Cứ mỗi dịp 23 tháng Chạp hàng năm, người dân Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng lại nô nức thực hiện nghi lễ thả cá tiễn ông Táo về trời.
Phóng sinh, thả cá tiễn ông Táo về trời là một phong tục thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết của người Việt Nam.
Tại chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) - một điểm phóng sinh quen thuộc của người dân Sài Gòn, từ 6 giờ sáng, các tiệm bán chim, cá phóng sinh ngay trước cổng chùa đã mở cửa hoạt động. Lác đác vài Phật tử và người dân địa phương cũng bắt đầu đến thực hiện nghi lễ truyền thống quan trọng hàng năm.
Người bán cá trước cửa chùa liên tục mời chào khách và Phật tử.
Những chú cá được tin rằng sẽ đưa ông Táo về trời, trình tấu với Ngọc Hoàng.
Những người bán cá ở đây cho biết lượng khách mua cá phóng sinh năm nay có xu hướng giảm dù giá không tăng, thậm chí thấp hơn so với mùa Tết năm ngoái.
Trong ngày đưa ông Táo, giá cá chép trung bình khoảng 100.000đ/kg, tùy kích cỡ.
Khách hàng cẩn thận lựa chọn cá để mang thả tiễn ông Táo về trời và cầu bình an cho gia đình trong năm mới.
Có người còn đặt cả thương lái từ dưới Long An mang cá số lượng sỉ lên để thả.
Từ sáng sớm, người dân và Phật tử đã nô nức đến chùa thả cá.
Chị Tâm, một người dân ở gần chùa cho biết: “Năm nào, tôi cũng đến chùa này thả cá vừa để phóng sinh vừa tiễn ông Táo về trời. Con cá này là do mẹ tôi mua ở chợ”.
Clip người Sài Gòn thả cá đưa ông Táo tại chùa Diệu Pháp sáng nay:
Một người dân gửi gắm mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân và gia đình trong năm mới vào chú cá mà cô sắp thả.
Nhiều bạn trẻ cũng nhiệt tình hưởng ứng nét đẹp văn hóa truyền thống dân gian này. Trong ảnh, các cô gái đang đọc chú cho cá trước khi mang đi phóng sinh.
Cả đại gia đình gần chục người cùng nhau thả cá, đưa ông Táo về trời.
Một người dân mang hộp đựng cá từ nhà đến chùa thả.
Nhiều phụ huynh dạy cho con trẻ làm quen với phong tục truyền thống của dân tộc.
Cô Tâm ngụ ở đường Chu Văn An (Bình Thạnh). Trước đây, cô hay thả cá tại khúc sông gần nhà. Được người quen chỉ, năm nay cô mới tìm đến chùa Diệu Pháp. Người phụ nữ này chia sẻ: “Mỗi khi thả một xô cá xuống dòng nước bên dưới đồng thời nguyện cầu cho gia đạo bình an, tôi lại cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng đi nhiều”.
Đến khoảng 9 giờ trở đi, không khí tại khu vực bến sông trong khuôn viên chùa thực sự nhộn nhịp lên hẳn. Người đến đây thả cá ngày một đông hơn.
Những vị khách viếng chùa cũng hiếu kỳ, ra bờ sông xem người ta thả cá.
Theo truyền thuyết dân gian, người Việt tin rằng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo với Ngọc Hoàng về mọi việc xảy ra trong mỗi gia đình. Đến đêm Giao thừa, ông Táo mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa trong suốt năm mới.
Tục thả cá trong ngày đưa ông Táo về trời vừa là một hoạt động mang tính tâm linh với mong muốn cầu chúc về một năm mới tốt lành vừa thể hiện tinh thần từ bi bác ái của người Việt Nam.