Do con trai phát bệnh tâm thần nên trong gần 20 năm qua, ông Trần Quang Thắng (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) phải nhốt con trong một căn phòng chật hẹp, hôi thối.
Sinh ra trong một gia đình học thức, bố là cán bộ của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, mẹ là giảng viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, nhưng cuộc đời của chàng thanh niên 26 tuổi - Trần Hoàng Hải lại không có đến một giây phút sung sướng, kể từ khi anh phát bệnh tâm thần.
Trong căn phòng 10m2 chật hẹp và bốc mùi hôi thối, người đàn ông này cười điên dại một mình, trên người không có lấy một mảnh vải che thân cùng mái tóc lổm chổm, rối bù. Thỉnh thoảng đứng dậy bấu chặt vào thanh sắt cửa thấy tiếng ồn ào xe cộ, rồi la hét, khiến người đi đường hoảng sợ.
Người đàn ông tâm thần làm bạn với những vật dụng nhỏ như chiếu, xô nhựa và một vài chiếc cốc.
Mẹ của Hải là giảng viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, nhưng bố mẹ anh sớm đã ly hôn. Một số hàng xóm chia sẻ, từ khi hai vợ chồng ông Thắng “đường ai nấy đi”, bà thỉnh thoảng mới về thăm con trai út. “Tình trạng của thằng Hải như thế này mười mấy năm rồi. Mấy năm trước, gia đình cũng cho đi viện tâm thần, sau đó bảo đón về ăn tết, rồi ở nhà luôn, không thấy trở lại viện”.
Hải phát bệnh từ năm 2 tuổi. Ban đầu anh có biểu hiện như giao tiếp kém, không minh mẫn, có những hành động kỳ quặc, dần dà không làm chủ được hành vi. Ông Thắng - bố của Hải từng gửi con đi học nhưng không trường nào nhận vì bệnh tình của con trai mình, ông đành mang con về. Thỉnh thoảng ông cho Hải lên văn phòng cùng bố, tuy nhiên, do công việc nghiên cứu bận rộn, ông đành nhốt con trai mình trong căn phòng chật hẹp dưới tầng trệt.
Người dân ở đây cho biết, sở dĩ ông Trần Quang Thắng không đưa con đi viện điều trị là vì muốn ở gần con. Ông từng nói: “Nếu ai đưa thằng Hải đi phải bước qua xác tôi“. Hàng xóm xung quanh cũng khuyên bảo nhiều, nhưng ông không chịu. Dù vậy, ông tuổi già sức yếu chẳng thể chăm sóc được cho con trai mình, nên lúc nào ông đi ăn cũng mua thêm một suất, rồi mang vào cho con. Nước thải của Hải, ông cũng chẳng thể dọn được, ruồi muỗi bâu kín mít, mùi hôi thối xộc ra bên ngoài.
Mùi hôi thối từ phòng ở của Hải lan ra khiến hàng xóm vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, vì thương hai bố con khó khăn, bệnh tật nên người dân nhắm mắt cho qua.
Tuy vậy, nguyện vọng của người dân xung quanh vẫn muốn Hải đi bệnh viện để điều trị tâm thần, vừa giúp ích cho sức khỏe của anh, vừa không ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng xóm láng giềng.
Trước đây, ngôi nhà của ông Thắng nằm sâu trong căn hẻm, nhưng từ khi mở đường, nhà của ông bỗng trở thành mặt tiền. Chính vì vậy, những hành động của Hải đều “thông thống”, ai cũng biết.
Đường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Phòng của ông Thắng ở tầng 2. Ông vốn là cán bộ nghiên cứu của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Thương con nên ông quyết tâm giữ con trai ở lại bên mình. Ông nghẹn ngào: “Giờ nó là tài sản duy nhất của tôi. Tôi không thể sống thiếu nó được, dù hoàn cảnh có khó khăn như thế nào“.