Bà Hai Giàu (SN 1960, Vị Thủy, Hậu Giang) chưa bao giờ tin tưởng vào vận đỏ khi chơi vé số. Bà tâm niệm chăm chỉ làm lụng sẽ có tiền. Song vận may liên tục đến với gia đình bà.
Năm 2013, bà Hai Giàu lần đầu tiên bỏ ra 20.000 đồng mua 2 tờ vé số. Ngờ đâu bà đã trúng giải thưởng trị giá lên tới 200 triệu đồng. Từ đó, bà dần dần xóa bỏ định kiến về xổ số và những người chơi vé số, theo VietNamNet.
“Trừ thuế, tôi lĩnh 180 triệu đồng. Đời tôi chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế nên có tiền đã mua 5 tờ ủng hộ người bán vé dạo. Tối đó tôi đã trúng thêm 150 triệu đồng nữa. Tôi sợ ra đại lý cũ đổi số người ta bàn ra tán vào liền rủ ông xã đến nơi khác. Đổi xong, tôi tiếp tục mua 5 tờ ủng hộ xem vận may mình còn không. Nào ngờ, tôi trúng 150 triệu đồng”, bà Hai từng tâm sự.
Sau 3 lần may mắn trúng số, bà Hai càng hoang mang. Bà bảo lúc nào người cũng như đang mơ, sợ tỉnh dậy thì chuyện trúng số sẽ biến mất. Nhưng gia đình động viên bà sống quá cùng cực, khi về già được trời thương cho “đổi đời”. Vì thế, bà đã chi tiền mua thêm 5 tờ vé số và lại trúng 150 triệu đồng.
“Chỉ trong vòng 4 ngày, tôi đã trúng số 4 lần với tổng số tiền lên tới 600 triệu đồng. Nhiều người dị nghị tôi tham nên trúng số lại mua tiếp. Thú thực đời tôi nghèo, làm cả đời không một đồng tiết kiệm. Vì thế lúc đầu chơi vé số tôi phân vân lắm vì 20.000 đồng đủ một bữa no cho cả nhà.
Đến khi trúng, tôi vui mừng lắm. Tôi nghĩ mình trúng thì cần phải “giải lộc” nên mua vé số ủng hộ người ta chứ không tham sẽ trúng số nhiều lần”, bà Hai bộc bạch trên Phụ nữ và Pháp luật.
Đang nghèo khó bỗng giàu có, bà Hai càng lo lắng hơn bởi từng nghe chuyện hậu vận của những người trúng số bạc tỷ. Bà sợ gia đình quay trở về cảnh khổ cực, sợ tan nát nhà cửa, sợ các con tương tàn. Bởi vậy bà chi tiêu số tiền đó hết sức hợp lý.
Với số tiền trúng số, bà Hai đã dành dụm rồi dựng 3 căn nhà để hai vợ chồng cùng các con ở, nhất là người con xa xứ có chốn quay về. Các con của bà cũng khấm khá hơn trước.
Bà luôn răn dạy con cháu phải biết sống tiết kiệm. Ví dụ như sáng nào cũng dặn các cháu đun nước sôi để nguội rồi chuẩn bị 6 chai nước đem đến trường. Tan học bà nấu cơm sẵn để các cháu về là có cơm ăn, không la cà quán xá.
“Vì nghèo nên tôi hiểu được giá trị của việc học hành. Tôi vẫn hay tâm sự với các cháu rằng muốn thoát nghèo phải học tốt cái chữ để cuộc sống không cực khổ như ngoại và các dì”, bà Hai chia sẻ.