Liên quan đến vụ việc Phan Thị Tr. (SN 1998, Thạch Thất, TP. Hà Nội) khai nhận giết chết con đẻ 35 ngày tuổi là cháu Vũ Việt A., trao đổi với chúng tôi luật sư Nguyễn Anh Thơm (trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội) cho biết cần xác định rõ động cơ, mục đích gây án cùng với việc gây án trong trạng thái tâm lý như thế nào để làm căn cứ đưa ra hình phạt với nghi phạm.
Nếu nguyên nhân gây ra cái chết cho bé Việt A. xuất phát từ mâu thuẫn gia đình và do bị ảnh hưởng về bệnh trầm cảm sau sinh thì cần thiết phải giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Trường hợp kết luận giám định của Cơ quan chuyên môn xác định người mẹ bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ. Khi đó, người mẹ sẽ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Còn nếu Tr. giết hại bé trai trong tình trạng tâm lý bình thường, có đủ nhận thức thì hành vi này sẽ cấu thành “Tội giết người” theo Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung “Giết con đẻ”. Tr. có thể sẽ phải chịu mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong trường hợp này, người mẹ vẫn còn đủ khả năng nhận thức sau khi dìm chết cháu bé trong chậu nước, để tìm cách che dấu hành vi phạm tội, đánh lạc hướng cơ quan pháp luật như tạo hiện trường giả và tiếp tục vào ngủ như không có chuyện gì xảy ra.
Như vậy, theo quan điểm của luật sư, nhiều khả năng, người mẹ chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi khi trước, trong và sau khi phạm tội. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
…