Chị Trần Thị Mai - quê Long An có 4 người con lại nghèo đói, quanh năm làm lụng kiếm tiền nhưng chẳng thể khấm khá. Vì thế chị luôn hi vọng các con sẽ được học hành đầy đủ, lớn lên trở thành “ông này bà nọ” để bố mẹ được nương nhờ. “Biết không thể thoát nghèo nếu cứ dựa vào lao động chân tay, tôi và ông xã quyết định đưa cả nhà từ Long An lên Bình Dương mưu sinh. Bởi ở đó có rất nhiều khu công nghiệp, sẽ có cơ hội đổi đời”, chị Mai nói trên Hôn nhân và Đời sống.
Ở xứ toàn việc là việc, vợ chồng chị đã thuê một căn trọ nhỏ để các con có nơi nghỉ ngơi. Sau đó chị tính toán dùng số tiền tiết kiệm buôn bán vặt ngoài chợ, còn ông xã xin đi làm bảo vệ cho một công ty ở nước ngoài.
Nhờ sự chăm chỉ, vợ chồng chị Mai đã có thể kiếm đủ tiền chi trả cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng như nuôi 4 đứa con ăn học. Chị cũng không quê dạy dỗ các con đói cho sạch, rách cho thơm. Chị thường xuyên nói với các con đạo chữ hiếu với ba mẹ, anh em đoàn kết và yêu thương nhau.
Bởi vậy, các con của chị Mai khi trưởng thành đều thành tài rồi lập gia đình. Chỉ riêng con trai thứ hai độc thân, sống cùng bố mẹ. Chị nhiều lần giục con chuyện vợ chồng song con trai vẫn chần chừ, chỉ muốn ở vậy chăm sóc cho bố mẹ. “Thằng hai hiền lành và thật thà lắm. Vợ chồng tôi cưng nó nhất nhà. Chúng tôi còn từng nghĩ khi về già sẽ nhờ cậy cả vào nó”, người mẹ nghèo tự hào.
Chị Mai còn có tấm lòng tương thân tương ái. Thi thoảng chị lại mua vài tờ vé số ủng hộ người nghèo. Chị chưa bao giờ hi vọng vận may sẽ đến hay được đổi đời nhờ trúng độc đắc vì biết trên đời này phải có làm mới có ăn. “Chiều đó, tôi thấy bà lão bán vé số đi qua nhà liền rút tiền mua một tờ. Sau đó tôi đưa cho con trai thứ hai cầm và dặn nếu trúng giải phải báo ngay.
Dứt lời, tôi lại bận rộn với sạp rau ngoài chợ. Chập choạng tối, bà lão vé số đến tìm tôi rồi hồ hởi báo tấm vé lúc chiều đã trúng giải độc đắc 100 triệu đồng – số tiền rất lớn tại thời điểm năm 2003”, chị Mai nhớ lại.
Trúng độc đắc số tiền “siêu khủng”, chị Mai quyết định dọn hàng sớm chạy về báo cho chồng con biết để sớm mai đi lĩnh thưởng. Con trai thứ hai của chị cũng vui mừng không kém, liền phóng xe đi xem kết quả ra sao. Đêm đó, cậu mới trở về nhà với vẻ mặt buồn bã và mệt mỏi. Chị liền gặng hỏi thì nhận được câu trả lời bà bán vé số đã nhầm lẫn khiến tâm trạng của tất cả đi xuống.
“Tôi có buồn vì không trúng độc đắc nhưng sáng hôm sau vẫn dậy sớm để đi chợ. Vừa dọn hàng thì bà lão vé số lại xuất hiện với giọng đầy trách móc sao trúng độc đắc còn không ăn mừng. Nghe xong tôi càng bực hơn, định chửi cho bà ấy một trận để không đùa giỡn nữa. Đúng lúc đó, bà ấy đã mở quyển số ghi đúng dãy số trúng độc đắc, trùng với dãy mà tôi mua. Lúc này tôi liền nghĩ có thể do con trai nhìn nhầm nên nghĩ không trúng.
Chiều về, tôi gặng hỏi con thêm lần nữa thì nó vẫn khăng khăng không trúng. Tôi thấy lạ hỏi nó tờ vé số đâu để tôi tự dò thì nó kêu vứt đi rồi. Tôi đã biết chắc vấn đề nằm ở nó chứ không phải bà lão kia hay tờ vé số”, chị Mai tâm sự.
Muốn mọi chuyện được sáng tỏ, chị Mai đã gọi điện cho 3 người con còn lại về nhà gây sức ép để con trai thứ hai phải nói rõ tất cả. Nhưng cậu một mực khẳng định không trúng và đã vứt đi. Lúc này, câu chuyện của gia đình chị cũng được đồn thổi ra ngoài khiến cậu mệt mỏi, đành móc tờ vé số trong ví đưa lại cho mẹ rồi thú nhận có ý chiếm đoạt số tiền thưởng.
Thương con, chị Mai đã động viên con và bỏ qua mọi chuyện. Sau đó chị tính toán sẽ chia đều cho các con tiền lấy vốn làm ăn. Song cả ba người con đã có gia đình bỗng nổi lòng tham, dựng chuyện nói xấu nhau để nịnh bố mẹ. Còn cậu thứ hai vì xấu hổ đã bỏ đi biệt tích, không một lần liên lạc với gia đình. Do đó chị đã gửi số tiền mà con thứ hai được hưởng vào ngân hàng để khi nào quay trở lại sẽ trao cho.
Trúng độc đắc, vợ chồng chị Mai khấm khá hơn rất nhiều. Chị không phải tần tảo sớm hôm đi chợ, chồng chị không đi làm bảo vệ nữa. Nhưng tình cảm gia đình rạn nứt, ly tán... Đặc biệt khi ai đó hỏi về đứa con trai bỏ đi, chị chỉ biết khóc.