Ông Nguyễn Đình Độ (40 tuổi, trú xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) được người dân địa phương gọi vui là “vua nuôi vịt trời”, nhờ trang trại rộng cả chục nghìn mét vuông với hàng nghìn con vịt.
Hiện ông Độ nuôi thả 4.000 con vịt trời, trong đó có 500 con vịt đẻ. “Tôi nuôi gối đầu, mỗi tháng xuất bán khoảng 1.000 con. Tính cả năm 2016, tôi xuất 10.000 con vịt trời ra thị trường”, ông nói. Với giá bán 100.000 đồng mỗi con vịt trời thương phẩm nặng từ 1,1 đến 1,3kg, người đàn ông này thu về tiền tỷ hàng năm.
4 năm trước, vùng cát mênh mông ở thôn Nhĩ Thượng (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) chỉ toàn lau lách, cây bụi, không bóng chân người. Sau khi tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, ông Nguyễn Đình Độ (40 tuổi, trú xã Gio Mỹ) quyết định biến nơi đây thành bãi chăn vịt trời.
Ông thuê máy móc về múc hơn 50.000 m3 đất cát, cải tạo thành 3 ha mặt nước ao hồ. Xung quanh trang trại, ông Độ trồng thêm hàng nghìn cây keo để tạo bóng mát. Lúc này, nhiều người không tin việc chăn nuôi của ông Độ sẽ thành công.
Lặn lội ra Thanh Hoá mua về 1.000 con giống với giá 60.000 đồng mỗi con, ông Độ kết hợp nuôi thêm cá rô phi, trắm mè ở ao nước. Thời gian đầu, ông gặp không ít khó khăn do chưa quen cách chăn thả.
Thử nghiệm lứa đầu tiên thất bại nhưng không làm ông nản lòng. Từ những lứa sau, ông Độ chăm sóc kỹ hơn, chu đáo về cả thức ăn và tiêm thuốc phòng trừ dịch bệnh.
Ông cũng thường xuyên đọc thêm sách báo tham khảo, đi học ở trung tâm dạy nghề của huyện. Lứa vịt trời tiếp theo xuất bán không mang về nhiều lợi nhuận, nhưng mang đến niềm tin vào sự phù hợp của đàn vịt trời trên vùng cát trắng.
Thời gian gần đây, sức mua trong nước đã bão hoà, ông Độ mở hướng xuất khẩu vịt trời sang Lào. “Thịt vịt trời ăn giống thịt chim, hợp khẩu vị với người Lào”, ông Độ nói.
Sau thành công của vịt trời thương phẩm, ông Độ đã nghiên cứu nhân giống để chủ động nguồn vịt con, đồng thời bán cho những hộ dân trong tỉnh. Ban đầu, tỷ lệ nở rất thấp, chỉ 30%. Về sau, ông Độ tìm đến những người có kinh nghiệm ấp trứng vịt để tìm hiểu khẩu phần ăn, máy móc ấp trứng và phân loại đầu vào. Nhờ đó, tỷ lệ nở lên đến 80%, mỗi năm ông cung cấp gần 10.000 con giống cho người dân quanh vùng.