“Mình vô tính, và mình thấy hoàn toàn bình thường”
T.T. (25 tuổi, Hải Phòng) biết mình vô tính khi chia tay người yêu đầu tiên: “Vì không có cảm giác gì khi hôn và quan hệ, nên mình đã tìm hiểu về lãnh cảm và vô tính. Tuy đoán biết mình là người vô tính, nhưng mình cũng cố nghĩ rằng đó là do mình chưa tìm được người phù hợp mà thôi. Vậy nhưng đến khi có mối quan hệ thứ hai thì mình đã chắc chắn mình là người vô tính.” T.T. chia sẻ, có lẽ xu hướng tính dục của cô cũng là một phần lý do khiến bạn trai chia tay, nhưng cô cảm thấy hoàn toàn thanh thản và chấp nhận nó là một phần cuộc sống của mình.
Cũng như T.T., Nam (23 tuổi, Hải Phòng) biết anh là người vô tính khi nhận ra mình ghê sợ việc phải quan hệ tình dục với bạn gái: “Đó là một tình yêu đẹp, nhưng bọn mình phải chia tay vì bạn ấy cần tìm một người chồng đúng nghĩa, có thể cho bạn ấy một đứa con, chứ không phải một người chỉ biết ôm và hôn.” Tuy nhiên, Nam cho biết, anh cũng không nuối tiếc nhiều về tình cũ mà cảm thấy vô cùng thoải mái với cuộc sống độc thân hiện tại.
Người vô tính (trong tiếng Anh là Asexual) được định nghĩa là “người không cảm thấy bị hấp dẫn về mặt tình dục”. Thái độ đối với tình dục của người vô tính rất khác nhau: Có người ghê sợ; có người chỉ đơn giản là không thích thú; có người vẫn có ham muốn tình dục nhưng không bị hấp dẫn tình dục (một số người vô tính vẫn có thể thích xem “phim người lớn”, thủ dâm, nhưng họ không muốn làm “chuyện đó” với người khác).
Người vô tính không bị hấp dẫn tình dục, nhưng vẫn có thể bị hấp dẫn về mặt tình cảm. Dựa trên hấp dẫn về mặt tình cảm, có thể phân loại người vô tính như:
- Vô tính vô tính: Không bị thu hút về mặt tình cảm bởi bất kỳ ai.
- Song tính vô tính: Bị thu hút về mặt tình cảm bởi cả nam và nữ.
- Dị tính vô tính: Bị thu hút về mặt tình cảm bởi người khác giới.
- Đồng tính vô tính: Bị thu hút về mặt tình cảm bởi người cùng giới.
- Toàn tính vô tính: Bị thu hút về mặt tình cảm bởi một người bất kì, không quan trọng giới tính của người đó (cùng giới, khác giới, không rõ giới tính, v.v…)
Võ Mai Hiền (23 tuổi, Hà Nội), admin của Asexual in Vietnam - một trang facebook của cộng đồng người vô tính tại Việt Nam, cho biết: “Người vô tính cũng như bao người khác, có người sống tích cực và có người sống tiêu cực. Báo chí khi viết về bọn mình thì thường chỉ tập trung vào nhóm tiêu cực. Mình phải làm rõ rằng, nhiều người không mấy để ý đến xu hướng tính dục đâu, cứ sống và làm việc bình thường thôi. Tuy nhiên, cũng có những người để ý đến sự khác biệt của mình nên dễ cảm thấy lạc lõng, cô đơn.”
Chuyện “come out” của người vô tính
Khá nhiều người vô tính gặp tình trạng “nói không ai tin” khi công khai xu hướng tính dục của mình. Chia sẻ về chuyện này, Hiền cho biết: “Mình đã nói về việc mình là người vô tính với bạn bè thân thiết, đa số cho là mình “chưa đủ lớn”. Mình cũng nói với mẹ, nhưng mẹ cũng không cho là thật, hoặc cũng có thể mẹ cho là thật nhưng không muốn mình tự tách bản thân ra khỏi số đông. Vì thế nên mẹ luôn cố thuyết phục là mình “bình thường” như bao người khác.”
Tương tự với Hiền, T.T. cũng đã công khai với nhiều bạn bè thân thiết: “Đa số đều tin mình và khuyên mình đừng nên kết hôn với người hữu tính. Chỉ có hai người cho rằng mình tự ngộ nhận về bản thân và cố thuyết phục mình rằng đó là do mình chưa gặp được người mình thật sự yêu. Nhưng mình biết tất cả mọi người cũng vì lo lắng cho mình mà thôi. Họ sợ mình khác với “người bình thường” và phải sống cô đơn.”
Ngô Sơn Hà (26 tuổi, Hà Nội) là một người đồng tính vô tính, nhưng đối với anh, chuyện đồng tính hay vô tính đều không gây khó khăn, trở ngại gì. Mọi thứ cứ đến tự nhiên, mọi người cũng biết một cách tự nhiên, và anh không thấy nhất thiết phải công khai: “Phải giải thích vô tính là gì thì sẽ rất phiền và dễ gây hiểu lầm. Tốt nhất là cứ nói mình không thích quan hệ.”
“Nói chung, mọi người vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về người vô tính. Trước đây cũng có một bài báo viết về bọn mình, nhưng người đọc bình luận không mấy tích cực. Họ cho rằng bọn mình phải đi chữa bệnh. Thậm chí, mục tư vấn tình yêu - giới tính của một trang tin điện tử còn nói rằng người vô tính là người bị rối loạn tâm thần” - Hiền nói - “Người hữu tính không tin vào một tình yêu không có tình dục. Họ cho rằng tình yêu phải có tình dục. Còn bọn mình, những người vô tính thì không hiểu vì sao tình yêu lại phải có tình dục.”
Những người vô tính trong bài đều cho biết, họ rất vui vẻ với cuộc sống hiện tại, trái ngược với sự lo âu của những người xung quanh. “Cái bình thường hay không không phải do con người quyết định. Tạo hóa tạo ra mọi thứ đều bình thường theo cách của nó. Mình thấy mình hoàn toàn bình thường. Thế giới luôn luôn đa dạng, luôn có cái là số đông và những cái khác số đông đó.” - T.T. chia sẻ.
Còn đối với Sơn Hà, anh bày tỏ quan điểm: “Mình cứ sống với tiêu chí đơn giản hóa mọi thứ thôi. Thực ra, những nhãn mác như “đồng tính”, “dị tính” hay “vô tính” cũng chẳng thể quyết định bạn là người thế nào. Mong muốn duy nhất của mình là hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa, để mình có thể sống chung và cùng nuôi con với người con trai mình yêu.”