“Nếu không có anh Nhân, tôi đã không biết mình phải sống như thế nào nữa” - chị Đinh Thị Hồng Hạnh tâm sự trong nước mắt khi nhắc đến người đàn ông của đời mình trong chương trình “Điều ước thứ 7” được phát sóng trên kênh VTV3 ngày 3/6.
Câu chuyện của “Điều ước thứ 7” tuần này kể về anh Nguyễn Văn Nhân, quê Quảng Ngãi. Năm lên 6 tuổi, anh đã trở thành chỗ dựa tinh thần duy nhất của mẹ sau khi cha đột ngột qua đời. Với mong muốn có cơ hội phát triển và tích lũy được số vốn nho nhỏ gây dựng mái ấm, năm 2002, anh rời quê lên Sài Gòn làm việc cho một công ty cao su thuộc huyện Củ Chi. Cũng tại đây, duyên trời đưa đẩy để anh tìm gặp được người phụ nữ của đời mình.
Số phận đã cho anh gặp được chị Đinh Thị Hồng Hạnh - một đồng nghiệp hơn anh 4 tuổi và cũng là người phụ nữ anh gọi là vợ sau này. Vào năm 1997, chị Hạnh bị tai nạn giao thông, di chứng để lại là vết lõm sâu trên đỉnh đầu thường xuyên đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.
Rồi sau một hai lần đến nhà chị chơi, anh càng thương hơn hoàn cảnh: một mẹ già, ba cháu nhỏ khuyết tật đều trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của chị. Thương tấm lòng nhân hậu, thương hoàn cảnh khó khăn, sau 1 năm rưỡi tìm hiểu và 6 năm yêu nhau, anh đã chính thức ngỏ lời về sống chung một mái nhà với chị.
“Những lần qua nhà cô ấy chơi, tôi càng khâm phục sự hi sinh. Ban đầu cô ấy e dè vì còn mang mặc cảm bản thân, nhưng dần dần thuyết phục thì cũng gật đầu đồng ý. Nhớ hôm đó, tôi tức tốc gọi điện về cho mẹ ở quê để thông báo: con đã tìm được người phụ nữ sẽ sống với con cả đời, con sẽ ở với vợ chứ không ở với mẹ, đúng sai gì con chịu” - anh nhớ lại.
Ban đầu, mẹ anh khá buồn khi anh là con trai duy nhất trong nhà lại không lấy được người vợ khỏe mạnh, nhưng bằng tình yêu chân thành, anh đã thuyết phục được mẹ đồng ý với cuộc hôn nhân.
Chị Hạnh có mẹ là bà Nguyễn Thị Gái đã ngoài 70 tuổi, cháu trai Đinh Long Hồ bị di chứng của chất độc màu da cam khiến mọi sinh hoạt phải trông chờ vào sự chăm sóc của gia đình. 2 cháu trai lần lượt là Đinh Chí Thoại, Đinh Khánh Duy, cháu bị khuyết tật ở chân, cháu khờ khạo sức khỏe suy kiệt so với bạn bè đồng trang lứa. Cả 3 cháu đều có bố mẹ li hôn, kinh tế khó khăn nên sống nương nhờ vào nhà bà nội.
Nghĩ hoàn cảnh gia đình cần người cận kề chăm sóc, anh Nhân quyết định nghỉ hẳn việc ở công ty cao su để dành thời gian lo lắng 3 đứa cháu vợ, thời gian còn lại, anh tranh thủ làm thêm cho một cơ sở than đá gần nhà để kiếm thêm thu nhập.
Vì công việc than đá không gò bó thời gian, anh tranh thủ đưa đón hai đứa cháu Thoại và Duy đến trường, chăm lo sinh hoạt tắm rửa cho Hồ và đảm đương luôn những việc nặng nhọc khác trong gia đình. Nhắc đến chú Nhân, Thoại bộc bạch: “Chân con bị dị tật bẩm sinh ở chân nên phải đi bằng ngón, việc đến trường phải nhờ chú đưa đón. Nếu chẳng có chú, con không biết phải đi học như thế nào. Chú là người tốt bụng, nhân hậu… nếu nói về chú, con chẳng biết phải dùng từ gì để diễn tả nữa”.
Cuộc sống nhiều cực nhọc, lo toan, vợ chồng anh thỏa thuận với nhau một điều mà chẳng ai ngờ đến: “Vợ chồng tôi sẽ không sinh con. Vì nếu sinh rồi thì chẳng thể nuôi nổi. Thôi thì dành điều kiện chăm lo mấy đứa cháu đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp đàng hoàng để tụi nó lo được cho bản thân. Mọi việc đâu vào đấy, tôi lại gom góp sửa lại nhà cho mẹ vợ và dành thời gian về thăm mẹ ruột nhiều hơn”.
Hiểu được hoàn cảnh của anh, ekip chương trình “Điều ước thứ 7” đã đến Củ Chi, TP.HCM. Sau khi bàn bạc tính toán, chương trình quyết định sẽ dành tặng vợ chồng anh một món quà đặc biệt.
Ekip thực hiện chia thành hai tốp, một tốp dành tặng anh chị chuyến tham quan núi Bà Đen, tốp còn lại tranh thủ thời gian anh chị vắng mặt để sửa sang lại ngôi nhà cũ kĩ, xiêu vẹo.
Trong vòng từ sáng đến chiều, ngôi nhà đã được sửa sang kiên cố hơn để tạo bất ngờ cho hai anh chị.
Và đúng theo dự kiến, vào chiều cùng ngày, anh chị trở về trong niềm hạnh phúc vỡ òa khi mái nhà đã được sửa lại tươm tất, kiên cố. Song song đó, chương trình còn tài trợ thêm cho hai anh chị chuyến hành trình về lại quê hương Quảng Ngãi thăm mẹ ruột của anh Nhân, điều mà sau bao tháng ngày loay hoay với gánh nặng áo cơm khiến anh chị ít có điều kiện thực hiện.