Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời

Hình dáng người phụ nữ lớn tuổi, mắt đeo kính ngồi thoăn thoắt với những đường kim, mũi chỉ tại ngõ Thanh Miến (Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội) trở thành hình ảnh quen thuộc của rất nhiều người nơi đây.

Người 'giữ lửa' huyền thoại một thời

Nghề vá áo theo phong cách sang sợi đã thịnh hành tại Hà Nội từ hơn 30 năm về trước. Ngày ấy, ngõ Thanh Miến (Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội) là “thủ phủ” của nghề, nơi có những người có tay nghề giỏi nhất xứ Hà thành.

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 1
Tiệm mạng sang sợi nhỏ của bà Hồng tại ngõ Thanh Miến.

Qua hàng chục năm thăng trầm, giờ đây, ngõ Thanh Miến vẫn có nhiều cửa hàng sửa chữa quần áo nhưng đa số đều chỉ làm bằng máy, dập khuôn với những công việc may đo quần áo, cắt gấu, sửa khóa.

Thấp thoáng trong số các tiệm sửa chữa quần áo có một ngôi nhà cũ kỹ, chiếc cửa gỗ cũ mèm cùng tấm biển hiệu “mạng sang sợi - nghề gia truyền”.

Dưới khung cửa gỗ cũ kỹ là một người phụ nữ lớn tuổi, mắt đeo kính, bàn tay thoăn thoắt những đường kim mũi chỉ, chốc chốc lại dơ tấm áo lên ngắm nghía.

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 2
Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 3
Hàng ngày vẫn đều đều khách đến lấy hàng và sửa quần áo.

Bà tên Nguyễn Thị Hồng (SN 1952) là người có tay nghề lâu năm nhất đang trực tiếp làm và kiếm tiền từ nghề mạng sang sợi duy nhất còn sót lại ở Hà Nội.

Bà Hồng còn làm nghề không phải vì kinh tế khó khăn hay bươn chải. Mà ở tuổi ngoài 70, bà vẫn ngồi bên khung cửa mỗi ngày sang sợi, để cố giữ nghề gia truyền và đôi khi để “vá” lại những kỷ niệm cho đời.

Không biết gia đình bắt đầu nghề này từ bao giờ, bà Hồng chỉ biết rằng mẹ chồng bà là người gây dựng lên và bắt đầu làm từ trước khi giải phóng thủ đô năm 1954.

Diệp Huệ Tề, đó là tên người phụ nữ khéo tay nổi tiếng tại Hà Nội, đây cũng là mẹ chồng bà Hồng. Cụ Tề vào làm tại một tiệm sửa chữa quần áo của người Hoa. Khéo tay cùng với sự tỉ mỉ, tinh tế, mẹ chồng bà Hồng đã ra mở tiệm sửa chữa quần áo riêng.

Những trang phục sang trọng, giá trị của “ông Tây, bà Đầm” thời bấy giờ được cụ Tề sửa chữa đều rất được đồng tình và tiệm của cụ ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 4
Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 5
Những sợi chỉ được lấy từ những khu vực kín của chiếc áo rồi mạng vào những phần bị rách cần sửa chữa để giảm tối đa vết tích trên chiếc quần, áo sau khi sửa xong.
Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 6

Năm 1979, bà Hồng lấy chồng và về ở, sinh hoạt cùng với cụ Tề. Những ngày đầu mới về làm dâu, bà Hồng không biết khâu vá, không có kiến thức về mạng sang sợi.

Những đường kim mũi chỉ đầu tiên bà theo học để may vá, sang sợi và sửa quần áo. Ban đầu bà Hồng vừa đi làm ở hợp tác xã, vừa học nghề từ mẹ chồng. Một thời gian sau bà nghỉ hẳn, ở nhà cùng mẹ chồng làm nghề sửa chữa quần áo.

Bà Hồng gặp khá nhiều khó khăn khi mới theo nghề bởi không chỉ cần khéo tay, nghề còn đỏi hỏi phải cần tư duy, xử lý từng tình huống ở những vị trí sang sợi, may vá khác nhau.

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 7

Mẹ chồng bà Hồng truyền nghề cho 3 người con, cả ba cùng theo nghề này và từng có thời điểm rất thịnh vượng. Vì sức khỏe và nhiều lý do khác nên giờ chỉ còn mình bà Hồng vẫn tiếp tục bám nghề.

Khác với nhầm tưởng của nhiều người rằng những ai có kinh tế khó khăn mới đi may vá quần áo, sang sợi, theo lời bà Hồng tâm sự, xưa chỉ có những người giàu có, đại gia mới mang quần áo đi sửa, sang sợi.

Người nghèo không có tiền để làm nên chỉ vá miếng vải khác vào rồi tiếp tục sử dụng. Còn ngày nay, ai cũng có điều kiện để sang sợi, nhưng do quần áo có quá nhiều nên chỉ những người biết đến ngề này mới mang đồ đến sửa.

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 8
Bà Hồng đã gắn bó với cây kim, sợi chỉ theo nghề mạng sang sợi suốt mấy chục năm nay.

“Mạng sang sợi không phải là khâu vá đơn thuần, mà phải lấy đúng sợi vải ở chiếc áo đó, thường lấy ở chỗ kín, hoặc trong gấu quần, áo, trong túi rồi may vá vào chỗ rách, hỏng.

Làm như vậy vừa không bị lộ chỗ rách, vừa đúng chất vải. giá cả tùy thuộc vào điểm rách. Thông thường sẽ có giá khoảng 20.000/1cm”, bà Hồng tâm sự.

‘Vá’ cả những kỷ niệm cho người

Đã hơn 40 năm gắn bó với cây kim, sợi chỉ, bà Hồng chưa từng có suy nghĩ sẽ bỏ nghề. Bà dự định sẽ làm cho đến khi nào sức khỏe không cho phép.

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 9
Suốt hàng chục năm làm nghề, bà Hồng có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với nghề này.

Hiện bà cũng rất mừng vì con dâu bà đã học được nghề từ bà, dù chưa mở cửa hàng vì công việc công chức nhà nước bận rộn, nhưng đó là niềm an ủi lớn nhất với người phụ nữ này.

Trong suốt thời gian làm nghề, bà Hồng cũng gặp phải nhiều tình huống trớ trêu và cả những câu chuyện cảm động. Đôi khi bà cũng gặp phải những chuyện khiến bà phiền lòng, nhưng rồi cũng cho qua vì bà tâm niệm, làm nghề này cũng giống như là “làm dâu trăm họ”.

Bà Hồng nhớ lại, trong quá trình làm việc, nhiều lần phát hiện trong túi quần áo có tiền, số lượng không phải ít trong thời điểm đó. Hay thậm chí có lần còn thấy cả nhẫn vàng của khách để quên.

Thế nhưng bà chẳng may may tơ hào đến tài sản không phải của mình, sẵn sàng trả lại cho khách. “Khi tôi làm xong đồ trả lại họ, kèm theo đó là tiền, vàng họ rất bất ngờ. Thậm chí không hề biết mình quên tài sản trong đó. Tôi lấy thì họ cũng không biết được nhưng đó là lương tâm nghề nghiệp, mình không thể làm thế được”, bà Hồng chia sẻ.

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 10
Nghề không chỉ yêu cầu phải khéo tay mà cần có kinh nghiệm xử lý từng vị trí trên áo quần sao cho phù hợp nhất.

Không chỉ may vá quần áo, người phụ nữ cũng không ít lần “vá” cả những kỷ niệm cho người. Bà Hồng nhớ như in về một cụ bà hơn 80 tuổi ở phố Khâm Thiên, đội mưa đến với tiệm sửa chữa của bà trong một ngày đông lạnh giá.

Bà cụ mang ra một chiếc áo len đã cũ mèm, thấy chiếc áo đã cũ, ở thời điểm ấy, bà Hồng khuyên không nên sửa vì tiền sửa nhiều hơn tiền mua, hơn nữa chiếc áo cũng là áo bình thường, không phải hàng đắt tiền.

Dù vậy, cụ bà vẫn năn nỉ sửa giúp, dù bao nhiêu tiền bà cũng đồng ý trả. Thấy lạ, bà Hồng hỏi kỹ ra thì được biết chiếc áo là do người con trai mới mất vì ung thư tặng bà cách đó 20 năm. Khi dọn tủ bà phát hiện bị rách và đem sửa lại bằng mọi giá, vì đó là kỷ vật vô cùng ý nghĩa với bà.

Bà Hồng đã dành cả tâm huyết để sửa chiếc áo nhưng sau khi sửa xong, quá ngày hẹn lấy áo vài ngày mà cụ bà vẫn chưa thấy đến lấy. Bà Hồng gọi điện vào số bà lão để lại thì đầu dây bên kia cho biết, bà cụ đổ bệnh ốm liệt giường đang nằm trong bệnh viện.

Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 11
Người phụ nữ cuối cùng 'giữ lửa' nghề vá mạng sang sợi ở Hà Nội: Vá cả những kỷ niệm cho đời Ảnh 12
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây bà Hồng làm nghề không chỉ vì kiếm tiền mà do chưa bao giờ bà cảm thấy hết yêu nghề.

“Biết tin, tôi mang chiếc áo đến tận giường trao cho cụ, cụ lúc đó môi chỉ mấp máy như muốn cảm ơn mà không nói thành lời”, bà Hồng kể lại.

Thế nhưng không phải công việc lúc nào cũng thuận lợi, có lần, một cô gái trẻ mang chiếc váy đắt tiền đến sửa, khi cả hai đã đồng ý phương án bà Hồng bắt tay vào sửa chữa.

Bà Hồng cẩn thận may vá sau 2 ngày mới xong chiếc áo choàng, nhưng khi nhận cô gái lại không đồng ý, nói là chưa đẹp dù nhìn kỹ cũng không biết là áo đã sửa.

“Cô gái ấy sau đó ném tiền xuống khau đựng kim chỉ tôi và cầm áo bỏ đi. Tôi chạy theo đưa tiền cho cô ấy và nói rằng, làm chân chính, không phải ăn xin. Coi như tôi làm tặng cô”, bà Hồng ánh mắt nhìn xa xăm kể lại.

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây bà Hồng làm nghề không chỉ vì kiếm tiền mà do chưa bao giờ bà cảm thấy hết yêu nghề. Nhiều người cho rằng, đến nay, bà là người cuối cùng ở Hà Nội còn "giữ lửa" nghề này.

Bà làm cũng phần nào vì muốn giữ lại những bản sắc, nghề truyền thống đã gắn bó với gia đình suốt bao năm qua.

Mời đọc giả xem thêm: Khoa Pug Đi Đo Chiều Cao Với 100 Người Mỹ Sau Khi Kéo Chân!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tùng Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất