‘Tôi đi làm là nghỉ ngơi, ở nhà là chán nản’
Một chiều đông, giữa ngã tư náo nhiệt ở phố Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), một cụ ông mặc chiếc áo ghi-lê, tay cầm nắm bút bi nhiều màu sắc, hướng về phía những người đi đường tếu táo vài câu nói.
Người đàn ông ấy là Đinh Văn Diệp, sinh năm 1954, trú tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội. Ông Diệp quê ở Hải Hậu, (Nam Định) nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
“Bố mẹ tôi đến Hà Nội làm ăn từ lâu lắm rồi nên tôi được sinh ra ở đây. Tôi dùng tiếng hát, sự vui tươi để mời người đời mua bút cho tôi”, ông Diệp cười nói.
Khi 20 tuổi, ông Diệp lên đường nhập ngũ, 2 năm sau, ông trở về Hà Nội. Không có công việc ổn định, kể từ đó ông làm đủ nghề mưu sinh nơi Thủ đô phồn hoa.
Suốt 30 năm ông lăn lộn, chật vật mưu sinh, chưa ngày nào ông cảm thấy chán nản cuộc sống của mình. Dù không giàu sang nhưng ông cũng cảm thấy “mình không thiếu thứ gì”, tràn đầy năng lượng.
“Tôi gần 70 tuổi nhưng tôi luôn sống với phong thái 18 tuổi, mỗi ngày đi làm việc, bán bút, gặp mọi người là một ngày vui. Ngày nào mà phải ở nhà là tôi chán nản lắm”, ông Diệp tâm sự.
Ngồi ở ngã tư đường, nhiều người dân đi qua thấy ông cũng mua bút ủng hộ. Mỗi chiếc bút ông bán với giá giá 2.000 đồng, được lãi 800 đồng.
“Tôi bắt đầu công việc bán bút bi từ khoảng 6 năm trước. Lúc đầu, các cháu học sinh đi học thì tôi bán cũng khá nhưng sau dịch bệnh Covid-19, các cháu nghỉ nên tôi cũng không bán được nhiều. Tôi ra đây bán được khoảng gần 1 năm nay rồi”, ông Diệp tâm sự.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Diệp luôn giữ trong mình một phong thái vui vẻ, hoạt bát. Nhớ lại thời điểm Hà Nội trải qua 4 đợt giãn cách toàn xã hội, ông Diệp thốt lên: “Quá khổ, tôi không thích ở nhà, chân tay buồn bực lắm, đi bán hàng là vui vẻ”.
Ở cái tuổi 68, hiếm ai còn hăng say làm việc, vui vẻ, hoạt bát và khoẻ mạnh như ông. Đa số mọi người lựa chọn việc xum vầy bên con cháu, nhưng ông Diệp lại khác.
Mong một cái Tết êm đềm, đầm ấm
Ngay sau khi thành phố dần nới lỏng các biện pháp hoạt động, phòng chống dịch bệnh, ông Diệp lại trở về với cuộc sống bán bút hàng ngày, mưu sinh giữa đường phố.
“Mỗi ngày tôi bán 5 ca, sáng bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào 17h chiều. Mỗi ca, tôi chỉ mang 175 chiếc bút, đựng trong chiếc túi nhỏ. Mua 10 tặng 1, trung bình, tôi bán được 300 - 400 chiếc bút mỗi ngày”, ông Diệp chia sẻ.
Do tuổi cao, nên thấy cụ ông bán bút, nhiều người cũng lại gần mua ủng hộ, chỉ trong khoảng 1 tiếng ông đã bán hết số bút mang đi. Thấy cụ ông khó khăn, nhiều người còn cho thêm tiền, một số em học sinh cũng có những hộp quà nhỏ tặng cho ông.
Mỗi khi có người mua hàng, ông đều “cảm ơn”, khi đã hết hàng vẫn có những người đi qua thấy ông liền hỏi mua bút để ủng hộ nhưng ông cũng “xin lỗi chân thành” vì đã bán hết bút.
Ông Diệp sống đơn thân, không có vợ con. Trong nhà còn người chị 70 tuổi đơn thân, không chồng con và người cháu gái 40 tuổi, khuyết tật nặng do nhiễm chất độc màu da cam, chỉ cao 1m2.
Không lập gia đình, nhưng ông Diệp hoàn toàn mãn nguyện với sự lựa chọn của bản thân. Ông Diệp không lo lắng hay hối hận về việc lỡ ốm đau không có người chăm sóc.
Khoảng đầu tháng 1, ông Diệp bất ngờ được chia sẻ nhiều trên các hội nhóm, mạng xã hội. Từ sự yêu thương của cộng đồng, ông Diệp bán bút dễ dàng hơn, nhanh hơn. Bán bút nhưng nhiều người thương cảm đến cho nhiều vật dụng, bánh kẹo, tiền hay đôi khi là những lời hỏi thăm ấm áp.
“Giờ có người mua hơn 650 chiếc, tôi rất biết ơn. Nếu ngày trước, tôi chỉ bán được 300 cái/ngày, thì hôm nay tăng lên 400-500", ông Diệp vui vẻ nói. Nhiều người mua ủng hộ còn không nhận bút, không lấy lại tiền thừa.
Giờ đây, việc bán bút cũng đem lại thu nhập cho ông đủ trang trải cuộc sống, không còn thiếu thốn như trước.
Theo ông Trần Nhật Thái, Chủ tịch UBND phường Hàng Bột, quận Đống Đa cho biết, ông Diệp từng bán vé số và hiện bán bút bi rong dạo quanh phường Hàng Bột và một số phường lân cận, chủ yếu tại khu vực đèn xanh đen đỏ phố Khâm Thiên.
Gia đình ông là hộ cận nghèo nhiều năm, hoàn cảnh khó khăn. Ông là người cao tuổi đơn thân không vợ con và đang được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù. Cả 3 thành viên trong gia đình đều lớn tuổi hoặc khuyết tật đều đang hưởng trợ cấp Bảo trợ xã hội hàng tháng.
Trao đổi với chúng tôi, Ngọc (20 tuổi) đã mua bút của ông Diệp nhiều lần, chia sẻ cô bạn ghé qua, ngoài mua bút, còn tặng thêm ông túi bánh ngọt, dặn ông giữ gìn sức khỏe.
"Ông rất lịch sự và thân thiện. Dù trời nóng hay lạnh, ông vẫn vừa bán vừa hát, luôn vui vẻ. Ông có nguồn năng lượng tích cực khiến ai thấy ông cũng cảm giác ấm lòng", Ngọc tâm sự.
Cận kề Tết Nguyên Đán, trời Hà Nội lạnh, cái lạnh cắt da cắt thịt làm cho nhiều người ngại ra đường. Gần 70 tuổi, ông Diệp vẫn hàng ngày ngồi ven đường.
Ông cứ nói mãi: “Được đi làm là vui”. Nhắc đến cái Tết sắp đến, ông nói: "Tết đối với tôi cũng bình thường thôi, nhưng năm nay có lẽ sẽ sum vầy hơn.
Chỉ mong các cháu quây quần, có một cái Tết êm đềm, đầm ấm, tôi cũng mong kiếm được đồng nào lì xì năm mới cho các cháu dù ít ỏi. Mọi người cứ bên nhau trong dịp Tết là vui rồi".
Ông chỉ mong rằng, luôn có sức khoẻ để tiếp tục sống vui sống khoẻ bên người thân, gia đình.