Theo người dân xã Thạch Hải, từ tháng 11 âm lịch hàng năm, mỗi khi sóng to, biển động, sò lông thường bị cuốn theo cát dạt vào bờ biển. Vì thế, cứ đến dịp này, người dân địa phương lại đổ xô ra bờ cát ven biển vớt “lộc trời”.
Bắt đầu từ sáng sớm, hàng chục người gồm cả người già và trẻ em tay cầm rổ cào những con sò lông xếp từng lớp trên bãi cát rồi đổ vào bao tải.
“Đợt này chúng tôi phát hiện sò lông dạt vào từ ngày 17/12. Bờ biển dài khoảng 20 m bạt ngàn sò lông phủ kín. So với mọi năm thì năm nay sò lông dạt vào bờ nhiều hơn, khoảng vài chục tấn sò dạt vào bờ”, bà Phạm Thị Huệ nói.
Đến trưa, lượng người kéo đến càng đông hơn, làm huyên náo cả một vùng biển. Cứ vài phút là có người lôi lên một bao tải đầy, rồi đem lên bờ cho người nhà nhặt và phân loại.
Anh Nguyễn Văn Linh cho biết, ba ngày nay anh cùng vợ và hai con lượm được khoảng một tấn sò. Sau khi được đưa về nhà, họ sẽ luộc qua sò để tách vỏ.
“Phần thịt của sò lông chúng tôi đem bán cho các quán ăn hoặc nhà hàng với giá 50.000 đồng/kg. Nếu chưa qua sơ chế chỉ bán được 10.000 đồng/kg”, anh nói.
Ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, cho biết hiện tượng sò lông dạt vào bờ ở vùng biển địa phương theo chu kỳ hàng năm. Thông thường mỗi khi biển động, sóng lớn là loài nhuyễn thể này bị sóng biển đánh dạt vào bờ.
“Giá trị của sò lông khá cao, vì thế cứ dịp này bà con thu được trung bình khoảng 0,5 tấn sẽ bán ra được khoảng 2-3 triệu đồng”, ông Chiến nói.