Ngày 25/11, Nam Phi đã công bố thông tin về một biến thể mới của virus corona, với số lượng đột biến lớn, có thể khiến nó dễ lây hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên biến thể mới là Omicron, và đưa vào danh sách "đáng quan ngại" cùng với 4 biến thể khác là Alpha, Beta, Gamma, Delta.
Được biết, có đến hơn 30 đột biến trên protein gai của Omicron. Đây là bộ phận giúp nó tấn công tế bào người. Một số nhà khoa học suy đoán Omicron có thể dễ lây và kháng lại hệ miễn dịch mạnh hơn Delta, có nghĩa vắc xin sẽ ít hiệu quả hơn.
Theo tờ Lao Động, bác sĩ Angelique Coetzee (người Nam Phi) cho biết, lần đầu tiên bà cảnh báo về khả năng xuất hiện một biến thể mới khi bệnh nhân tại phòng khám tư nhân bận rộn của bà ở thủ đô Pretoria đến vào đầu tháng này với các triệu chứng Covid-19 không rõ ràng ngay lập tức. Họ là những người trẻ thuộc các sắc tộc khác nhau đến khám trong tình trạng mệt mỏi căng thẳng và một đứa trẻ sáu tuổi có nhịp tim rất cao. Không ai bị mất vị giác hoặc khứu giác.
“Chúng tôi đã gặp một trường hợp rất đáng chú ý, một đứa trẻ, khoảng 6 tuổi, có nhiệt độ và nhịp tim rất cao. Sau 2 hai ngày điều trị, cháu đã đỡ hơn rất nhiều”, bác sĩ Coetzee cho biết.
Bác sĩ Coetzee đã bày tỏ sự lo lắng rằng biến thể mới vẫn có thể ảnh hưởng nặng hơn nhiều đến những người lớn tuổi có bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh tim. Bác sĩ nói: “Điều chúng ta phải lo lắng bây giờ là khi những người lớn tuổi, chưa được tiêm chủng bị nhiễm biến thể mới, và nếu họ không được tiêm chủng, chúng ta sẽ gặp nhiều người mắc bệnh nghiêm trọng".