Bà Năm (Thốt Nốt, Tp.Cần Thơ) là cái tên không hề xa lạ trong giới sưu tầm đồ gỗ cổ. Bà nổi danh khi sở hữu nhiều đồ vật hàng trăm năm tuổi trị giá tiền tỷ.
Được biết, bà Năm có hẳn một bộ sưu tập đồ gỗ, gồm vài bộ bàn ghế, tủ kệ, tủ chè, giường… Tất cả đều được khảm xà cừ có tuổi thọ lên tới trăm, hàng trăm tuổi.
"Để có chúng, tôi phải tập hợp, mua lại từ nhiều ngôi nhà cổ ở trong vùng với giá không hề rẻ. Tôi nhớ ngày đó bản thân phải tìm đến các ngôi nhà cổ để xem họ có những đồ đạc gì có tuổi đời lâu.
Sau đó tôi xem kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng vân gỗ, khảm trai xem hình dáng ra sao. Thế rồi ôi đàm phán với chủ nhà để có thể mua lại chúng với giá hợp lý”, bà Năm chia sẻ trên kênh YouTube Độc lạ Bình Dương.
Trong những món đồ gỗ cổ, người phụ nữ thích thú nhất với chiếc long sàng trị giá 1.2 tỷ đồng. Bà kể gia đình có một cặp giường cổ có tuổi thọ lên tới 80 năm tuổi. Cách đây vài năm, bà đã bán một chiếc cho vị đại gia trong vùng với giá 1.2 tỷ đồng – số tiền “siêu khủng” tại thời điểm bấy giờ.
"Tôi nói có lẽ mọi người không tin nhưng chỉ cần nằm nửa tiếng trên chiếc giường đó là không bao giờ thấy đau nhức cơ thể. Đó là một phần lý do người ta sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng để mua lại chúng.
Trước đó – cách đây mười mấy năm, tôi mua chiếc giường đầu tiên rồi người bạn thân cứ gạ bán lại. Tôi cả nể nên quyết định bán cho bạn với giá 380 triệu đồng. Điều đó chứng tỏ nó có “sức hút” như thế nào”, bà Năm nói.
Chiếc giường cổ còn gây ấn tượng khi thay đổi màu sắc theo cách nhìn. Nếu mọi người nhìn thẳng sẽ thấy chúng có màu trắng, còn nhìn nghiêng hẳn thấy biến thành nhiều màu sắc.
Bà Năm tiết lộ, trong ngôi nhà này chiếc tủ đứng mới là thứ đồ cổ có giá trị nhất, lên tới 200 năm tuổi. Nó được làm bằng gỗ mun và chạm trổ ốc tinh xảo, đẹp mắt. Đặc biệt nó có sự thay đổi màu dần theo thời gian, ví dụ giờ là màu đỏ nhưng vài năm sau sẽ biến thành một màu khác huyền bí hơn.
Sau đó, bà Năm lý giải sự thay đổi màu sắc của đồ gỗ. Bà bảo rằng ốc xà cừ có 7 màu tự nhiên, khi nghệ nhân cẩn lên gỗ sẽ tạo ra nhiều màu sắc rất sang trọng và giá trị. Đặc biệt thợ làm thủ công nếu làm công phu sẽ tạo ra tác phẩm tinh xảo, có hồn và khi ai nhìn thấy cũng phải thốt lên lời khen ngợi.
Nhắc đến chuyện bà có phải đại gia trong vùng, người phụ nữ khẳng định bản thân không giàu, gia đình bà chỉ đủ ăn. "Xưa vợ chồng tôi thành lập cơ sở nấu cồn, có tiền liền mua mấy miếng đất nhỏ nhỏ. Sau đó tôi cứ mua đi bán lại mấy mảnh đất rồi xây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay", bà nói.