Ngày 3/6, hơn nửa tháng sau khi Hà Nội thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor (Nhật Bản), ở một số đoạn lắp máy xử lý, nước sông đã dần chuyển từ màu đen kịt sang màu trắng sữa. Lòng sông vẫn nổi nhiều bùn rác, nhiều đoạn nổi bọt bẩn.
Trước đó, sáng 16/5, một đoạn sông Tô Lịch (từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về Cầu Giấy) được thí điểm lắp đặt 4 máy sục khí kèm các tấm vật liệu thiên nhiên.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ trên đã được sử dụng thành công trong nhiều dự án xử lý ô nhiễm cho các con sông ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Tadashi Yamamura, công nghệ Bio-nano của Nhật Bản phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, sẽ xử lý căn cơ và triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch.
Trong gần một giờ đồng hồ, hàng chục chuyên gia và công nhân đã lắp đặt xong hai hộp thiết bị xuống sông Tô Lịch, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Một chuyên gia cho hay các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, k.ích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn.
Trước đó, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội thông tin, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Ngoài ra, hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. Công nghệ Nhật Bản có thể xử lý được hơn 1,3 triệu m3/ngày đêm, tức là gấp khoảng 9 lần lượng nước chảy vào sông Tô Lịch hiện nay.
Ngồi thư thả câu cá dưới sông Tô Lịch anh Tính (một người lao động) cho biết, trước đây khi chưa được lắp đặt thiết bị xử lý nước thải của Nhật thì nước sông bốc mùi hôi thối, nồng nặc.
“Từ khi công nghệ này được áp dụng tôi thấy một đoạn sông Tô Lịch được cải thiện rất đáng kể. Nước sông không còn mùi hôi thối nữa. Tôi có thể thoải mái ngồi câu cá. Từ trưa tới giờ trong lúc rãnh rỗi tôi ngồi chờ khách câu được 5 con cá rồi. Trước ngồi đây không thể nào ngửi được”, anh Tính cười nói.
Cũng chung cảm nhận như anh Tính, bà Nguyễn Thị Hoà (một chủ quán bán nước trên đường Quan Hoa cho biết, hiện khu vực nhà bà không còn mùi hôi khó chịu như trước. Bà Hoà cũng có nhiều khách vào uống nước hơn.
“Trước nhiều hôm mưa ngột nước cá từ hồ Tây thoát về sông Tô Lịch xong ngột nước chết bốc mùi hôi thối, khó chịu. Tôi thấy trước mắt công nghệ xử lý nước thải của Nhật cải thiện rất đáng kể. Khách vào quán nước nhà tôi uống đông hơn và ai cũng cảm thấy không còn mùi nữa”, bà Hoà chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc khu vực sông Tô Lịch nơi lắp hệ thống xử lý nước thải mọi người dân còn thoải mái trải đệm, mắc võng ngồi nghỉ ngơi. Sông Tô Lịch vốn là một con sông thơ mộng có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Từ lâu, hai bên sông được trồng rất nhiều hoa phượng. Nhờ công nghệ xử lý nước thải, con sông đang dần được trả lại vẻ đẹp vốn có.
Trong chiều 2/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Phó Chủ tịch UBND TP Ngyễn Thế Hùng đi kiểm tra việc làm sạch sông Tô Lịch. Các mẫu nước đưa lên để phân tích, sau khi có kết quả sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả công nghệ trước khi nhân rộng tới các đoạn khác của sông Tô Lịch.
Công nghệ nano này được kỳ vọng sẽ giúp người dân sinh sống 2 bên bờ sông được hưởng cuộc sống sạch sẽ, mát mẻ. Đặc biệt, quan trọng vẫn là phải xử lý tận gốc, nên có cống thải riêng gom lại để xử lý nước thải của thành phố và các hộ dân.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE), đơn vị đưa công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch cho biết, sau 3 ngày, lượng khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối đã giảm nhanh chóng. Sau 7 ngày, bùn dưới đáy sông bắt đầu bị phân hủy, giảm từ hơn một mét xuống còn khoảng 76-91 cm, xuất hiện lớp nước trong trên bề mặt bùn. Dự kiến sau 2 tháng bùn sẽ giảm hẳn, nước sẽ trong trở lại. Đến lúc đó, chúng ta có thể thả cá trên khúc sông này.