Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người vợ dành cả thanh xuân suốt 10 năm chăm chồng bị liệt toàn thân: 'Tương lai tôi gắn với cuộc đời anh rồi'

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Giữa lúc hạnh phúc nhất của cuộc hôn nhân, chị Trang đón nhận tin dữ khi chồng bị tai nạn khiến liệt toàn thân. Chị đã từng rất đau khổ, tủi thân rồi nghĩ đến cái chết nhưng chị không làm được điều đó vì anh.

Hạnh phúc ngắn ngủi của cuộc hôn nhân kéo dài 3 tháng

“Tôi sinh ra ở Phú Thọ, còn anh ở Yên Bái. Chúng tôi đã gắn bó đến nay đã 10 năm. Tôi đã từng rất tủi thân cho số phận của mình và nghĩ đến con đường xấu nhất, là hai vợ chồng cùng nhau ra đi một lượt. Bản thân tôi có thể tự kết liễu cuộc đời mình, nhưng tôi không đủ can đảm để làm điều đó với anh. Chính vì thế mà tôi vẫn phải tiếp tục sống để lo cho anh…”

Suốt 10 năm qua có một người vợ vẫn luôn âm thầm chăm sóc chồng bị liệt toàn thân sau tai nạn giao thông.

Đó là câu nói từ sâu thẳm trái tim của chị Nguyễn Thị Thu Trang (38 tuổi) khi chăm sóc chồng bị liệt toàn thân suốt gần 10 năm qua. Từng có nhiều người khuyên người phụ nữ ấy nên chấm dứt với anh rồi đi lấy chồng khác, nhưng vì tình nghĩa vợ chồng nên chị vẫn quyết ở lại chăm anh. Bởi theo chị “không có anh tôi không sống nổi, chúng tôi đã gắn bó với nhau trên một chặng đường dài suốt bao năm qua. Nếu tôi đi ai sẽ chăm sóc anh…”

Đều đặn mỗi ngày, chị Trang thức dậy thật sớm để chăm lo cho người chồng là anh Nguyễn Đăng Trung (38 tuổi) tại căn nhà trọ rộng khoảng 15m2 ở sâu trong ngõ nhỏ trên phố Định Công Thượng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Trong căn phòng nhỏ đó toàn những lời độc thoại của chị Trang. Thi thoảng chị hỏi chồng “Có thương vợ không?”, anh Trung lại cười phá lên rồi gắng gượng đáp “Có”. Nghe vậy chị cười, hiện rõ sự hạnh phúc trong đôi mắt.

Cảm động người vợ 10 năm chăm chồng liệt toàn thân.

Cuộc hôn nhân của anh chị bắt đầu cách đây 10 năm. Đó cũng là bấy nhiêu thời gian chị một tay chăm chồng bệnh tật. Anh gặp tai nạn chỉ 3 tháng sau kết hôn, biến cố đó khiến anh bị chấn thương sọ não, liệt toàn thân và không thể nói chuyện. Ấy thế nhưng suốt bao năm qua chị vẫn luôn ở bên cạnh anh, luôn quan tâm chăm sóc cho anh từng li từng tí.

Không rõ động lực nào khiến chị làm được điều này, chỉ đơn giản đó là thứ tình cảm thiêng liêng, tình nghĩa vợ chồng mà chị dành cho anh. Dáng người nhỏ bé, cân nặng chỉ nhỉnh hơn 30 kg nhưng hằng ngày chị Trang làm đủ thứ công việc để chăm lo cho chồng. Mọi sinh hoạt cá nhân từ miếng ăn đến giấc ngủ của anh đều do một tay chị làm hết.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị kể trước đây làm thu ngân tại một cửa hàng ảnh và áo cưới ở thành phố Việt Trì. Năm 2008, anh Trung đến xin học chụp ảnh tại cửa hàng và hai người bắt đầu quen nhau. Sau hơn một năm hẹn hò, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân và có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau sau đám cưới.

Ảnh cưới trước hạnh phúc ngắn ngủi của vợ chồng chị Trang.

Vào một ngày cuối năm 2009 khi hai vợ chồng mới kết hôn được 3 tháng, trong một buổi tối anh Trung đi đón vợ ở cửa hàng về và tai họa đã ập đến bất ngờ ngay trước cửa tiệm ảnh.

Lúc này một người đàn ông ngoại quốc điều khiển xe ô tô đâm trúng người đi xe máy. Dân cư xung quanh ào chạy tới. Bên trong tiệm chưa thấy chồng đến, chị hơi lo lắng. Nghe mọi người bàn tán về vụ tai nạn chị không mảy may quan tâm vì cứ nghĩ đó không phải chồng mình, nhưng lòng như có lửa đốt vì sốt ruột. Lúc sau, một nhân viên hớt hải chạy vào báo: “Chị Trang ơi, anh Trung chồng chị bị tai nạn”. Chị chết lặng, vội chạy ra thì anh đã bất tỉnh nhân sự.

Ngày nghe tin chồng gặp nạn, chị Trang đã rất sốc.

Sau vụ tai nạn đó, chồng chị Trang nhập viện cấp cứu và bất tỉnh 3 tháng trời. Thời gian sau, người gây tai nạn chủ động liên hệ, tài trợ chi phí để chị đưa chồng xuống Hà Nội chữa bệnh. Trong khoảng 4 tháng châm cứu, anh cử động được tay trái, miệng bập bẹ vài từ. Bác sĩ thông báo tình trạng bệnh tiến triển tốt, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ hạn chế như vậy.

“Cũng may người gây tai nạn tử tế, hỗ trợ mọi chi phí. Thế nhưng, những tháng ngày hạnh phúc của vợ chồng tôi ngắn ngủi quá”, chị ngậm ngùi.

Dáng người nhỏ thó nặng hơn 30kg nhưng chị Trang luôn tất tả lo cho anh.

Vừa lau mặt cho chồng chị Trang hỏi “Anh có thương vợ không?”, anh Trung cười rồi đáp “Có”.

Rời viện, chị Trang tìm thuê một căn phòng trọ chật hẹp ở Hà Nội để bám trụ, mỗi tháng hết 1,5 triệu đồng. Chị làm đủ nghề từ bán nước đến bán ngô, cố gắng kiếm tiền nuôi chồng bệnh tật. Sau đó, có người biết hoàn cảnh của chị nên đã nhận chị làm nửa ca từ 13 giờ 30 đến 17 giờ hàng ngày ở một công ty bao bì cách chỗ ở khoảng 6 km với mức lương 90.000 đồng/nửa ca.

Tình cờ quen được một người phụ nữ làm trong Hội Chữ Thập Đỏ, đồng cảm với câu chuyện của vợ chồng, người này đón anh chị về ở cùng và chỉ lấy tiền phòng 500.000 đồng mỗi tháng. Chị bảo, hôm trước mới cân ở nơi làm việc biết được chỉ nặng 32 kg cả quần áo. Dù nhỏ người nhưng mọi cử chỉ của người vợ đều nhanh thoăn thoắt, chị dễ dàng nhấc người chồng nặng gần 50 kg lên để vệ sinh và cho ăn uống.

“Một ngày nên duyên vợ chồng thì sướng khổ phải có nhau”

Do nằm quá lâu chân tay anh Trung co quắp, người thẳng như khúc tre, đầu bị lõm sâu nhưng may mắn vẫn nhận thức được mọi thứ. 10 năm nằm một chỗ khiến tính tình của anh trở nên cáu bẳn, khó chiều. Mỗi khi muốn cắt tóc, gội đầu, cạo râu hay thậm chí là cho ăn uống, chị Trang phải dùng hết “mỹ từ” và những lời ngon ngọt để nịnh chồng.

Chị Trang ngồi bên cạnh chồng lật giở từng trang ảnh cưới của hai vợ chồng.

“Nào để vợ cạo râu cho đẹp trai nhé. Chồng đói chưa để vợ lấy cơm ăn nhé. Chỉ cho vợ cái tai ở đâu nào, cái mũi đâu nào…”, đó là những lời “đường mật” mà chị Trang dành cho chồng. Nghe những lời nói của vợ, anh Trung phần nào cảm nhận được sự yêu thương và cố gắng làm theo.

Chị kể mỗi sáng đều thức dậy từ rất sớm gọi chồng dậy rồi xoa bóp chân tay. Sau đó chị xốc nách anh kéo lê tới chiếc ghế trong góc phòng để anh ngồi chơi. Tiếp theo, chị mua đồ ăn sáng bón cho chồng ăn rồi vội vàng đi làm. Đúng 12 giờ trưa tan ca, chị về nhà vội lao vào nấu cơm cho anh xong xuôi rồi mới lo cho bản thân mình và tức tốc đi làm ca chiều. Những lúc chị đi làm, anh ở nhà một mình, mấy người hàng xóm bên cạnh thay nhau qua hỏi thăm, chăm sóc và cho anh uống nước.

Mỗi lần cho chồng ăn uống, chị đều “nịnh” anh.

Nhiều người đến chơi cũng hỏi vợ chồng chị Trang rằng “Người thân đâu mà để hai vợ chồng sống như vậy?” Nhận câu hỏi này chị Trang buồn lắm, chị kể cả bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng đều đã bỏ nhau. Khi nghe vợ kể chuyện gia đình, anh Trung la hét như quát, không muốn cho vợ nói ra.

Suốt 10 năm qua, có những người thân còn chưa một lần đến thăm vợ chồng chị. Mẹ chồng chỉ ở xa hỏi thăm, hai tháng một lần gửi chút tiền hỗ trợ chi phí mua bỉm cho con trai. Còn mẹ đẻ chị khó khăn, thỉnh thoảng có xuống thăm hai con nhưng bà chỉ biết khóc và nói lời động viên. “Tôi cũng không muốn mẹ xuống thăm vì nhìn thấy con như vậy, mẹ tôi lại thêm đau buồn”, chị tâm sự.

Chăm chồng vất vả là vậy nhưng bao năm qua chị Trang chưa bao giờ than phiền hay cảm thấy hối hận vì điều gì. Chị bảo chỉ mong trời cho sức khoẻ để có thể lo cho chồng. “Tôi chỉ sợ lúc ốm đau phải thuốc thang, đi viện thôi. Còn ông trời thương để vợ chồng tôi khỏe thì tôi tự lo được cuộc sống cho hai vợ chồng”, chị Trang nói.

Có lúc tủi thân, đau khổ chị Trang định tìm đến cái chết nhưng chị không thể làm được điều đó vì anh.

Cũng có khi chồng ốm, chị Trang phải ở nhà chăm sóc nên chẳng có thu nhập gì, những lúc đó chị phải đi xin cơm từ thiện ở viện để hai vợ chồng sống qua ngày. Dù anh Trung bị ốm, nhưng nhờ bàn tay người vợ chăm sóc, nước da anh vẫn hồng hào và cơ thể vẫn sạch sẽ.

Nhiều năm chăm chồng liệt, đã có những lúc chị Trang cùng cực đến mức nghĩ về việc tự giải thoát cho hai vợ chồng, nhưng trong thâm tâm chị lại không nỡ. “Tôi hoàn toàn có thể tự giải thoát cho mình, nhưng không nỡ xuống tay với chồng. Cũng có người nói tôi bỏ đi lấy chồng mới, nhưng tôi sao bỏ anh ấy được. Một ngày nên duyên vợ chồng thì sướng khổ phải có nhau”, chị Trang tâm sự.

Còn sống trên cõi đời ngày nào chị sẽ dành thời gian chăm sóc cho chồng của mình.

Nói về tương lai phía trước, chị Trang trải lòng: “Tương lai tôi gắn với cuộc đời anh ấy rồi. Có nhiều đêm dù đi làm về muộn, chồng không tự chủ được vệ sinh tôi phải dọn vài tiếng mới sạch được phòng. Những lúc đó tôi chạy vào nhà vệ sinh khóc, không để cho chồng nhìn thấy.

Thật sự là phụ nữ nhiều lúc tôi cũng mong lắm có một đứa con để nương tựa sau này nhưng lại nghĩ nếu có con rồi ai sẽ nuôi nó, ai sẽ chăm sóc nó. Tôi biết sau này khi về già, hai vợ chồng sẽ rất đau khổ và cô đơn vì không có ai bầu bạn, chăm sóc. Tôi không còn con đường nào khác hay có thể bấu víu vào ai, chỉ mình tôi cố gắng từng ngày bên anh”.

Đến giờ cho chồng uống sữa, chị Trang lại lấy cuốn album ảnh cưới ra nịnh: “Ai trong hình mà đẹp trai thế. Phải uống hết cốc sữa này nhé, chiều em đi làm ở nhà cố ngủ nhiều vào nhé. Có thương em không nào”. Lúc này anh Trung lại cố nói “Có” rồi cười oà lên.

Với chị Trang, có lẽ cuộc sống đã an bài với chị như vậy. Chị tự nguyện chăm lo, yêu thương anh vô điều kiện. Chị vẫn mong một ngày nào đó chồng có thể hồi phục lại - chuyện có lẽ là rất khó nhưng chị vẫn mong một phép màu đến với anh. Ở căn phòng nhỏ có một tình yêu thương lớn, là tình cảm vợ chồng trăm năm của chị dành cho anh, là tình cảm của người vợ lam lũ bao năm qua vẫn không lay dịch mà dành riêng cho chồng mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quyên Qui thừa nhận lụy Hà An Huy