Sắc màu Cuộc Sống

Quá yêu Việt Nam, người phụ nữ Nhật Bản biến vỏ cám heo thành những chiếc túi xách cực trendy

Vương Quốc Anh
Chia sẻ

Từ túi xách đến tạp dề, từ ví tiền đến tấm trải, tất cả những món đồ này đều được làm từ vỏ thức ăn gia súc ở miền quê Việt Nam, những tưởng trông sẽ rất quê mùa nhưng hóa ra lại được đón nhận vô cùng nồng nhiệt và tạo thành xu hướng thời trang cực xịn.

Dọc theo bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng, nơi những khách sạn và quán cà phê sang chảnh mọc lên mời gọi mọi du khách đặt chân đến, có một cửa hàng nhỏ gây tò mò cho người qua đường bởi các sản phẩm bày bán tại đây. Không chỉ là đồ lưu niệm, chúng còn là những vật dụng sử dụng hằng ngày được tạo ra từ vỏ bao thức ăn gia súc.

Từ bao đựng thức ăn gia súc, người phụ nữ Nhật Bản đã tạo nên chiếc túi xách rất hợp thời trang.

Dưới cái nắng nóng như thiêu đốt của Đà thành vào mùa hè năm 2018, Konako Sai, người phụ nữ đến từ xứ sở Phù Tang đã chính thức khai trương cửa hàng đặc biệt này và quyết định xem Việt Nam như ngôi nhà mới của mình. Từ đó, cô bắt đầu tạo làn sóng thời trang mới từ những thứ vốn mặc định là đồ bỏ đi.

Cơ duyên đến từ một lần trượt VISA

Tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản chuyên ngành về đồ thủ công mỹ nghệ, cô Sai ra trường và bắt đầu làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu có thị trường làm ăn ở Trung Quốc và Việt Nam. Sau 5 năm, cô nghỉ việc để lập gia đình rồi tìm kiếm hướng đi mới cho cuộc đời.

Konako Sai tại cửa hàng của mình ở Đà Nẵng.

Lúc bấy giờ, người chồng được cử đi Việt Nam để làm việc và vì thế cô cũng đi theo. Hai vợ chồng đã có 3 năm sống tại TP.HCM và 1 năm tại Đà Nẵng. Thời gian sinh sống ở Việt Nam, cô Sai đã theo học lớp dạy tiếng Việt ở Đại học Nhân văn TP.HCM và nhanh chóng kết duyên với xứ sở nhiệt đới này.

Trở về Nhật Bản cùng chồng sau thời gian công tác kết thúc, Sai rơi vào tâm lý hỗn loạn vì đã trót yêu mảnh đất nắng gió Đà Nẵng và muốn quay trở lại đây nhưng cô cũng muốn được sống yên bề gia thất cùng người chồng của mình. Thế là cô lên kế hoạch đi Myanmar để cố quên đi người tình đầy nắng và gió.

Những chiếc túi xinh xắn cùng họa tiết hình động vật đáng yêu.

Móc chìa khóa in hình chú cá dễ thương tại bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng.

Nhưng đến giờ chót, đơn xin VISA đến Myanmar của cô không được chấp thuận trong khi cô đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình. “Rõ ràng số phận đã ép buộc tôi phải quay lại Việt Nam. Không còn cố chấp hay tự huyễn hoặc mình, tôi quyết định bay đến Đà Nẵng ngay lúc đó”, cô Sai nhớ lại.

Ở chuyến đi Việt Nam lần này, người phụ nữ gặp vài người bạn và vô tình biết đến vỏ bao thức ăn gia súc - thứ đồ vật vô cùng quen thuộc với người nông dân Việt Nam nhưng cũng thật lạ lẫm với những người Nhật như cô. Với ngón nghề có sẵn từ những năm học đại học, cô thử cắt xén vỏ bao và tạo nên một chiếc tạp dề.

Tạp dề làm từ vỏ bao cám heo vô cùng độc đáo.

Từ chiếc tạp dề đầu tiên được bạn bè khen ngợi, Konako Sai giờ đây đã có 10 cửa hàng bày bán những sản phẩm như thế ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An và Sài Gòn.

Từ món đồ quê đến phụ kiện thời trang thành thị

Những vỏ bao thức ăn gia súc rất phổ biến ở vùng nông thôn Việt Nam, chúng không chỉ dùng để đựng thực phẩm cho vật nuôi mà còn đựng phân bón cho cây trồng hay vô số công năng khác, nhưng đến cuối cùng chúng chỉ nằm gọn gàng nơi góc vườn.

Được tạo nên từ các sợi nilon dài và dày, “bao cám heo” rất chắc chắn để đựng đồ. Nhìn thấy tiềm năng này, người Nhật đã nâng tầm đẳng cấp cho chúng. Konako Sai không phải là người đầu tiên thực hiện ý tưởng này, nhưng cô đã thành công khi thêm vào đó tính thẩm mỹ, khiến sản phẩm tạo ra rất được ưa chuộng.

Không hề quê mùa chút nào, những chiếc “túi xách cám heo” rất hợp thời.

Họa tiết những chú heo, con gà hay bông lúa được vẽ rất dễ thương cùng màu sắc đơn giản nhưng bắt mắt, vẫn thật điệu đà dù đó là bao thức ăn gia súc hay túi xách tiện dụng. Túi tote có kích thước 29×38×8 cm còn túi cầm tay nhỏ hơn với kích cỡ 19×12×5 cm.

Khách hàng của cô chủ yếu là phụ nữ, gồm 40% người Trung Quốc, 40% người Hàn Quốc và 20% còn lại là du khách từ các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, con số này cũng phản ánh thành phần khách ngoại quốc đến Việt Nam.

Du khách nước ngoài mua túi làm quà lưu niệm khi du lịch Đà Nẵng.

“Để trả lời rằng liệu chúng có đẹp hay không, tôi có thể cho bạn thấy khách hàng của mình. Phụ nữ vốn là những người yêu bằng mắt, họ chỉ lựa chọn những thứ thật sự đẹp và hợp với mình, tôi xin bật mí với bạn rằng có đến 90% khách mua hàng tại đây là phụ nữ”, cô Konako Sai chia sẻ.

Vì sự mới mẻ độc đáo cùng độ chắc chắn vốn có, những chiếc túi này tạo nên cơn sốt thời trang ở Nhật Bản. Không khó để bắt gặp cảnh một người đeo chiếc túi tote trên vai hay cầm trong lòng bàn tay một cái túi nhỏ trên những chuyến tàu điện ngầm ở Tokyo.

Vì đã trót yêu Việt Nam quá nhiều

Sinh ra đã là kiểu người phụ nữ gia đình, chỉ quanh quẩn nơi góc bếp và chăm sóc cho chồng con, Konako Sai hoàn toàn không biết được tương lai của mình trước chuyến đi Việt Nam 4 năm với chồng vào dạo ấy. Sau khi trở về Nhật Bản, lần đầu tiên trong cuộc đời cô Sai xuất hiện những ý tưởng “vượt rào” bản thân.

Sau khi bị trượt VISA đến Myanmar, cô nói ý định du lịch một mình đến Việt Nam với chồng một cách đầy tự tin nhất dù thật sự cô cũng không biết sẽ làm gì tại vùng đất lạ lẫm này. “Nói thật, lúc đó tôi chỉ muốn đi Đà Nẵng vì tôi rất nhớ nơi này, tôi không biết mình sẽ làm gì ở đó, tôi từng nghĩ mình sẽ đến đó tắm biển mỗi ngày rồi quay về Nhật khi nào cần thiết”, Sai cho biết.

Bao cám heo cách điệu cùng tà áo dài cách tân.

Đặt chân đến Đà Nẵng lần thứ hai vào đầu năm 2018, Sai với vốn tiếng Việt vừa đủ đã nhanh chóng kết thân với những người bạn mới tại vùng đất này. Khi đã hiểu hơn về Việt Nam qua những người bạn, cô càng ngày càng yêu quý hơn xứ sở nhiệt đới này và đã chớm nở những ý tưởng về việc định cư tại đây.

“Nhớ lại thời gian đó, lần đầu tiên tôi nảy ra suy nghĩ về việc rời xa Nhật Bản để chuyển đến sinh sống tại một quốc gia khác. Tôi phân vân rất nhiều giữa hai quyết định, những ngày đó tôi cố gắng tìm kiếm một lý do thật chính đáng để thuyết phục chồng và bản thân nhằm được ở lại Việt Nam, và đó cũng là lúc tôi bắt đầu công việc kinh doanh này”, Konako Sai nhớ lại.

Konako Sai mong muốn được gửi gắm một nét văn hóa của Việt Nam đi ra thế giới qua những chiếc túi xách độc đáo.

Để tạo ra số lượng lớn những chiếc túi xách, cô Sai đã tìm đến các cơ sở thức ăn gia súc ở ngoại ô nhằm liên hệ tìm nguồn cung đầu vào. Cũng nhờ dịp này, Sai đã được thưởng thức không khí dân dã và bình yên của làng quê Việt. “Như vậy là đã quá đủ lý do để tôi ở lại hẳn nơi này, giờ đây tôi đã xem Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình”, cô hào hứng chia sẻ.

Nói về dự định sắp tới, Sai cho biết sẽ khai trương một cửa hàng ở Hawaii để khai thác lượng khách phong phú ở nơi này ngoài việc mở thêm cửa hàng tại Việt Nam. Chia sẻ về tương lai của sản phẩm, Konako Sai chỉ cười, “Có quá ngốc không nếu tôi nói rằng dù hàng không bán chạy, tôi vẫn duy trì công việc này vì đã trót yêu Việt Nam quá nhiều”.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Quốc Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất