhau vươn lên. Ngại ngùng với bạn bè nên bao năm qua, con gái ông cũng không dám dẫn ai về chơi nhà. Ông Thành chỉ mong đến đời con gái sẽ có công việc ổn định để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghe về đề án quy hoạch phân khu đô thị, là người dân sinh sống ở phố Cổ, ông Thành đồng tình với chủ trương của thành phố Hà Nội và mong muốn được chuyển đến một nơi ở mới khang trang hơn. Thế nhưng, ông vẫn lo lắng sẽ mất đi công việc bán nước và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình hiện tại.
“Nếu quy hoạch giãn dân phố cổ khả thi, mọi người di chuyển thì gia đình tôi cũng chấp hành. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo đó là dù ở đây khổ nhưng còn có công việc. Nếu ở chỗ mới sau này chẳng biết làm gì”, ông Thành tâm sự.
“Đi được nơi khác thì sướng nhưng không biết làm gì để sống”
Trong hoàn cảnh sống chật hẹp như ông Thành, vợ chồng chị Lý ở phố Hàng Khoai, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn nhà rộng khoảng 30m2 là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình với 15 nhân khẩu.
Mưu sinh bằng nghề bán bún phở, thu nhập không cao, gia đình chị Lý đành chấp nhận ở tầng cao nhất có diện tích khoảng 10m2 và là gác xép của căn nhà. Mỗi khi muốn vào trong, chị Lý phải leo lên, chui qua một ô cửa mới có thể vào trong nhà. Nhà 10m2 là nơi nghỉ ngơi của 2 vợ chồng chị Lý và 2 người con. Mọi việc vệ sinh cá nhân đều nằm ở bên dưới nhà.
Có chung hoàn cảnh chật vật vì nhà ở giữa lòng thủ đô, gia đình bà Trần Thị Dung ở số 6 Cửa Đông cũng không khỏi khổ sở khi tường nhà bị nứt toác, đe doạ đổ từng ngày.
“Những ngày nắng thì đỡ chứ mưa thì khổ vô cùng, làm phải để sẵn chậu, khăn dưới sàn nhà rồi dặn con để nguyên chậu cho mẹ, tránh chỗ dột ra. Tôi cũng lo lắng mảng tường nứt toác nên đi làm nhiều lúc không yên tâm phải dặn con cái ở nhà cẩn thận”, bà Dung chia sẻ.
Dù có tiếng sinh sống ở phố Cổ nơi thủ đô nhưng nhiều người dân phố Cổ thổ lộ mong muốn được quan tâm di dời chỗ ở ổn định, khang trang hơn. Tuy nhiên, mọi người cũng lo lắng về việc làm, mưu sinh khi đến nơi ở mới.
“Ở nơi khác rộng rãi hơn ai cũng muốn nhưng nếu thành phố quy hoạch giãn dân phố cổ thì nhiều người không biết làm gì sống cả. Từ trước cả nhà trông chờ vào việc bán hàng giờ mà đi nơi khác thì không biết làm gì, con cái đi lại học hành cũng là điều trở ngại”, chị Lý chia sẻ.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ năm 2012 thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án giãn dân phố cổ nhưng trải qua quá trình triển khai, theo dõi, phát triển thì đến ngày nay dự án mới chính thức được phê duyệt.
“Từ việc này mới thấy được tính quan trọng cũng như phức tạp, cần cân nhắc của lãnh đạo thành phố khi tiến hành phê duyệt đối với đề án. Gắn với đề án giãn dân tại quận Hoàn Kiếm đã triển khai trong nhiều năm qua. Những năm gần đây chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nâng cao bảo tồn, phát huy di sản đô thị trên địa bàn quận”, ông Long nói.
Theo ông Long, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã dành nguồn lực lớn trong việc giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong khu di tích, trường học, công sở…