Người đàn ông gần 20 năm lặng lẽ gác cửa ô cuối cùng ở Hà Nội
Đối với người dân Hà Nội, Ô Quan Chưởng (tên gọi xưa Ðông Hà Môn) đã trở nên vô cùng thân quen trong cuộc sống hàng ngày, nơi đây không chỉ là di tích mà còn chứa đựng biết bao kỷ niệm của mỗi người dân Hà Nội. Trước đây, Kinh thành Thăng Long - Hà Nội từng có 21 cửa ô. Theo năm tháng, những cửa ô dần mai một, chỉ còn lại duy nhất cửa ô này.
Đây cũng là nơi ghi dấu ký ức oai hùng trong thời kỳ thực dân Pháp nổ súng tiến công thành Hà Nội năm 1873. Tại đây, một vị Chưởng cơ cùng đội quân của mình đã anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng.
Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, Ô Quan Chưởng giờ đây vẫn giữ những nét cổ kính, đơn sơ nhưng không khém phần tráng lệ, oai hùng và tự hào trong mắt mỗi người.
Hàng ngày, cuộc sống nhộn nhịp vẫn diễn ra, phương tiện, xe cộ vẫn đi lại tấp nập. Chiếc vòm cổng cũng là nơi dừng chân tránh nắng của nhiều người và các gánh hàng rong đi qua. Cũng chính vì vậy, nơi đây cũng thường phải nhận lại vô số rác thải.
Để nơi đây luôn sạch sẽ, cổ kính trong mắt người dân, những người yêu mến Hà Nội và du khách quốc tế, suốt gần 20 năm qua, ông Tạ Văn Nhân (74 tuổi, trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn đều đặn, lặng lẽ là người gác cửa ô cuối cùng này. Suốt 20 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, thời tiết gió lạnh ra sao, ông Nhân vẫn lặng lẽ chăm sóc di tích này.
Đang cặm cụi dọn dẹp Ô Quan Chưởng như thường lệ, ông Nhân tâm sự, Ô Quan Chưởng không như những di tích khác, có khu vực khoanh vùng bảo vệ riêng. Nơi đây cũng là một trong số các di tích, tuyến phố bộ mặt của thủ đô nên luôn cần dọn dẹp sạch sẽ.
Cứ mỗi dịp cuối tuần, lễ Tết, nơi đây lại đón nhận nhiều người đến chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc trước sự cổ kính, thiêng liêng của nơi đây.
“Còn khoẻ tôi còn phục vụ, nơi đây như mái nhà thứ 2 của mình”
Với ông Nhân, việc ông trông coi cửa ô cuối cùng của Hà Nội vừa là tình cờ và cũng như duyên nợ khi ông sinh ra và lớn lên cách cửa ô này chỉ khoảng 50m. Ông là một trong những người chứng kiến sự đổi thay riêng của Hà Nội trong suốt nhiều năm tháng nhưng Ô Quan Chưởng vẫn giữ nét cổ kính đơn sơ như ngày ông còn nhỏ.
"Cách đây 20 năm, nơi đây nhiều cây dại mọc hoang, mùa mưa rễ cây bám sum suê ra cả tường gạch rêu phong. Thậm chí nhiều khi cửa ô thường bị lấn chiếm, phóng uế.
Cơ quan chức năng đã tìm nhiều giải pháp, nhờ nhiều người đến trông coi nhưng không ai bám trụ lâu được. Trong lúc cơ quan chức năng đang loay hoay tìm người thì tôi xung phong đứng ra trông coi cửa ô cho tới bây giờ”, ông Nhân tâm sự.
Hàng ngày đều đặn từ 6h sáng đến 6h chiều, ông Nhân sẽ quét rác, ngăn không cho hàng rong, cửa hàng lấn chiếm di tích, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng gian nan khó khăn.
Ông Nhân cho biết, công việc trông coi Ô Quan Chưởng không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự kiên trì, kiên nhẫn bởi phải tiếp xúc, va chạm với nhiều người.
Có nhiều lần, ông Nhân nhắc nhở không cho người bán hàng rong xả rác ra di tích thì bị chửi lại. Đêm tối thường có người tranh thủ phóng uế bừa bãi ở di tích, khi ông Nhân bắt gặp nhắc nhở thì bị gây sự.
“Có người còn chửi tôi là bảo vệ thôi có gì mà làm gắt. Tôi thẳng tính vì chỉ muốn giữ gìn vệ sinh cho di tích. Nhiều lúc giận lắm nhưng cũng đành gạt đi để làm việc chung. Thực sự làm công việc này có lúc tôi tính nghỉ nhưng rồi sau chẳng ai đứng ra làm nên tôi lại tiếp tục”, ông Nhân chia sẻ.
Công việc trông coi cửa ô cũng đem lại thu nhập cho ông Nhân dù số tiền đó không lớn. Tháng đầu tiên trông nom cửa ô, ông Nhân nhận được hơn 100.000 đồng, sau nhiều năm trông coi, hiện ông Nhân nhận được 1,8 triệu đồng/tháng. Nhưng với ông Nhân “duyên nợ” với cửa ô là điều quan trọng hơn cả tiền bạc.
Quanh năm trông coi cửa ô kể cả ngày Tết, ông Nhân vẫn không quên thắp nhang, lễ bái, trông nom. Chính vì vậy, nơi đây luôn sạch sẽ mỗi ngày để sẵn sàng đón tiếp du khách.
“Với tôi nơi đây như mái nhà của mình, nơi chôn giấu bao kỷ niệm và mong muốn các thế hệ sau này cùng gìn giữ. Hy vọng sau này không riêng tôi mà ai ai cũng sẽ gìn giữ để nơi đây luôn sạch đẹp”, ông Nhân tâm sự.
Với ông Nhân, còn khoẻ ngày nào, ông sẽ trông coi, dọn dẹp Ô Quan Chưởng ngày đó. Khi nào không còn sức khoẻ, ông sẽ giao lại cho UBND phường sở tại giao đến tay người khác. Ông luôn mong muốn cửa ô thiêng liêng của Thủ đô luôn được giữ sạch sẽ, cổ kính, thiêng liêng để đón tiếp mọi người.