Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Màu cuộc sống

Người thợ sửa khóa câm điếc viết thạo 5 thứ tiếng ở Sài Gòn: Bây giờ người ta hay gọi vui tôi là 'ông thợ giàu chữ'

Trên góc vỉa hè ven đường Cách Mạng Tháng Tám, người đàn ông gầy gò đen nhẻm chăm chú sửa khóa. Lúc rảnh, chú lại mang tập vở ra ngó nghiêng, ghi ghi chép chép. Cứ thế suốt mười mấy năm nay, vượt lên nghịch cảnh câm điếc bẩm sinh, chú tự mình miệt mài học hỏi và viết thạo 4 - 5 thứ tiếng.

Một buổi trưa Sài Gòn nắng gắt, giờ nghỉ, tôi vừa tính ra ngoài kiếm chút gì bỏ bụng thì lục lọi mãi không thấy chìa khóa đâu, chú bảo vệ nhiệt tình chỉ: “Con dắt bộ tới đằng kia, ngay đối diện cái hẻm 601 có một chú sửa khóa hay lắm“. Hì hục dắt bộ con xe cà tàng đi cắt chìa.

Tới nơi, tôi thoáng chút bối rối khi thấy chú sửa khóa chỉ cười mà không nói gì, tay cầm chiếc ổ khóa, tay kia ra hiệu. À, thì ra chú không nghe nói được. Dường như thoáng thấy nét bối rối trong tôi, chú lục đục mở tủ lấy ra một xấp giấy, tay thoăn thoắt viết: “Mất chìa hả? Con muốn cắt mấy chìa?” Tôi ngẩng người ra một lúc: chú biết viết chữ, rất thành thạo!

Chú Bùi Bách Tường (61 tuổi), người thợ sửa khóa câm điếc giỏi tiếng anh

Chú ngắm nghía con xe rồi nhanh chóng hành nghề một cách điêu luyện, chưa đầy mười phút, mọi thứ đã xong xuôi. Đang tỉ mẩn tỉa tót lại chiếc chìa mới cho tôi thì một người ngoại quốc tiến tới. Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên xen lẫn thán phục người thợ sửa khóa câm điếc tài ba biết chữ này thì lại thêm một phen trố mắt nhìn chú “giao tiếp trên mặt giấy” với Tây. Như không tin vào mắt mình nữa, trước mắt tôi, một người thợ sửa khóa câm điếc biết viết tiếng Anh.

Chữ viết: chiếc chìa khóa mở cửa đời người thợ sửa khóa câm điếc

Chú Bùi Bách Tường sinh năm 1957, hằng ngày vẫn ngồi ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám miệt mài sửa khóa và học con chữ. Suốt mười mấy năm nay, người dân quanh khu vực vẫn yêu mến gọi chú bằng danh xưng: “ông thợ giàu chữ”. Bởi lẽ, không những có biệt tài sửa khóa giỏi, nhanh, chú Tường còn được người ta ngưỡng mộ vì tinh thần học hỏi và khả năng đặc biệt khi biết viết nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Nhật Bản.

Tự học chữ suốt gần 2 năm, chú Tường đã viết thành thạo nhờ đó giao tiếp với mọi người dễ dàng hơn

Trải qua hơn 60 năm cuộc đời với biết bao biến cố, chú Tường vẫn luôn tâm niệm con chữ là thứ quý giá nhất cuộc đời. Vì nhờ nó, chú tự tin sống vượt lên số phận. Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, bất hạnh thay đến tuổi tập nói thì bập bẹ mãi chẳng nên lời. Cả tuổi thơ sống trong tự ti, mặc cảm, bị bạn bè trêu chọc khiến chú chỉ loay hoay trong góc nhà, con hẻm, không dám tiếp xúc với nhiều người.

Nhận thức mình có khả năng bình thường như mọi người và không thể sống mãi như vậy, chú Tường quyết tâm đi học nghề. Năm 15 tuổi, may mắn được một người thợ sửa khóa tên Sơn cũng mắc chứng câm điếc bẩm sinh dạy nghề, chú Tường cần mẫn học sửa khóa.

Một năm sau, chú Tường mang đồ nghề ra góc chợ Tân Bình mưu sinh, nghiệt ngã thay, hàng sửa khóa ế ẩm vì khách hàng ngại mất thời gian vì người thợ chỉ biết ú ớ.

Hầu hết người dân xung quanh đều nể phục vì chú Tường là thợ sửa khóa xe giỏi và có nghị lực phi thường

Chú Tường nhận ra rằng chỉ có con chữ mới làm thay đổi được đời mình, chỉ khi biết chữ mới mưu sinh kiếm sống được. Bắt đầu bằng việc mua bảng chữ cái về nhờ người quen chỉ, mỗi khi đi đâu làm gì, bên cạnh chú Tường luôn có quyển sổ và một cây bút. Hễ đi tới chỗ nào có bảng hiệu, có chữ, chú lại dừng xe lại và ghi chép sau đó cố gắng đoán nghĩa và tự hiểu chúng.

Khoảng thời gian ngắn sau, chú biết tự lắp ráp các con chữ đã thấy, đã hiểu lại với nhau thành câu từ hoàn chỉnh. Dần dà, bằng chính tinh thần chịu khó học hỏi, kiên trì theo đuổi con chữ, không trường lớp, không người chỉ dạy, chỉ sau gần 2 năm, chú Tường viết chữ thành thạo khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Nhờ con chữ, tiệm sửa khóa của chú Tường ngày càng đông khách hơn. Người ta đến vì phần cần sửa khóa, phần nữa vì yêu quý và nể phục tinh thần ham học hỏi của người thợ sửa khóa câm điếc. Ổn định cuộc sống bằng nghề sửa khóa, chú Tường bén duyên cùng người con gái tên Nguyễn Thị Lạc ở gần chợ Bến Thành cũng mắc chứng khiếm thính, hai người nên duyên vợ chồng, chung sống hạnh phúc.

Sở thích đặc biệt với đồng xu Mỹ và cơ duyên viết thạo nhiều thứ tiếng

Những đồng xu Mỹ chú Tương sưu tập trong mấy chục năm được cất giữ cẩn thận

Chú rất thích đồng xu Mỹ nên cố gắng học tiếng anh để mua đồng xu từ người nước ngoài“, chú Tường nắn nót trên trang giấy khi tôi thắc mắc.

Chính vì sở thích sưu tầm đồng xu Mỹ cổ cộng thêm tinh thần ham hiểu biết, chú Tường quyết tâm học tiếng anh. Trong tủ đồ nghề thô xơ, chú Tường gói gém mấy cuốn từ điển cẩn thận trong bọc ni-lông. Đem từng cuốn ra “khoe” với tôi, chú chỉ cuốn đỏ rồi viết “cuốn từ điển màu đỏ này quý lắm. hiếm lắm, chú tìm mãi mới có”, chỉ về phía con hẻm vào nhà mình, chú ra hiệu ở nhà còn mấy cuốn nữa, vậy là ngót nghét gia tài gần chục cuốn từ điển.

Cuốn từ điển Anh - Việt mà chú Tường thích và quý nhất

Hơn một nửa tủ đồ nghề của chú chứa tập vở, từ điển để tiện cho việc học mỗi lúc rảnh rỗi.

Hớn hở đem một chiếc hộp đựng đồng xu ra, chú mở ngay ra sắp từng đồng xu cẩn thận trên bàn giấy rồi lần lượt chỉ tôi xem những đồng xu chú thích nhất và cho biết phải khó khăn lắm mới có được. Giả bộ trêu chú, tôi hỏi: “Chú bán lại cho con mấy đồng này nha, con mua giá cao luôn“, mặt chú nhăn nhó, lắc lắc đầu liên hồi. Thế mới biết chú trân quý những đồng xu đến mức nào. Niềm đam mê bất tận với những đồng xu Mỹ khiến chú - một người thợ sửa khóa câm điếc trở nên viết thạo tiếng Anh.

Ban đầu, vì đam mê đồng xu Mỹ, chú Tường tìm cách học tiếng Anh để trao đổi với người ngoại quốc, càng về sau, chú nhận thấy mình ngày càng yêu thích tiếng Anh nên quyết chí theo đuổi mày mò. Tiền sửa khóa sau khi trang trải cuộc sống, chú lại để dành chút ít để mua từ điển. Cũng đã hơn chục năm kể từ ngày bắt đầu mày mò tiếng anh, giờ đây, chú Tường đã viết được tiếng Anh và tự tin trao đổi với người nước ngoài qua con chữ.

Chiếc điện thoại được con gái chú mua cho để dễ dàng học tiếng Anh

Cứ thế, hằng ngày, những lúc tiệm rảnh rỗi, chú lại đem tập vở từ điển ra học từ mới, ôn từ cũ, tập viết câu,…Biết được niềm đam mê tiếng anh của ba mình, cô con gái út đã mua cho chú một chiếc điện thoại thông minh để dễ lên mạng học tiếng Anh và giao tiếp với người ngoại quốc qua chữ viết.

“Bây giờ người ta hay gọi vui tôi là “ông thợ giàu chữ” - chú Tường vui vẻ viết lên trang giấy cho chúng tôi.

Nhờ biết thêm tiếng Anh, nhiều người nước ngoài cũng lân la đến tiệm chú sửa khóa, làm chìa. Nhiều người trong số đó quý mến, thường xuyên giữ liên lạc và thỉnh thoảng ghé tiệm chú để trò chuyện cùng người thợ sửa khóa thú vị. Học được tiếng anh, chú Tường nhận ra học ngoại ngữ thật ra không hề khó, chỉ cần mình yêu thích và kiên trì thì sẽ học được. Vì lẽ đó, chú tiếp tục học thêm các thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản để thỏa lòng ham học hỏi của mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất
FIFA dậy sóng với Nguyễn Xuân Son
Nguyễn Xuân Son quá hay, quá nguy hiểm