Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người mẹ nghèo 21 năm làm đôi chân cho con và buổi bế giảng cuối cùng đầy xúc động của cô bé xương thuỷ tinh

21 năm Cẩm Vân sinh ra đời, đó cũng là 21 năm đôi chân mẹ Tám (40 tuổi) lầm lũi đi đi về về trên những con đường cùng con. Thế nhưng, người mẹ nghèo chưa một lần than phiền, chưa một lần ngừng nở nụ cười khi được viết tiếp ước mơ con chữ cho con.

Mẹ là đôi chân đưa con đến trường

21 năm sống chung với căn bệnh xương thuỷ tinh, cô bé Nguyễn Cẩm Vân (1998, phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa) chỉ mãi dừng lại trong cơ thể của một đứa trẻ con, cao chưa đầy 1 mét, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào mẹ cha… Ấy vậy, cô chưa bao giờ ngưng ước mơ về con chữ.

21 năm sống chung với căn bệnh xương thuỷ tinh, cô bé hạt tiêu Cẩm Vân vẫn không ngừng ước mơ về con chữ.

“Mới ngày nào cùng mẹ bước vào lớp 1, mang theo bao cảm xúc: sợ sệt, bẽn lẽn, bỡ ngỡ, rụt rè… Thế mà, bây giờ nhìn lại cũng đã 12 năm. Đi học đối với mình là một việc rất khó khăn, bởi vì mình không may mắn như các bạn cùng trang lứa. Vất vả có, khổ sở có, mệt mỏi có, đôi khi mình đã có ý định từ bỏ. Nhưng nhìn niềm vui của mẹ khi thấy mình đạt điểm cao, hay những niềm tự hào của bố khi thấy mình không thua kém những đứa trẻ khác… một sự quyết tâm lớn lao lại trỗi dậy trong mình, khiến mình chỉ muốn nỗ lực hết sức có thể.

Được đi học, được kết bạn, chơi với bạn bè, được chấp nhận… đó là niềm vui rất lớn. Cuối cùng cũng đi hết quãng đời học sinh. 12 năm cùng bao vất vả, khó khăn cũng qua rồi. Kể từ giờ phút này, con đường phía trước tự mình chọn, tự mình bước đi.”

Cẩm Vân chia sẻ dòng tâm thư trong buổi bế giảng cuối cùng lớp 12 tại trường THPT Đào Duy Từ (Thanh Hoá). Bức thư nồng nàn kỉ niệm và đầy ắp tình yêu dành cho bố mẹ của ‘cô bé hạt tiêu’ nhanh chóng nhận được hơn 20.000 lượt chia sẻ và bình luận. Ai nấy đều khâm phục cho nghị lực phi thường của cô gái và tình mẫu tử bất diệt của mẹ Tám.

Bức ảnh cô gái bé nhỏ trong buổi bế giảng cuối cùng gây xúc động mạnh.

Người mẹ 21 năm làm chân cho con, luôn bên con mỗi buổi đến trường.

Cẩm Vân sinh ra trong một gia đình thuần nông. Là con cả, nhưng năm 3 tuổi em không may mắn khi phát hiện mình mắc bệnh xương thủy tinh. Căn bệnh khiến các khớp xương trong em dễ gãy vụn, biến dạng nên không thể đi lại, cơ thể thì không phát triển.

“Sức khoẻ yếu nên bố mẹ phải ẵm đi chữa chạy khắp nơi. Ở trường, cái bàn học thì cao quá mà em lại thấp, hay ốm vặt nên khó khăn lắm. Nhưng mỗi lần nhìn bố mẹ lao động vất vả, chịu nhiều khổ cực, em không thể làm bố mẹ buồn lòng thêm nữa nên luôn bám đuổi tới trường…”

Kể từ đó, mẹ Tám dần trở thành đôi chân cho con gái, ngày ngày đưa Vân đến trường. Sáng, chị tất tả đèo con trên chiếc xe cũ, đến trường thì phải bế lên lớp, trưa lại đợi chờ đón con về, nấu mâm cơm quây quần cùng gia đình… Cứ thế, 21 năm sinh ra, đó cũng là ngần ấy thời gian mẹ Tám bên con không rời nửa bước. Chỉ vì một điều giản đơn, viết tiếp giấc mơ con chữ cho con gái.

“Nhiều lúc yếu lòng, muốn nghỉ học thì em lại nhớ tới lời bố nói: Mình đã như thế này rồi, học còn để cứu lấy cuộc đời. Bố mẹ không đi theo con suốt đời được, vì vậy con phải tự lo cho mình cuộc sống sau này thì bố mẹ nhắm mắt mới an tâm. Cứ thế, em phải tiếp tục vì bố mẹ…”

Đến năm 3 tuổi, cô bé không may mắn phát hiện mình bị xương thuỷ tinh.

“Con không học Đại học, con đi làm để phụ giúp ba mẹ…”

Dù nỗ lực nhưng đôi lúc nhìn thấy bạn bè chạy nhảy, nô đùa, cùng những ánh mắt hiếu kì từ xã hội,… Vân vẫn không tránh khỏi cảm giác tủi thân.

“Cũng nhiều lần em muốn buông bỏ tất cả, từng suy nghĩ dại dột rằng có lẽ biến mất là cách tốt nhất để giải thoát nỗi đau này” - cô bé nhớ lại.

Thế nhưng rồi những người bạn luôn động viên, hoà đồng, phá bỏ mọi rào cản khiến Vân lấy lại niềm tin. Những buổi học ở tầng trên, cả lớp thay nhau bế Vân lên và xuống. Ngày nào cha mẹ bận không kịp tới đón, các bạn còn nhiệt tình đưa cô về.

“Năm lớp 7, cha gặp tai nạn nên phải nằm viện. Trong suốt những ngày đó, các bạn phân công nhau nấu cơm và đưa em tới trường. Thầy cô ở lớp cũng là nguồn động lực, từ giúp đỡ trong học tập, đưa lời khuyên, chỉ dạy,… Ai cũng mong em kiên cường để hoàn thành chương trình học.”

Thế nhưng nghị lực sống phi thường vẫn ngập trong thân thể bé nhỏ ấy.

Nhờ thế, Vân luôn phấn đấu và đạt nhiều thành tích tốt trong học tập. Đó là 5 năm học sinh giỏi, 7 năm học sinh tiến tiến. Cô nàng còn có đam mê rất lớn với văn học và địa lý. Từ năm lớp 6, Vân đã tập tành viết truyện ngắn vào giấy, thường chủ đề là tình cảm trong trẻo của lứa tuổi học trò khiến nhiều bạn bè thích thú.

“Em muốn sau này có thể trở thành một nhà văn, được viết những câu chuyện, cảm xúc riêng của mình và đặc biệt là truyền cảm hứng đến mọi người”, cô bé kể về ước mơ của mình.

Sắp tới, ‘cô bé hạt tiêu’ sẽ thi tốt nghiệp THPT và Đại học. Vân dự định sẽ theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội, nhưng vì điều kiện gia đình và hoàn cảnh cá nhân nên em đành gác lại ước mơ.

“Em cũng ước mơ được đi học tiếp nhưng không còn đủ điều kiện. Em sẽ sớm đi tìm công việc gì đó phù hợp với người khuyết tật rồi kiếm tiền phụ bố mẹ. Xem như cánh cửa này đóng cánh cửa khác lại mở ra nên em không thấy buồn gì cả”.

Bởi bên cạnh cô còn có người mẹ, còn có một gia đình luôn vỗ về che chở.

Cứ thế, trong buổi bế giảng cuối cùng của cuộc đời học sinh, cô bé ngồi lặng yên như để tận hưởng hết khoảnh khắc đẹp đẽ của thời áo trắng. Vì chỉ hết hôm nay thôi, cô sẽ phải chia tay mái trường, chia tay bạn bè và tạm gác lại con đường tìm cái chữ phía trước.

Nhưng niềm lạc quan thì chưa bao giờ vụt tắt trong đôi mắt trong veo của ‘cô bé hạt tiêu’ ấy cả. “Tôi muốn sống như cỏ dại, sẽ chịu đựng, mạnh mẽ vượt qua tất cả chứ không như bông hoa rực sỡ nhưng sớm tàn” - Vân quan niệm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Hà Thương

Được quan tâm

Tin mới nhất